Vovinam Quân đội – Chặng đường 25 năm gian khó và tự hào

Thời gian chẳng đợi ai! Mới đó mà Vovinam Quân đội đã tròn 25 tuổi. Chặng đường 25 năm tuy không dài so với các đơn vị bạn. Tuy trải qua những bước thăng trầm, nhưng các HLV, VĐV đã vượt mọi gian khó để đóng góp nhiều thành tích tốt đẹp cho Trung tâm TDTT Quốc phòng II – Quân khu 7 và  ngành TDTT Quân đội.   

Những ngày đầu chập chững

Năm 1995, phong trào võ thuật được các ngành, các cấp trong cả nước đặc biệt quan tâm và đầu tư rất rộng khắp. Từ buổi trao đổi giữa Thượng úy Nguyễn Duy Hùng – Trưởng Bộ môn Võ vật Trung tâm TDTT Quốc phòng II – Quân khu 7 cùng 2 nhà báo Thiện Tâm và Võ Danh Hải về việc phát triển môn Vovinam trong lực lượng Quân đội. Được sự chấp thuận về chủ trương của Giám đốc Nguyễn Trọng Tân, các HLV, VĐV đến từ quận Phú Nhuận và thành phố Hồ Chí Minh như: Nguyễn Văn Ký, Võ Danh Hải, Phạm Thị Kim Phiên, Trần Văn Để, Nguyễn Hoàng Sơn Tùng, Mai Ngô Hoài Quốc, Dương Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Quốc Hùng đã chuyển về tập luyện tại Trung tâm. Những ngày đầu tiên, cơ sở vật chất của bộ môn Võ vật còn hạn chế, lớp Vovinam thường tập ngoài sân cỏ và chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng. Dù vậy, các HLV, VĐV vẫn chuyên cần tập luyện. Thế nên, chỉ với 9 thành viên đầu tiên tham gia ở Giải Vovinam vô địch toàn quốc  năm 1996 do Đại úy Hồ Châu Tuấn làm Trưởng đoàn, đội tuyển Vovinam Quân đội tạo được niềm khích lệ lớn với thành tích 6 huy chương (2 HCB và 4 HCĐ).

Vovinam Quân đội đã trải qua hành trình 25 năm đầy tự hào.

Dấu ấn trưởng thành

Bên cạnh sự chăm lo của Trung tâm, Vovinam Quân đội còn nhận được sự động viên, hỗ trợ của một số võ sư cao cấp trong Môn phái như: thầy Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Văn Sen, Nguyễn Chánh Tứ, Trần Văn Mỹ… hoặc võ sư Nguyễn Hồng Quì ở Hội Việt Võ Đạo TPHCM. Ba năm sau, tại Giải vô địch toàn quốc năm 1999 diễn ra ở tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận về sự vươn lên và để lại dấu ấn của đội tuyển Vovinam Quân đội. Dưới sự dẫn dắt của trưởng đoàn Nguyễn Duy Hùng và HLV phụ trách đối kháng Võ Danh Hải, 4 võ sĩ đã đoạt ngôi vô địch toàn quốc ở mảng đối kháng gồm: Trần Văn Để (57kg), Nguyễn Hoàng Sơn Tùng (45kg), Lê Thị Lý (42kg) và Phan Thụy Thùy Dương (48kg). Thành tích này đã giúp Vovinam Quân Đội lần đầu tiên vượt qua các địa phương có phong trào Vovinam phát triển từ trước đó như: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bến Tre, Vĩnh Long… để vươn lên vị trí thứ II toàn đoàn, chỉ xếp sau đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trao bằng khen cho các VĐV xuất sắc. Ảnh: Hồng Long

Từ đầu những năm 2000, được sự quan tâm của Phòng TDTT (Cục Quân huấn-Bộ Quốc phòng) và lãnh đạo Trung tâm TDTT Quốc phòng II, QK7, Bộ môn Vovinam được tổ chức thêm tuyến trẻ, năng khiếu. Liên tiếp các năm 2000 đến năm 2007, đội tuyển Vovinam Quân đội luôn là giữ vững vị trí hạng nhì toàn đoàn và đem về hàng chục HCV về cho Trung tâm và ngành Thể dục thể thao Quân đội. Đặc biệt, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 4 năm 2002, đội khẳng định được vị trí thứ 2 toàn đoàn với thành tích 13 huy chương (4 HCV, 3 HCB, 6 HCB). Những tên tuổi nổi bật trong giai đoạn này: Phạm Đoàn Trâm Anh, Nguyễn Hoàng Sơn Tùng, Võ Trần Hoàng Mai, Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hầu Thăng Bình, Nguyễn Võ Tiết Hồng Quân, Trần Văn Thời… Những năm tiếp theo, Vovinam Quân đội luôn giữ vững thành tích của mình. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần 5 năm 2006, một lần nữa đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với 10 huy chương (3 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ) với 3 nhà vô địch Đại hội là các võ sĩ: Bùi Thanh Vỹ (60kg), Phan Quốc Cường (54kg), Đỗ Thị Bạch Tuyết (57kg)…

VĐV Bùi Thanh Vỹ nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Ảnh: Hồng Long.

Một trong những VĐV xuất sắc nhất của Vovinam Quân đội từ năm 1997 đến giữa thập niên 2000 là võ sĩ Phạm Đoàn Trâm Anh. Cô gái duyên dáng và dễ thương này luôn được xem là hình ảnh hiếm thấy của Vovinam Quân Đội và cả Việt Nam khi giành nhiều ngôi vô địch toàn quốc ở cả 2 nội dung đấu đối kháng lẫn thi quyền.

Vững vàng tiến bước

Trong dòng chảy của Vovinam Việt Nam, có một cái tên đóng góp rất nhiều cho sự hình thành và phát triển của Vovinam Quân đội nói riêng và môn phái Vovinam nói chung. Đó là võ sư, nhà báo Võ Danh Hải. Từ những ngày đầu, ông đã cùng các cộng sự xây dựng nên một phong cách thi đấu mang dấu ấn của Vovinam Quân Đội và đào tạo ra những võ sĩ xuất sắc của Vovinam vào những năm của thập niên 90 thế kỷ trước. Năm 2000, với sự ủng hộ của Trưởng ban điều hành Vovinam Việt Nam Trương Quang Trung, ông đã cùng với đại uý Nguyễn Duy Hùng – nay là Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Quân đội – ra tận Hà Nội để trình bày và thuyết phục TS Đoàn Thao – Phó Chủ nhiệm UB TDTT đồng ý đưa Vovinam và võ Cổ truyền và danh sách các môn thể thao chính thức của Đại hội TDTT toàn quốc. Cũng chính vị “thuyền trưởng” của Vovinam Quân đội sau này trở thành Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam (năm 2007), Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới (năm 2008) cũng là người đóng góp quan trọng cho việc quảng bá và đưa vovinam và thi đấu tại SEA Games 26 (2011 tại Indonesia), SEA Games 27 (2013, Myanmar), ASIAN Indoor Games III (2009, Việt Nam), ASIAN Beach Games…  chung tay đóng góp cho sự phát triển của Vovinam ngày càng lan toả ra khắp thế giới.

Tiến sĩ, Võ sư Võ Danh Hải (thứ 2 bên trái) người có nhiều đóng. góp trong việc xây dựng phong trào Vovinam Quân đội

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp này, các thế hệ HLV Vovinam Quân Đội như Trần Văn Để, Phạm Thị Kim Phiên, Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Thanh Sang, Đào Hoàng Tuấn… đã tiếp tục kế thừa, xây dựng phong trào và đào tạo thêm nhiều tên tuổi cho phong trào Vovinam Quân Đội và Việt Nam trong suốt những năm qua.

Vovinam Quân Đội đoạt hạng nhì toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần V- 2006

Sau khi Liên đoàn Vovinam Việt Nam ra đời năm 2007 và năm sau (2008) Liên đoàn Vovinam Thế giới được thành lập, Vovinam đã tổ chức Giải vô địch Thế giới cũng như được đưa vào chương trình thi đấu ở các Đại hội khu vực. Góp mặt trong đội tuyển Việt Nam tham dự Giải vô địch thế giới lần 1 và ASIAN Indoor Games lần 3-2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các HLV viên Trần Văn Để, Nguyễn Thanh Sang và các VĐV Cao Vũ Linh, Võ Trần Hoàng Mai, Trần Thanh Sơn, Nguyễn Văn Thời đóng góp vào bảng thành tích chung cho thể thao Việt Nam và Quân đội 3 huy chương (2 HCV, 1 HCB).

Đoàn Vovinam Việt Nam và Uỷ ban Olympic Quốc gia giới thiệu Vovinam tại Hội đồng Thể thao Đông Nam Á tạiThái Lan 2006

Từ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần 6 năm 2010 đến năm 2018 đội luôn đứng trong tốp 3 toàn đoàn với 18 HCV; Giải trong nước giành 58 HCV, 100 HCB, 102 HCĐ; Giải vô địch thế giới lần 2 tại Việt Nam năm 2011, VĐV Nguyễn Thị Kim Hoàng và Nguyễn Thị Ngọc Truyển đem về 3 huy chương (2 HCV, 1 HCĐ); Giải vô địch châu Á lần 2 tại Iran năm 2012, các VĐV Nguyễn Thị Tuyết Loan, Võ Trần Hoàng Mai, Trần Thanh Sơn, Nguyễn Văn Thời giành 5 huy chương (4 HCV, 1 HCĐ); Giải vô địch Thế giới lần 3 tại Pháp năm 2013, các VĐV Nguyễn Thị Kim Hoàng, Nguyễn Văn Thời, Trần Thanh Sơn, Lê Bảo Giang đoạt 2 HCV và ở SEA Games 27-2011 tại Myanmar, VĐV Nguyễn Thị Kim Hoàng đã đoạt HCV hạng cân 57kg.

Trong 5 năm gần nhất, Vovinam Quân Đội  tiếp tục gặt hái được những thành công vượt bậc. Điển hình có thể kể đến 2 chiếc HCV giải Vô địch Vovinam thế giới vào các năm 2015 và 2017, 1 chiếc HCB thế giới vào năm 2019. Cùng với đó, Vovinam Quân Đội cũng là dày thêm bảng thành tích đồ sộ của mình với 2 chiếc HCV tại giải Vô địch Đông Nam Á vào các năm 2017, 2018. Trên phương diện các giải đấu quốc gia, Vovinam Quân Đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mang về thêm nhiều chiếc huy chương lớn nhỏ khác.

Võ sĩ Tuyết Loan của Vovinam Quân đội biểu diễn tại Hàn Quốc

Đóng góp cho sự thành công của Vovinam Quân Đội trong giai đoạn 2015 – 2020 là những gương mặt VĐV xuất chúng. Những cái tên tiêu biểu trong giai đoạn này bao gồm: Nguyễn Thị Kim Hoàng, Nguyễn Sơn Ca, Biển Thị Minh Khoa, Đặng Hoàng Khải, Trương Thị Út (đối kháng); Lê Thị Bảo Châu, Lê Trường Vũ, Lương Ái Hiệp, Huỳnh Đức Vinh, Cao Vũ Linh, Huỳnh Xuân Duẩn.

Cùng với các VĐV thành tích cao, Vovinam Quân Đội trong thời kỳ này cũng sản sinh nhiều VĐV trẻ ưu tú, là tương lai của bộ môn Vovinam. Có thể kể đến những cái tên như Hoàng Quỳnh Như, Bùi Hiếu Thi, Lương Trí Dũng,…

VĐV Sơn Ca (Quân đội) thi đấu tại Giải đấu Vovinam đỉnh cao Pháp Việt tại Paris 2010

Bên cạnh các giải đấu quốc tế, các võ sĩ Vovinam Quân đội còn nhiều lần tham gia vào đoàn Vovinam Việt Nam tham dự Liên hoan Võ thuật truyền thống Thế giới tại thành phố Chungju (Hàn Quốc) và được bạn võ các nơi mến mộ với những màn biểu diễn hấp dẫn.

Hai mươi lăm năm nhìn lại

So với các bộ môn võ thuật khác của Trung tâm TDTT Quốc phòng II, Vovinam được thành lập muộn hơn cả. Nhưng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực rất lớn của các HLV, VĐV trong quá trình khổ luyện, nhiều võ sĩ Vovinam của đội tuyển đã trở thành những VĐV tài năng, phát huy truyền thống thể thao Quân đội, góp phần đưa Vovinam đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, một số VĐV sau giã từ sàn đấu đã được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp như: Thiếu tá CN Phạm Thị Kim Phiên (Chủ nhiệm Nhà Nghỉ VĐV), Thiếu tá CN Trần Văn Để (Phó CN CLB Võ Thuật), Đại úy CN Đỗ Thị Bạch Tuyết (Chánh Văn phòng LĐVT)… Một số VĐV khác cũng đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định như: Thạc sĩ Phan Thụy Thùy Dương (Phó giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Q.12 – TPHCM), Võ Trần Hoàng Mai (giáo viên Giáo dục thể chất Trường THPT Ngô Gia Tự (quận 8, TPHCM), Ngô Lê Thanh Thủy, Văn Thành… hoặc trở về địa phương góp phần xây dựng phong trào như: Phan Quốc Cường (Bình Thuận), Bùi Thanh Vỹ (Quảng Ngãi), Nguyễn Tú (Bình Dương)…

Phó tổng thống Iran Ali Abadi và Tổng thư ký WVVF Võ Danh Hải trao giải tại AIGs III

