(VoThuat.vn) – Kể từ khi thành lập Liên đoàn đến nay, phong trào luyện tập Vovinam ở Kiên Giang không ngừng phát triển, từ số lượng vài trăm học viên theo tập đến nay đã tăng lên 3.500 học viên theo tập thường xuyên với trên 52 CLB hoạt động khắp 15 huyện, thị, thành phố trong tỉnh kể cả các huyện đảo xa và biên giới.

Kiên Giang có diện tích 6348,8 km vuông, dân số 1.723.067 (tính đến ngày 1-4-2019), trong đó 487.800 người (28,3%) người sống ở thành thị, và 1.235.267 người (71,7%) sống ở nông thôn. Vùng đất này được chia ra 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và các huyện: An Biên, An Minh, Châu Thành, Giang Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc, Tân Hiệp, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, tổng cộng có 145 đơn vị cấp xã gồm 12 thị trấn, 16 phường và 117 xã. Trong đó, Phú Quốc – hòn đảo lớn nhất Việt Nam, là hòn đảo ngọc đang được chú ý bởi những ai thích vẻ hoang sơ của nó. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc được coi như là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.

Kiên Giang là vùng đất mà Vovinam xuất hiện khá sớm trong khu vực. Ngay từ đầu năm 1968 với phong trào tự phát, HLV Danh Ky (1947-1987) đã mở lớp tại Chùa Bà (thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Lớp tập này duy trì thường xuyên trên 50 võ sinh, môn sinh.Tháng 3-1970 khi phong trào khai phá Miền Tây lan rộng, sau An Giang, Chưởng môn Lê Sáng và Tổng cục Huấn luyện đã cử HLV Dương Minh Nhơn (đảm nhận nhiệm vụ Trung tâm trưởng) HLV Nguyễn Văn Sen, HLV Dương Minh Hải về cùng với HLV Danh Ky mở rộng phong trào. Lúc đó, lớp tập ở Chùa Bà được sáp nhập về võ đường mới. Tiêu biểu cho lớp môn sinh của lớp võ sân Chùa Bà ngày ấy còn lại đến ngày hôm nay có thể kể đến các võ sư Danh Tư, Hà Thế Thạnh, Nguyễn Huỳnh Dũng, Huỳnh Châu Sang.

Nhìn chung, phong trào lúc này đang có chiều hướng phát triển. Hơn nữa trước đó đã có đoàn Vovinam từ Sài Gòn từ trên xuống biểu diễn võ thuật tại rạp hát Nghệ Đô (Thắng Lợi ngày nay) nên tạo được sức hút mạnh mẽ với đông đảo thanh niên, học sinh.

Từ đó đến đầu năm 1975, phong trào đã xây dựng được 6 điểm tập, thu hút vài trăm võ sinh. Một số nữ môn sinh theo tập những năm đó đến nay vẫn còn tham gia đóng góp cho phong trào Vovinam như các võ sư Trương Thị Hồng Ánh, Nguyễn Thị Phụng, Mã Thị Ngọc Liêng…

Sau năm 1975, sau nhiều năm ngừng nghỉ, HLV Nguyễn Thị Phụng đã mở lớp võ đầu tiên tại Hà Tiên (Kiên Giang nói chung) vào năm 1987.

Năm 1988, các HLV Trương Thị Hồng Ánh, Mã Thị Ngọc Liêng, Hà Thế Thạnh xin phép mở lại lớp võ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang. Qua đó, hình thành Bộ môn Vovinam tỉnh do HLV Trương Thị Hồng Ánh phụ trách. Thời gian đầu không có nhân sự, 7-8 đồng môn đã từ Cần Thơ sang Kiên Giang biểu diễn để giới thiệu môn võ này với khán giả và mở lớp. Lần đầu biểu diễn tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang. Lần 2 biểu diễn tại Nhà Văn hóa tỉnh Kiên Giang, ngoài Vovinam còn có các võ phái khác ở nước ngoài và trong tỉnh Kiên giang tham dự. Nhớ lại bước đầu hồi phục đầy khó khăn, nhưng những người bạn đã giúp đỡ chúng tôi năm xưa giờ đây đã vĩnh viễn đi xa như võ sư Tạ Quỳnh Đức, Lê Kế Truyền…

Kế tiếp, HLV Danh Tư, Nguyễn Huỳnh Dũng, Đào Thị Hường, Huỳnh Châu Sang cũng góp mặt với phong trào, sau đó HLV Ngô Bửu Kiến mở lớp tập Vovinam tại trường PTTH Nguyễn Trung Trực dưới hình thức môn thể dục tự chọn.

Có thời điểm, mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, HLV Danh Tư, Nguyễn Thị Phụng, Hà Thế Thạnh, Nguyễn Huỳnh Dũng đã đến Cần Thơ để tham gia lớp tập huấn do võ sư Nguyễn Văn Sen từ TPHCM xuống đây hàng tuần hướng dẫn.

Kể từ đó phong trào Vovinam Kiên Giang dần dần lớn mạnh và trở thành môn võ có số lượng học viên đông nhất so với các môn võ khác tại Kiên Giang.

Năm 2012, Vovinam Kiên Giang đã chính thức được thành lập Liên đoàn do võ sư Huỳnh Châu Sang làm Chủ tịch nhiệm kỳ I (2012-2016). Đại hội nhiệm kỳ II (2016 – 2020), võ sư Huỳnh Châu Sang tái đắc cử chức vụ Chủ tịch.

Kể từ khi thành lập Liên đoàn đến nay, phong trào luyện tập Vovinam không ngừng phát triển, từ số lượng vài trăm học viên theo tập đến nay đã tăng lên 3.500 học viên theo tập thường xuyên với trên 52 CLB hoạt động khắp 15 huyện, thị, thành phố trong tỉnh kể cả các huyện đảo xa và biên giới.

Cụ thể như: Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật, Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, Trường Nghiệp vụ TDTT, Trường THPT Sóc Xoài (huyện Hòn Đất), trường THPT Nguyễn Trung Trực (được Sở Giáo dục & Đào tạo cho phép huấn luyện chính thức theo chương trình môn tự chọn), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cùng một số điểm tập tại thành phố Rạch Giá và các huyện: Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, U Minh Thượng…

Bên cạnh đó, Liên đoàn đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cho giáo viên thể dục của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá. Từ đó Vovinam đã từng bước được đưa vào giảng dạy tại các trường học trong tỉnh dưới hình thức môn thể dục tự chọn và ngoại khóa. Song song đó, Vovinam còn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang đầu tư tuyến Năng khiếu với 7 VĐV và 5 VĐV tuyến trẻ.

Đóng góp vào các hoạt động phục vụ quần chúng, Vovinam đã tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội lớn hoặc hoạt động TDTT hàng năm như Lễ hội cúng Đình Nguyễn Trung Trực, Hội thao An ninh quốc phòng, Hội thao toàn quân, Đại hội TDTT…

Hàng năm, Liên đoàn tổ chức khoảng 40 kỳ thi thăng cấp sơ đẳng trong toàn tỉnh và 1-2 kỳ thi trung đẳng.

Nhằm nâng cao trình độ cũng như tuyển chọn VĐV, Liên đoàn tổ chức giải huyện và giải tỉnh mỗi năm một lần. Từ đó cử VĐV tham dự 2 giải cấp quốc gia mỗi năm.

Liên đoàn Vovinam Kiên Giang


Tin liên quan: