Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi
Thắng, thua, mồ hôi, máu và nước mắt… Nhưng sau tất cả là cái ôm cùng sự tôn trọng của cả 2 võ sĩ dành cho nhau khi trận đấu kết thúc. Đó chính là “chiến tranh giả, hòa bình thật”…
Hôm nay, tôi muốn kể về cái duyên của mình với Tán Thủ. Nói là “duyên”, vì mọi thứ đến với tôi một cách rất tình cờ, và cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn vì cái duyên ấy đã đến với mình.
…Mùa thu năm 2001
Seagame 21 được tổ chức tại Malaysia. Ngồi nhà và bật TV lên xem, tôi thấy VTV3 đang diễn ra trận thi đấu nội dung đối kháng của Wushu, một võ sĩ của Việt Nam thi đấu với võ sĩ của Philippines. Dưới con mắt của một cậu bé lớp 4 đầy hiếu động, trận đấu đó cực cuốn hút tôi, “môn này các anh đánh nhau dữ dội và quyết liệt quá, lại còn mặc giáp trông thật oai”.
…Tháng 6, năm 2007
Trong cái nắng hạ chói chang, có một niềm hào hứng, phấn khích, tôi được bố đưa đến Trung tâm thể thao 10-10. Nơi đây chuyên đào tạo thể thao cho thanh thiếu niên Hà Nội.
Tôi đơn giản chỉ muốn đăng kí một môn nào đó để tập cho khỏe trong thời gian hè, xả stress sau kỳ thi lên cấp 3 vừa kết thúc. Đến bàn đăng ký, tôi vẫn đang phân vân chọn môn, bỗng có một anh trông thật đầu gấu với kiểu đầu húi cua, thân hình săn chắc đi ngang qua và bảo tôi:
– Tập tán thủ đi nhóc, vui lắm!
Trong đầu tôi vang sự kiện “Sea Games 21” – tưởng chừng như đã bị lãng quên trong cậu bé năm nào.
Tôi ngước nhìn sang người đàn ông đang chờ mình đưa ra quyết định:
– Bố, con muốn tập tán thủ.
Thế rồi sẵn đang quần đùi, áo cộc, tôi bước vào lớp tán thủ. Chợt thấy anh đầu cua khi nãy, hóa ra anh ta là trợ giảng môn này. Nhìn thấy tôi bước vào, anh cười. Đứng lớp chính là võ sư Hồ Thái Sơn. Buổi đầu tiên tôi được học động tác khởi động, các buổi tiếp theo tôi được học 2 đòn đấm thẳng: trái-phải. Thầy Sơn nói với cả lớp: 2 quả đấm trái phải này, tuy đơn giản, nhưng là căn bản và là đòn rất quan trọng trong tán thủ.
Từ hôm đó về nhà, rảnh lúc nào là tôi cũng ra đứng góc tường “trái phải, trái phải”. Không lâu sau đó tôi có thông báo trúng tuyển trường THPT Marie Curie, lịch học của tôi vào buổi chiều. Vậy là tôi phải ngừng tập tán thủ trong tiếc nuối, như việc mới ăn được một miếng trên chiếc bánh ngon đã đánh rơi cả cái bánh.
Ba năm nữa lại qua đi, sau khi thi đỗ đại học, tháng 7 năm 2010, tôi trở lại trung tâm 10-10, tìm về với tán thủ. Mọi thứ đã thay đổi nhiều, phòng tập tán thủ đã di chuyển vị trí, sang 1 phòng bé hơn. Những anh trợ giảng năm xưa không thấy đâu nữa, chỉ còn mỗi thầy Hồ Thái Sơn là vẫn vậy, vẫn đứng lớp, vẫn vui tính và tận tụy. Tôi lại đăng ký tập, tiếp tục với cái đam mê còn dang dở thưở thiếu niên.
Tôi đặc biệt thích tập đấm, những quả đấm luôn có sức cuốn hút đặc biệt với tôi. Một hôm, khi cả lớp đang tập các đòn đấm: trái phải, vòng… Thầy Sơn đi qua chỗ tôi đứng, khẽ gật đầu:
– Cậu này có tố chất đấy.
Nghe thấy vậy, tôi không nói gì, vờ như vẫn đang tập trung đấm tiếp, nhưng trong lòng cảm thấy vui sướng không tả nổi, những lời động viên như vậy luôn thổi vào những thanh thiếu niên chúng tôi ở 10-10 một nguồn động lực không nhỏ. Một thời gian sau, tôi được đẩy lên 14 Trịnh Hoài Đức, tập cùng đội phong trào trên đó..