Nhân kỷ niệm 25 năm Vovinam Quân Đội, Tiến sĩ Mai Hữu Tín – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam chia sẻ: “Có thể nói, Vovinam Quân Đội là một trong những đơn vị xuất sắc của Vovinam Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Vovinam Quân Đội đã đóng góp rất nhiều thành tích cho Vovinam nước nhà, đóng góp to lớn cho quá trình phát triển phong trào Vovinam. Nơi đây cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ VĐV, HLV tài năng của bộ môn. Không chỉ vậy, trong suốt nhiều năm qua, Vovinam Quân Đội còn là sự lựa chọn đáng tin cậy để đăng cai nhiều giải đấu lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Nhân kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển Vovinam Quân Đội, tôi xin chúc tập thể HLV, VĐV thật nhiều sức khỏe. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, Vovinam Quân Đội sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống trong quá khứ, gặt hái thêm nhiều thành tích để xứng đáng là lá cờ đầu của phong trào Vovinam”.

Để có được thành công như ngày hôm nay, Vovinam Quân đội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức. Trong đó có thể kể đến sự giúp đỡ của Ủy ban TDTT Olympic, Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, Phòng Thể dục Thể thao Quân đội, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM các võ sư của môn phái, các HLV, VĐV qua các thời kỳ.

Vovinam Quân đội trong giai đoạn 2008

Bên cạnh đó, Vovinam Quân Đội không thể quên hai nhân vật quan trọng đó là cố Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT, Trưởng ban Điều hành Vovinam  Việt nam – ông Trương Quang Trung và cố Võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh chưởng quản môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, những người đã quan tâm, ủng hộ phong trào Vovinam Quân đội từ những ngày đầu thành lập.

Vovinam Quân đội đã gặt hái được vô vàn thành công trong 25 năm hình thành, phát triển.

Nhìn lại chặng đường 25 năm, một mốc son để tập thể thầy trò Vovinam Quân Đội có dịp chiêm nghiệm và tự hào về chặng đường gian khó đã qua. Đó cũng là một thời gian mà Vovinam khi xây dựng nên nhiều thế hệ HLV, VĐV tiếp nối một truyền thống tốt đẹp của Vovinam màu áo lính đoàn kết vì màu cờ sắc áo. Và cứ mỗi độ chuẩn bị đón Xuân mới, vào tháng 12 hàng năm, các thế hệ HLV, VĐV Vovinam Quân Đội đã cùng tụ họp về “ngôi nhà” một thời mà mình đã gắn bó để nhắc lại một quá khứ hào hùng và khó quên và cùng hát lại ca khúc mà mỗi khi “xung trận” các thế hệ thầy trò Vovinam Quân Đội vẫn thường ca vang “Đời mình là một khúc quân hành…”


Phát huy tinh thần đoàn kết, sống có nghĩa tình của Bộ môn Võ vật Quân đội, năm 1996, võ sư Nguyễn Văn Ký và HLV Phạm Thị Kim Phiên đã hướng dẫn cho 2 môn sinh Nguyễn Ngọc Hài và Nguyễn Văn Long. từ Thanh Hóa vào tập huấn tại Trung tâm TDTT Quốc phòng II còn VĐV Trần Văn Để đã ngủ ở hành lang để nhường giường của mình cho đồng môn ở phương xa. Trở về quê nhà, 2 môn sinh này đã tích cực xây dựng phong trào và ngày nay Vovinam Thanh Hòa đã vươn lên tốp đầu ở các giải vô địch toàn quốc.

Khen thưởng:

– Bằng khen Bộ Quốc phòng ​(2006, 2010, 2015).

– Bằng khen Bộ Tổng tham mưu ​(2002).

– Bằng khen Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ​(2006, 2010, 2011, 2012, 2013, 2015).

Huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu:

Võ Danh Hải, Phạm Thị Kim Phiên, Trần Văn Để, Nguyễn Thanh Sang, Đào Hoàng Tuấn, Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Tuyết Loan, Nguyễn Hoàng Sơn Tùng, Phạm Đoàn Trâm Anh, Lê Thị Lý, Phan Thụy Thùy Dương, Võ Trần Hoàng Mai, Nguyễn Võ Tiết Hồng Quân, Hầu Thăng Bình, Bùi Thanh Vỹ, Dương Nguyễn Hoàng Sơn, Phan Quốc Cường, Độ Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Kim Hoàng, Nguyễn Thị Ngọc Truyển, Nguyễn Sơn Ca, Phạm Thị Mỹ Dung, Lê Bảo Giang, Nguyễn Văn Thời, Trần Thanh Sơn…


Bộ môn Vovinam Quân đội