Khi thực hiện mỗi động tác của Thái Cực Quyền (TCQ), phải giữ cho ngực hơi hơi ngậm lại (nơi hàm), nên gọi là hàm hung; trong lúc hàm hung, cơ lưng hơi nổi lên tiện cho việc hành khí dụng chiêu, nên gọi là bạt bối.
Ðể làm sáng tỏ vấn đề này, trước tiên cần phải nói rõ sự cấu tạo của ngực. Thể xoang của con người có thể chia làm hai bộ phận. Trên hoành cách mô là xoang ngực, dưới hoành cách mô là xoang bụng. Trong xoang ngực lại chia làm ba xoang: xoang giữa chứa đựng tim là vi tâm xoang, hai xoang trái phải chứa hai lá phổi, tức là phế xoang. Xương sườn của con người cong xuống như hình cung. Nếu như xương ngực ở trong vùng xương sườn co rút lại, thì xương sườn nổi lên, đồng thời ngực lòi ra, xoang ngực sẽ nở to hơn, phổi nở lớn ra, và là lúc hít vào. Ngoài ra hoành cách mô co rút xuống dưới sẽ làm cho xương ngực nở thêm mà hít hơi vào. Trên đây là cách hít thở chủ yếu của lối hít thở bằng ngực (hung thức hô hấp). Còn sau đây là chủ yếu của lối hít thở bằng bụng (phúc thức hô hấp). Ðể tăng cao phế hoạt lượng, nghĩa là nâng cao sức khỏe, TCQ đòi hỏi phải phát triển lối hô hấp bằng bụng.
Trong vận động TCQ, ý nghĩa hàm hàm hung bạt bối có ba điểm:
1. Ðộng tác của TCQ vốn là động tác kết hợp với hô hấp lại còn phải thường thường hàm hung, tức là làm cho hoành cách mô hạ xuống, làm cho phổi nở nang, phát triển lối hô hấp bằng bụng, tăng gia phế hoạt lượng.
2. Lúc mà ta hàm hung, chính là lúc hoành cách mô hạ xuống, lại còn thêm vào đó ảnh hưởng của sự kết hợp hô hấp với vận động, thì phúc áp (cái áp lực của các cơ bụng và hoành cách mô đối với nội tạng của bụng) luôn luôn biến đổi, làm sự trở về tim của máu được nhanh chóng, cải tiến sự tuần hoàn của máu.
3. Lúc tập thôi thủ với bạn, trong vài động tác nào đó cũng cần phải giữ hàm hung bạt bối. Thí dụ như để hóa giải một đòn tay của đối phương từ chính diện tới, nếu như không hàm hung thì không dễ dàng hóa giải; từ chính diện nếu muốn thực hiện động tác “phát” đối phương (trong thuật ngữ TCQ, hễ ném văng đối phương ra thì gọi là “phát” hay “phóng”). Nếu không hàm hung thì không thể dễ dàng “phát” được. Khi nên hàm hung mà ta lại không, thì ngực dễ có khuynh hướng ươn lồi ra, thế thì hoành cách mô đi lên, khí nổi lên, không trầm xuống đan điền, khí không trầm xuống thì thân nổi lềnh bềnh, hạ chi vô lực, kết quả là dễ bị “phát” ra xa.
Ðây là trạng thái được hình thành một cách liên tục và nhất quán. Do đó trong vận động TCQ, hàm hung là một vấn đề quan trọng.
Thực hiện hàm hung bạt bối rất đơn giản, ta giữ làm sao cho ngực đừng có ưỡn ra, vênh ra, mà lại hơi hóp vào. Bạt bối thì tương ứng với hàm hung, các bắp thịt lưng hơi hơi nổi lên, nhô ra. Cùng lúc ấy, khi hít thở một hơi dài thì bụng dưới sẽ hơi hơi đập.
Hai điểm sau đây cần phải được chú ý:
1. Trong TCQ không phải bất cứ động tác nào cũng cần phải giử hàm hung bạt bối. Chỉ ở các động tác mà thân pháp hạ giáng (như Hải đề châm, Ðơn tiên hạ thức chẳng hạn), hoặc ở các động tác thôi, án của tay (như thế án ra của Lãm tước vĩ, thế đẩy của tay phải ở thức Ðơn tiên chẳng hạn), mới cần giữ hàm hung bạt bối mà thôi. Nếu như mỗi động tác đều đòi hỏi giữ yêu cầu này thì hóa ra lại hạn chế đi sự phát triển của xoang ngực, gây ảnh hưởng không tốt tới sự nẩy nở của thân thể.
2. Yêu cầu hàm hung bạt bối ở TCQ tương phản với với yêu cầu điển hung hoặc thiển hung (ngực đầy đặn) ở một số môn quyền thuật khác. Ðiển hung là ngực để nở ra, ưỡn ra. Và cũng khác với yêu cầu của Thông bối quyền; hấp hung là làm cho ngực thóp vào tới mức có thể thóp được. Ðiển hung, hấp hung, và hàm hung là ba tác pháp hoàn toàn khác nhau. Khi luyện tập TCQ, hãy nhớ không nên hàm hung quá độ mà biến thành hấp hung mất.
Cũng như có người hiểu sai rằng: bạt bối là làm cho eo lưng cong ra sau; nếu luyện quyền như thế lâu ngày thì thân sẽ bị tật lưng khòm. Trong TCQ không có động tác nào đòi hỏi eo phải cong ra sau cả. Cần nên nhớ là, bạt bối và vĩ lư trung chính, tuy hai mà một, không có gì mâu thuẫn. Người học TCQ nên lưu tâm thể nghiệm.
Quang Bình (Sưu tầm)
Nguồn: Maxreading