Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi
Bản tính hiền lành, nhút nhát, nên tôi luôn là tâm điểm trêu chọc của lũ bạn cùng lớp.
Cũng nhịn nhiều, nhưng rồi không thể nhịn được nữa, cuối cùng những trận đánh nhau không cân sức đã xảy ra, tất nhiên tôi ra về với những vết bầm tím và tràng cười chế diễu của chúng bạn.
Sau đó tôi được biết sự tồn tại của một lớp võ thuật ở xã bên, tôi xin bố mẹ cho đi học chỉ với một tâm niệm: Sẽ có lúc chúng nó no đòn với mình!
Những ngày đầu tiên nhập lớp võ, tôi cố gắng nhập tâm tuân thủ các chiêu thức, thế võ mà thầy dạy. Mỗi lần luyện võ đôi, tôi hăng như một con gà chọi chuẩn bị vào cuộc chiến, lao mình bất chấp mọi chuyện có thể xảy ra xung quanh. Tôi dồn hết sức mà đánh, đạp, vật ngửa… trong đầu hiện rõ hình ảnh của mấy thằng nhóc đã đánh kia.
Tôi vẫn thất bại. Tôi buồn.
Hôm ấy đã hết giờ mà tôi vẫn chưa đứng dậy. Thầy dừng lại hỏi tại sao tâm trạng tôi lại trở nên như thế, lộ hết ra cả ngoài nét mặt, ánh mắt?
Biết được mục đích đi học võ của tôi, thầy chia sẻ: “Mỗi thứ đều có những điểm khác biệt. Nhiều loại võ cũng có những điểm giống, nhưng chắc chắn chúng phải có những điểm khác nhau. Võ thuật không thể nhầm lẫn giữa “học võ” và “đánh nhau”.
Học võ là phải nghiêm túc và biết vận dụng linh hoạt giữa các chiêu thức, chứ cứ múa máy bừa bãi không theo một chiêu thức nhất định nào, rồi cứ hăng lên lấy sức mà đè người thì học võ để làm gì. Như em những ngày qua chỉ biết lao vào đấm đá mà thực chất không có một đường đi nước bước nào. Học võ là để rèn luyện sức khỏe, phòng thủ, tấn công, binh vực cái đúng… chứ không phải để trả thù em ạ!”
…
Sau thời gian ấy, tôi dần đi vào những giá trị đúng đắn của võ thuật. Tôi ăn khỏe, tăng cân, thân hình trở nên săn chắc, sự nhút nhát ngày xưa cũng tan biến lúc nào không biết nhưng tất nhiên tính cách của đứa trẻ nông nổi, tức tối vì không đánh nổi lũ bạn cũng không còn.
Tôi muốn được sống hòa đồng với mọi người, và binh vực những người yếu đuối, tham gia giải quyết những xung đột đánh nhau trong khu dân cư đang sinh sống. Tính nhút nhát không còn, lại được mọi người quý mến, là động lực để tôi năng nổ tham gia các hoạt động thôn, xóm.
Dường như võ học đã cho tôi một sức mạnh, và cảm hóa những suy nghĩ tiêu cực trong con người tôi. Tôi đã từng nghe được một lời nhận xét của một đứa ban, về những hành động của tôi, đó là “nhân đạo, nhân văn trong võ học”. Tôi luôn làm gương, cùng bạn bè đứng lên tham gia những chương trình thiện nguyện: Như giúp đỡ gia đình khó khăn, các em nhỏ, trường học nghèo… (gia đình chị Lương (Yên Bái), trường Niềm Vui (Nha Trang), trợ giúp cho một số người khuyết tật ở quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm…)
Đến nay, tôi nhận thức được nhiều điều từ võ học. Võ học không chỉ là những chiêu thức, những động tác mà còn mang trong nó tinh thần nhân đạo và nhân văn.
Nguyễn Hữu Dực/ Hà Nội