Wushu Shanshou (WS) có tên gọi tiếng Việt là Tán thủ. Nó thực chất là một nhánh của môn võ Wushu. Trong Wushu được chia ra làm 2 trường phái chính đó là Wushu Taolu (thiên về quyền pháp, bài bản độ mềm dẻo của cơ thể) và Wushu Sanshou (tán thủ) – thiên về sức mạnh đòn, tổ hợp đòn thực chiến.
WS xuất phát là võ thực chiến của quân đội Trung Quốc sau đó nó được du nhập vào Việt Nam. Ở đầu những năm 90, bộ môn võ này nhận sự phản đối khá gắt gao từ phía Liên đoàn võ thuật bởi tính chất tàn độc của nó. Vào thời điểm đó mặc dù lên đài thi đấu nhưng VĐV đều được sử dụng mọi kỹ năng và kỹ thuật để hạ gục đối thủ – bao gồm cùi chỏ, đầu gối…Nhận ra sự nguy hiểm đó, bộ môn WS đã được đưa thêm các quy định bổ sung vào trong các trận đấu đó là hạn chế cùi chỏ, đầu gối gây sát thương trực tiếp cho đối thủ.
Wushu Sanshou vào những năm đó thực sự đáng là niềm tự hào của võ thuật Việt Nam. Rất nhiều VĐV đã giành các giải huy chương lớn tại các thế vận hội lớn như Trần Đức Trang – huy chương vàng Đông Nam Á. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng môn võ này còn có những điểm “không hay”. Tuy nhiên, khó có môn võ nào có khả năng tự vệ toàn diện như Shanshou. Tập môn võ này, võ sinh sẽ được trau dồi thể lực, các thế dòn thực chiến, tổ đòn kết hợp, bắt vật, quật ngã đối phương, các tư thế ngã, hóa giải đòn thế nhằm hạn chế thương tích trong chiến đấu.
Sau nhiều năm phát triển, hiện nay môn võ này rất được các bạn trẻ ưa chuộng bởi tính thực tế cao của nó. Làm quen với Sanshou, các võ sinh sẽ nhập môn với Tư Thế Thủ – đảm bảo hạn chế ít sát thương nhất và tiện lợi nhất khi tấn công. Tư thế thủ phải đảm bảo bảo vệ được đầu, 2 quai hàm, cằm – cổ , mạng sườn và quan trọng nhất là phải thật thoải mái khi tấn công. Sau đó, võ sinh sẽ làm quen với các đòn tay: Đấm thẳng – Đấm vòng – Xúc ( 3 đòn cơ bản của tay ) và các đòn chân: Vỉa trái, đảo sơn, đá ngang ( zích ), tống ( đạp thẳng ). Sau 6 đòn cơ bản được rèn luyện kỹ càng. Võ sinh sẽ chuyển sang các tổ đòn kết hợp nhằm tạo tính linh hoạt trong chiến đấu. Cuối cùng các võ sinh sẽ được giao lưu với nhau trong CLB để tăng tính cọ sát.
Mặc dù các đòn thế khá đơn giản nhưng việc tập luyện thành thạo và “thuần hóa” chúng là một điều không hề dễ dàng. Để có thể đánh nhuần nhuyễn và đúng kỹ thuật, trung bình một võ sinh sẽ phát mất từ 2 – 3 tháng nếu chăm chỉ tập luyện. và mất khoảng 2 tháng sau dành cho tập huấn chuyên sâu về sức mạnh đòn (dồn lực cho từng cú đánh ).
Tuy vậy, mỗi môn võ sẽ có những thế mạnh riêng và quan trọng nhất là người tập môn võ ấy. Dù tập môn võ nào thì cũng cần sự kiên trì và quyết tâm. Nếu ngắt quãng quá lâu sẽ làm cho quá trình tập luyện không có hiệu quả. Và cuối cùng, nếu bạn đang muốn chọn cho mình một môn thể thao lành mạnh, tính thực tế cao. Hãy thử theo đuổi môn võ này chăc chắn bạn sẽ không thất vọng bởi những điểm đặc biệt của nó so với các môn võ khác.
Danh Trung (Sưu tầm)