(Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi)
Với tôi võ là một sở thích, mơ ước, là niềm đam mê, là phấn đấu chinh phục những đỉnh cao.
Từ lúc nào tôi cũng chả nhớ nữa, nhưng chỉ biết đón xem những bộ phim võ thuật như “ Tây du ký” và những bộ phim do Lý Tiểu Long đóng. Những đòn đánh nguy hiểm, những lần loan côn của “rồng nhỏ’’ Lý Tiểu long. Mắt tôi lúc đó chỉ biết chăm chăm vào màn hình tivi. Bắt đầu từ khi đó tôi đã nghĩ trong 1 ngày nào đó tôi phải đi học võ.
Nhưng do điều kiện và hoàn cảnh gia đình nên tôi vẫn chưa học võ được. Ở cái vùng nông thôn tỉnh lẻ như ở Vân Đồn – Quảng Ninh thì đầu những năm 2000, võ ở đây chưa được phát triển. Thế rồi ngày qua ngày, năm qua năm, vào một ngày của năm 2012, lúc đó tôi cũng 17 tuổi rồi, và khi tôi vô tình đọc được vài lời thông báo của một lớp teakwondo ở trong huyện, tôi đã đăng ký tham gia ngay (lúc đó, tôi còn chưa kịp hỏi bố mẹ có cho đi học không) .
Và tôi bắt đầu học võ từ khi đó. Lớp học ấy cũng là khóa đầu tiên của một người thầy sinh năm 1990. Tôi học được 2 tháng thì nghe vài lời rủ rê của các bạn cùng lớp để xuống lớp karate trong huyện “thách đấu”.
Và đã có chuyện với tôi khi tôi đối đầu với một bạn tên là “Hùng ba-lô’’. Trận hôm đó, tôi đá vòng cầu, nhưng do chân trụ kiễng gót và sàn trơn (sàn gạch hoa) nên tôi đã đập mi mắt bên trái xuống sàn. Hôm đó, tôi không dám nói với ai, kể cả bố tôi. Hai hôm sau, mẹ tôi biết, đưa tôi lên viện nằm hẳn 1 tuần và dừng hẳn việc tập võ nghệ từ đó.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, và cũng thi đỗ vào 1 trường đại học trong tỉnh, tôi bắt đầu đi tìm xem trên này có lớp teakwondo nào không. Nhưng không may cho tôi là trên trường chỉ có võ cổ truyền.
Nhưng không sao. Võ cổ truyền cũng là võ mà. Vì niềm đam mê và tình yêu với võ, tôi đã bỏ hết thói quen trong teakwondo và bắt đầu học võ cổ truyền vào tháng 10/2013. Đến nay cũng được 1 năm. Trong thời gian một năm đó, tôi thấy mình không hợp với các bài biểu diễn quyền (vì mau quên), thế nên tôi đã chuyển sang lớp đối kháng. Các bài tập mà thầy giao cho rất khắt khe, tôi cũng ép cân, mặc áo mưa (để ra mồ hôi, giảm theo trọng lượng yêu cầu thi đấu) và chạy các bài thể lực…
Rồi ngày thi đấu cũng đến. Thầy tôi cũng nói trước rằng giải năm nay rất nhiều đối thủ mạnh. Tôi cũng xác định với mình: “Mỗi trận đấu đều là trận chung kết”. Thế rồi, tôi thắng 2 trận đầu tiên để giành quyền vào trận chung kết. Đối thủ của tôi trong trận chung kết rất mạnh và có tuổi đời về võ hơn tôi nhiều. Tôi cũng chẳng đắn đo gì, vẫn đánh hết mình, nhưng tôi vẫn… thua. Thua về kinh nghiệm, thua về kỹ năng. Sau lần đó, tôi về xem lại video trận đấu của mình, để biết điểm yếu của đối thủ ở đâu và mình mạnh về cái gì. Cuối bài viết, tôi chỉ muốn nói với tất cả các bạn võ sinh trên toàn nước rằng: Hãy cố gắng hết mình vì ước mơ, niềm đam mê và tình yêu với võ thuật. Tôi vẫn thường nói với bạn tập là: “Không có gì là không thể và không thử sao biết’’.
Nguyễn Trung Nghĩa (Vân Đồn – Quảng Ninh)