Khi bước lên tầng 4, đứng trước cửa phòng nhìn vào, ấn tượng đầu tiên với tôi được gói gọn trong hai từ “choáng ngợp”. Phòng tập rộng rãi, nhiều bao cát lớn, đầy đủ dụng cụ, có cả đài thi đấu tiêu chuẩn, từ không khí tập luyện cho đến cái “mùi” của phòng tập đã thấy chuyên nghiệp rồi, đây quả là lò luyện thép thực sự.
Đây cũng chính là phòng tập của đội tuyển Quốc gia. Khi tuyển quốc gia tập xong, đến 17h30 chiều, các lớp phong trào bắt đầu vào tập, có tất cả 4 lớp phong trào. Nhiệm vụ của các lớp này là tiếp tục đào tạo và phát triển những thanh thiếu niên có khả năng để bổ sung lên đội tuyển.
Tôi được thầy Sơn gửi vào lớp của thầy Vũ Văn Linh, người thầy sau này đã hoàn thiện nhiều kỹ năng cho tôi, cũng như dạy tôi rất nhiều điều trong cuộc sống. Thầy Linh còn rất trẻ, hơn tôi 7 tuổi, từng đạt huy chương Bạc giải Vô địch Thế giới năm 2005. Trong lớp có rất nhiều bạn trạc tuổi tôi, từ khắp nơi trong thành phố về đây tụ họp.
Từ đây tôi mới thật sự bước chân vào tán thủ, mới đắm mình vào gian lao, cùng anh em đổ mổ hôi, thở dốc sau mỗi buổi tập, cường độ tập luyện ở đây thực sự rất nặng và “chất”. Người thầy trẻ tuổi với nhiệt huyết của mình, tận tâm chỉ dạy, đưa chúng tôi qua khó khăn, tự vượt lên chính bản thân mình. Thầy chỉ cho chúng tôi từng cái xoay gót khi đấm, từng bước chân khi di chuyển để tấn công, những động tác gạt tay, bắt vật khi phòng thủ. Thầy cũng cùng chạy dã ngoại với học trò trong các bài tập thể lực.
Thầy còn tôi luyện cho chúng tôi tình thần thi đấu, luôn gật đầu trước mọi cuộc chiến. Thầy nói với chúng tôi:
– Thua bởi tài, không thua bởi bản lĩnh. Thầy không cần các em phải chiến thắng, cái thầy cần ở các em là tinh thần chiến đấu, dám bước lên đài và thể hiện bản thân.
Tinh thần làm nên người võ sĩ đích thực, đó là thứ mà những võ sư tán thủ muốn truyền lại cho các môn sinh của mình.
Năm tháng cứ trôi, lớp thầy Linh dần trở thành một tập thể gắn kết, các thành viên rất đoàn kết với nhau. Tôi thực sự rất yêu quí những bạn bè nơi đây, những người đồng đội trong lớp và cả những anh em từ 3 lớp phong trào còn lại. Những con người với vẻ ngoài lầm lì, chai sạn nhưng sống rất tình cảm và cực kì ngay thẳng. Anh em chúng tôi sống rất thật với nhau. Chia sẻ với nhau khi tập luyện, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Võ thuật đã cho tôi rất nhiều thứ, sức khỏe, vóc dáng, sự tự tin và những người anh em tốt. Tập tán thủ, tôi còn quen và giao lưu với nhiều bạn bè đến từ những võ phái khác, học hỏi những cái hay từ họ, từ đó tôi được mở mang tầm mắt, thêm hiểu biết, nghiệm ra rằng mỗi môn võ đều đẹp và có cái hay riêng, đằng sau đó là cả một nền văn hóa, mỗi môn võ lại tượng trưng cho một tinh hoa dân tộc.
Tán thủ mang đến cho tôi những cảm giác đặc biệt, đó là cảm giác sung sướng được uống ngụm nước lọc khi vừa hoàn thành chuỗi bài tập khắc nghiệt, đó là những ngụm nước ngon nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng uống. Đó làccảm giác hồi hộp mỗi lần chuẩn bị bước lên đài thi đấu, được truyền thêm tự tin bằng lời nói của thầy: “Ngọc, em làm được !”
Tán thủ cũng cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, nỗi buồn khi thất bại, niềm vui khi chiến thắng, vỡ òa trong ngày giành được tấm huy chương đầu tiên trong cuộc đời.
Thắng, thua, mồ hôi, máu và nước mắt… Nhưng sau tất cả là cái ôm cùng sự tôn trọng của cả 2 võ sĩ dành cho nhau khi trận đấu kết thúc. Đó chính là “chiến tranh giả, hòa bình thật”, võ thuật đối kháng luôn mang đến sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Mang con người đến với con người, đó cũng là lý do vì sao tôi yêu võ thuật, yêu tán thủ, và coi cái “duyên” với tán thủ là một trong những thứ tôi trân trọng nhất trong đời.
Nghiêm Như Ngọc/ Hà Nội