(VoThuat.vn) – Ai nghĩ đến Cà Mau cũng đều nghĩ đến nơi cuối cùng của Tổ quốc, Đất Mũi được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam và trong đời, ai cũng ước một lần được đến. Và tại nơi đây, Vovinam cũng đã trải qua một hành trình tuy âm thầm nhưng cũng có nhiều thành quả nhất định.

Đoàn Vovinam Cà Mau tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 tại Hà Nội. Võ sư Văn Thanh Xuân (thứ tư từ trái) đã tái lập phong trào Vovinam ở Cà Mau từ năm 1992.

Theo Sắc lệnh số 143-NV (tháng 10-1956) của chính quyền Sài Gòn, tỉnh Cà Mau được đặt tên mới là tỉnh An Xuyên, còn tỉnh lỵ đổi tên là Quản Long. An Xuyên chính là tên của làng sở tại trước kia thuộc tổng Quản Long, vốn là nơi đặt quận lỵ quận Cà Mau trước năm 1956. Đồng thời, xã An Xuyên cũng được đổi tên thành xã Tân Xuyên thuộc quận Quản Long và là nơi đặt tỉnh lỵ Quản Long của tỉnh An Xuyên.

Tháng 2-1976, tỉnh An Xuyên (tức tỉnh Cà Mau) được sáp nhập với tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải. Tháng 11-1996, tỉnh Minh Hải được chia lại thành tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu như cũ.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau – vùng đất cực Nam của Tổ quốc – có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Cà Mau và các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh. Với diện tích  5.294,87 km², tính đến ngày 1-4-2019, dân số toàn tỉnh Cà Mau đạt 1.194.476 người, mật độ dân số đạt 232 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 271.046 người chiếm 22,7% dân số toàn tỉnh, dân số sống tại nông thôn đạt 923.430 người, chiếm 77,3% dân số.

Một số hình ảnh Vovinam tỉnh An Xuyên trước năm 1975

Ông Dương Minh Hải là HLV đầu tiên được Cục Huấn luyện Miền Tây phân công phụ trách Trung tâm Huấn luyện tỉnh An Xuyên (nay là tỉnh Cà Mau). Theo ông Dương Minh Hải kể lại, các lớp võ đầu tiên được khai giảng vào tháng đầu năm 1971 tại Ty Thanh niên tỉnh An Xuyên, thu hút trên dưới 350 võ sinh, chia làm 6 lớp. Mỗi ngày dạy từ 5 giờ đến 8 giờ tối (trừ Chủ nhật). Song song đó, HLV Dương Minh Hải còn phụ trách 2 lớp đặc biệt dành cho các môn sinh có tư cách và tố chất tốt để làm nòng cốt cho các cuộc biễu diễn và hỗ trợ đứng lớp.

Võ sư Văn Thanh Xuân (đai đỏ)

Năm 1972, phong trào ở An Xuyên phát triển thêm 2 lớp ở sân chợ quận Quản Long, mỗi lớp khoảng 40 – 50 võ sinh… Đến giữa năm 1973, HLV Dương Minh Hải trở về Cục Huấn luyện Miền Tây và người thay thế là HLV Nguyễn Thành Xê phụ trách phong trào đến năm 1975…

Sau một thời gian dài vắng bóng, phong trào Vovinam huyện Cái Nước (lúc đó còn thuộc tỉnh Minh Hải) được võ sư Văn Thanh Xuân (sinh năm 1957, từng nhiều năm sinh hoạt trong phong trào Vovinam Hậu Giang – Cần Thơ) xây dựng lại trong 2 năm 1992 – 1993, thu hút khoảng 150 võ sinh. Nhưng sau đó, võ sư Văn Thanh Xuân trở về Cần Thơ nên phong trào nơi đây lại tạm lắng. Mãi đến tháng 8-2005, võ sư Văn Thanh Xuân mới quay trở lại huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) để tái lập và phát triển phong trào.

