(VoThuat.vn) – Sáng 18-5, tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, Liên đoàn Vovinam Thanh Hóa đã tổ chức lễ tưởng niệm cố võ sư Nguyễn Lộc – người sáng lập môn phái Việt võ đạo – nay là bộ môn Vovinam và biểu diễn các bài quyền thuật Vovinam.
- Học Vovinam ở TP.HCM chỉ dưới 100.000đ, tại sao không?
- Vovinam An Giang và chặng đường 10 năm phát triển không ngừng
Tham dự buổi lễ có đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gần 100 vận động viên, huấn luyện viên của câu lạc bộ Vovinam đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tại buổi lễ, đông đảo các đại biểu, huấn luyện viên của bộ môn Vovinam Thanh Hóa đã dâng hương tưởng nhớ cố võ sỹ Nguyễn Lộc, cũng như ôn lại lịch sử ra đời, quá trình phát triển của bộ môn Vovinam Việt Nam.
Võ sư Nguyễn Lộc sinh năm 1912, tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Ông lớn lên giữa lúc các phong trào cách mạng đang phát triển. Ông phê phán và lên án gắt gao dã tâm của bọn thực dân, và quan niệm muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến thắng lợi, cần phải tạo cho thanh niên một tinh thần dân tộc, một ý thức học tập tu dưỡng, một ý chí quật cường, một nghị lực quả cảm, song song với một thân thể khỏe mạnh, vững chắc, có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ hữu hiệu.
Mang hoài bão lớn lao ấy, nên ngoài việc trau giồi học vấn và đạo đức, Ông còn nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, luyện tập nhiều môn võ thuật khác nhau. Ông nhận thấy môn võ nào cũng có những ưu điểm, đặc điểm riêng, song với thể tạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt, nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào thôi thì khó đạt được kết quả như ý.
Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là hai yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại. Với luận cứ đó, ông Nguyễn Lộc đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu từ môn võ và vật cổ truyền Việt Nam đến việc phối hợp, thái dụng các tinh hoa võ thuật trên thế giới để sáng tạo thành một môn phái riêng, đặt tên là VOVINAM. Năm 1938, cuộc nghiên cứu hoàn tất. Ông đem VOVINAM ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi để thể nghiệm môn võ mới do mình sáng tạo.
Hơn một năm sau, mùa thu 1939, ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ nên Hội Thân hữu thể dục mời ông cộng tác, tổ chức những lớp võ cho thanh niên Hà Nội. Lớp đầu tiên được khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại trường sư phạm Hà Nội.
Năm 1954, ông cùng một số môn đệ tâm huyết di cư vào Nam và mở trường dạy Vovinam tại đường Thủ Khoa Huân Sài Gòn và một số nơi khác. Suốt cuộc đời tận tụy, hy sinh để góp phần xây dựng môn võ đạo dân tộc Việt Nam, ông đã để lại một sự nghiệp võ học lớn lao cho các môn đồ Vovinam – Việt võ đạo sau này.
Ngày nay, Vovinam đã trở thành một trong những bộ môn thể thao tiểu biểu cho văn hóa Việt Nam, được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Vovinam cũng là bộ môn đã có giải vô địch thế giới, châu lục, khu vực, đã góp mặt tại SEA Games.
Tại Thanh Hóa, dù là bộ môn còn khá mới nhưng Vovinam đã có sự phát triển vượt bậc cả về phong trào tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với hàng nghìn VĐV, hàng trăm CLB Vovinam trên địa bàn tỉnh, cũng như giành những thành tích tại các giải đấu quốc gia, quốc tế.
Thanh Hóa cũng nằm trong tốp đầu ở bình diện trong nước và cũng có nhiều VĐV giành HCV thế giới, châu Á, Đông Nam Á. Vovinam hiện là bộ môn trọng điểm của thể thao Thanh Hóa. Hằng năm, Liên đoàn Vovinam Thanh Hóa tổ chức thường xuyên các giải đấu cấp tỉnh, thi học sinh giỏi, thi nâng đai, các lớp tập huấn nghiệp vụ…
Theo Mạnh Cường