Từ ngày 29/7 đến 2/8/2015, Giải Vô địch Vovinam thế giới lần thứ IV năm 2015 lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Algiers, CHND Algeria. Đây là lần đầu tiên giải đấu hàng đầu này về đến với “lục địa đen” như là sự minh chứng hùng hồn cho sự lan tỏa của võ thuật Việt Nam đến các nước trên thế giới. Ngay trước ngày khai mạc Giải, PV TTXVN tại Algeria đã có buổi trao đổi cùng TS Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới/ Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới về Giải đấu và sự phát triển phong trào Vovinam trên toàn cầu…
Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi đến Việt Nam
21 quốc gia tham dự Giải vô địch Vovinam Thế giới tại Algeria
PV: Xin ông cho biết thành phần và trình độ của đoàn Việt Nam tham dự Giải lần này?
TS Võ Danh Hải (VDH): Đoàn Vovinam Việt Nam có 30 cán bộ, trọng tài, HLV, VĐV trong đó có 22 vận động viên từng đạt nhiều thành tích xuất sắc tại các giải thế giới, châu Á, Đông Nam Á cả nội dung quyền và đối tháng trong đó có những tên tuổi: Mai Thị Kim Thùy, Nguyễn Văn Cường, Phạm Thị Bích Phượng, Huỳnh Khắc Nguyên (nhiều năm vô địch thế giới về quyền), Nguyễn Thị Quyền Chân, Nguyễn Thị Kim Hoàng (vô địch thế giới, vô địch SEA Games). Tất nhiên, việc cử đoàn cán bộ, trọng tài, HLV, VĐV đông đảo không chỉ riêng nhằm mục đích đạt thành tích tốt tại Giải VĐTG lần thứ IV này mà các HLV, VĐV còn phải mang thông điệp truyền bá, giới thiệu nét đẹp, nét tinh hoa của môn Vovinam – một nét văn hóa Việt thông qua Giải lần này. Gần 1/3 các HLV, VĐV tham dự Giải cũng chính là các HLV trợ giảng cho BTC lớp tập huấn kỹ thuật cho các võ sư, HLV quốc tế khu vực châu Phi lần này. Do được chọn lựa từ các võ sĩ là những VĐV nhiều năm kinh nghiệm nên hầu hết đều có trình độ chuyên môn cao.
Như đã nói ở trên, mục tiêu “kép” mà đoàn Việt Nam mang đến Algeria lần này và tất cả các cuộc tranh tài quốc tế là: một là: khẳng định sức mạnh, tinh hoa của Võ thuật Việt Nam thông qua trình độ của các võ sĩ Việt Nam – quê hương của môn võ này; Hai là: thông qua việc tranh tài của Giải, các võ sĩ của chúng ta phải quảng bá hình ảnh của môn phái, của tinh thần Việt qua hình ảnh võ thuật. Các võ sĩ tham dự Giải đều có trình độ, đẳng cấp cao. Thế nên việc giành huy chương ở các nội dung quyền là không khó và không phải là “ mục tiêu tối thượng” tại Giải.
Vì thế trong điều lệ Giải từ nhiều năm qua, chúng tôi đã đưa điều khoản khống chế các quốc gia dù mạnh đến đâu cũng chỉ được tham gia gần 2/3 nội dung.
PV: Ông cho biết khả năng của các tuyển thủ Việt Nam?
TS VDH: Về thành tích quyền, các võ sĩ ở các nội dung đều có khả năng đoạt thứ hạng cao nhất. Các tên tuổi như Mai Thị Kim Thùy (nội dung: đơn luyện, tự vệ nữ), Phạm Thị Bích Phượng (Song luyện, Tứ đấu), Huỳnh Khắc Nguyên (đơn luyện, đòn chân)… đều là những hy vọng vàng lần này.
Về đối kháng, dù thiếu vắng các tay đấm đến từ Iran, Nga (do tham dự không đầy đủ các nội dung), nhưng khả năng giành HCV của các võ sĩ Việt Nam hoàn toàn không dễ dàng. Chúng ta vẫn trong chờ vào sự kiên cường của các tay đấm nữ: Nguyễn Thị Quyền Chân (60kg), Nguyễn Thị Kim Hoàng (54kg)… Về trình độ, hiện nay các nước đều có sự chuẩn bị khá tốt và hoàn toàn không chênh lệch xa.
Về quyền, năm nay thiếu vắng những võ sĩ mạnh của Pháp, Italia, Indonesia nên Việt Nam gần như không có đối thủ ở các nội dung tham gia. Ẩn số của năm nay đặt vào các võ sĩ chủ nhà Algeria với khát khao chiến thắng trên sân nhà và có sự chuẩn bị khá dài hơi trong suốt những năm qua. Đặc biệt trình độ của chủ nhà tiến bộ nhanh sau các đợt tập huấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ Việt Nam như VS Nguyễn Văn Chiếu, VS Nguyễn Chánh Tứ, VS Huỳnh Khắc Nguyên.
Về đối kháng, cơ hội chia đều cho các đội. Các đội mạnh về đối kháng vẫn tập trung ở Nga, Iran, Việt Nam và cả Algeria.
PV: Tại sao chúng ta lại chọn Algeria để tổ chức Giải lần này, thưa ông?
TS VDH: Sau hai Giải VĐTG lần 1 và 2 tổ chức năm 2009, 2011 tại Việt Nam, Giải Vô địch thế giới lần III đã tổ chức rất thành công tại kinh đô ánh sang Paris, CH Pháp vào năm 2013 nhân dịp VN và Pháp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã gây tiếng vang lớn trong giới Võ thuật và người hâm mộ. Tiếp theo sự kiện này, Algeria – một quốc gia tuy mới xây dựng phong trào Vovinam trên dưới 10 năm nhưng đã có sự tiến bộ vượt bậc. Với sự hỗ trợ của UB Olympic Algeria, Bộ Thanh niên thể thao và đặc biệt là nỗ lực của Võ sư Mohhammad Djouadj – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi – hiện Algeria đã có phong trào rất mạnh với hàng trăm câu lạc bộ khắp quốc gia với lượng môn sinh hàng chục ngàn người.
Chính vì thế, khi Algeria có ý định đăng cai Giải VĐTG lần IV-2015, thường trực Liên đoàn Vovinam thế giới đã hết sức ủng hộ ý tưởng đưa Giải đấu danh giá này về “lục địa đen”. Cá nhân tôi cũng đã hai lần sang làm việc với Liên đoàn Võ thuật Algeria, Bộ Thanh niên và Thể thao, UB Olympic Algeria để bàn các bước hợp tác và hỗ trợ tổ chức giải thành công.
Ban đầu, do nhiều nguyên nhân như dịch Ebola, khoảng cách di chuyển xa có một vài quốc gia và thành viên lo ngại, nhưng với quyết tâm đưa việc quảng bá văn hóa Việt Nam sang châu Phi, đặc biệt VN và Algeria đang có nhiều hợp tác song phương , Chủ tịch WVVF Nguyễn Danh Thái và thường trực vẫn quyết định tổ chức tại đây.
PV: Phong trào Vovinam trên toàn thế giới hiện nay ra sao và theo ông chúng ta phải làm gì để Vovinam có thể lan tỏa và phát triển ra 5 châu?
TS VDH: Hiện tại phong trào Vovinam Việt Nam đã có mặt trện 50 quốc gia và vùng lãnh thổ của 5 châu. Từ một môn võ thuật dân tộc Vovinam đã lan tỏa và quốc tế hóa từ khoảng 40 năm qua và bén rễ ở nhiều vùng đất và được bè bạn quốc tế đón nhận, tập luyện và yêu mến.
Không chỉ vậy, Vovinam còn được khẳng định như là một môn thể thao quốc tế khi có mặt ở các cuộc tranh tài thể thao Olympic châu lục như ASIAN Indoor Games III năm 2009, SEA Games 26 (Indonesia), 27 (Myanmar) và sắp tới đây là ASIAN Beach Games 15 (năm 2016) tại Việt Nam.
Để Vovinam lan tỏa và phát triển hơn nữa, chúng ta cần có một kế hoạch dài hơi, đúng tầm vóc như là một chiến lược quảng bá văn hóa Việt theo cách mà các quốc gia: Hàn Quốc đã làm với Taekwondo, Thái Lan làm với Muay, Nhật Bản làm với Judo, Trung Quốc làm với Wushu… Như vậy, cần sự chung tay của cả 2 ngành: Ngoại giao và Văn hóa, Thể thao để xây dựng một đề án quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt thông qua quảng bá môn võ thuật dân tộc này. Điều may mắn là Vovinam đã bén rễn ở khắp năm châu và số lượng môn sinh đã gần chạm mức 1 triệu. Về nội lực, chúng ta cũng cần xây dựng đội ngũ võ sư, HLV có trình độ chuyên môn cao đáp ứng công tác phát triển quốc tế. Cũng sớm xây dựng đội ngũ tình nguyện viên giỏi săn sang đi “nằm vùng” huấn luyện dài hạn ở nước ngoài. Việc xây dựng Trung tâm huấn luyện Vovinam quốc tế theo mô hình học viện võ thuật như Kukkiwon (Taekwondo) hay Kodoka (Judo)… để đào tại HLV, võ sư chuyên nghiệp cũng là điều cần sớm thực hiện.
PV: Xin cảm ông và hi vọng Vovinam sẽ phát triển lan tỏa mạnh mẽ ra toàn thế giới trong thời gian tới !
Thanh Bình (thực hiện)