Một lớp tập phong trào tại Trung tâm TDTT Cà Mau

Ngày 4-10-2009, được sự nhất trí của Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo và Thi đấu TDTT tỉnh Cà Mau và Liên đoàn Vovinam Việt Nam, CLB Vovinam huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã tổ chức kỳ thi thăng cấp sơ đẳng và trung đẳng lần đầu tiên cho 84 thí sinh. Hầu hết các thí sinh sơ đẳng đều đạt yêu cầu, đồng thời có 16 thí sinh được thăng Huyền đai, 16 thí sinh lên Hoàng đai I cấp, 8 thí sinh lên Hoàng đai II cấp và 5 thí sinh được thăng Hoàng đai III cấp.

Về phong trào, tính đến tháng 10-2009, Bộ môn Vovinam huyện Cái Nước đã xây dựng được 7 lớp tập, huyện Phú Tân có 4 lớp tập với tổng số võ sinh khoảng 600 người, phần lớn là học sinh, trong đó có 70 Huyền đai và Hoàng đai các cấp. Sau huyện Phú Tân, phong trào mở rộng dần đến thành phố Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, U Minh, Năm Căn, Thới Bình và Đầm Dơi.

Một số môn sinh Trung đẳng và Chuẩn cao đẳng của Vovinam Cà Mau

Năm 2009, Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo và Thi đấu TDTT tỉnh Cà Mau thành lập đội tuyển Vovinam (1 HLV, 8VĐV được hưởng chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn Năng khiếu ban đầu) tham dự giải Đồng bằng sông Cửu Long ở Kiên Giang và giành được 3 HCV. Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức Giải Vovinam vô địch trẻ toàn quốc và chủ nhà Cà Mau giành được 2 HCV. Kể từ đây, Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo và Thi đấu TDTT Cà Mau chính thức quản lý đội tuyển với mức bồi dưỡng như những môn thể thao khác trong tỉnh. Hàng năm, Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo và Thi đấu đã cùng Liên đoàn Võ thuật và Bộ môn Vovinam tỉnh Cà Mau tổ chức các giải trẻ, giải vô địch các CLB, hoặc Đại hội TDTT, Hội khỏe Phù Đổng theo định kỳ để rèn luyện VĐV. Qua đó, thành tích thi đấu của đội tuyển cũng tạm ổn định (năm nào cũng giành được huy chương) ở các giải khu vực và quốc gia.

Thi thăng cấp Trung đẳng Vovinam tại Cà Mau ngày 29-9-2019

Song song đó, tuy cũng còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng phong trào Vovinam tỉnh Cà Mau cũng phát triển khá mạnh. Tính đến đầu tháng 11-2019, toàn tỉnh có 24 CLB, quy tụ khoảng 1.200 võ sinh ở thành phố Cà Mau (VS Chuẩn hồng đai Văn Tiểu Phong, HLV Hoàng đai III Phạm Hữu Nghĩa), các huyện Đầm Dơi (HLV Hoàng đai II Nguyễn Hoàng Khải), Phú Tân (HLV Hoàng đai II Thái Văn Út), Trần Văn Thời (HLV Hoàng đai II Võ Văn Phương), Thới Bình (HLV Hoàng đai III Phan Duy Khanh), Năm Căn (HLV Phạm Hữu Nghĩa), Cái Nước (võ sư Văn Thanh Xuân, HLV Hoàng đai III Lê Văn Tây, HLV Hoàng đai III Nghiêm Nhật Minh…). Riêng huyện Ngọc Hiển cũng có nhu cầu nhưng quá xa xôi nên chưa có HLV về đây mở lớp.

Vovinam huyện Cái Nước, Cà Mau thi thăng đai năm 2009

Theo võ sư Văn Thanh Xuân (Hồng đai II cấp), Ủy viên thường vụ Liên đoàn Võ thuật tỉnh Cà Mau (thành lập năm 2016), Trưởng bộ môn Vovinam tỉnh Cà Mau, bên cạnh việc củng cố và từng bước nâng cao thành tích thi đấu, Vovinam Cà Mau đang có kế hoạch phát triển ở huyện Ngọc Hiển. Mặt khác, ngoài các giải chính thức của tỉnh như giải vô địch các CLB, giải trẻ, Bộ môn sẽ cố gắng vận động để tổ chức thêm các giải mở rộng, qua đó giúp các VĐV giao lưu, xây dựng tình đoàn kết, cọ xát và học hỏi kinh nghiệm huấn luyện, thi đấu…

Võ sư Văn Thanh Xuân


Tin liên quan: