Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi
Trong trái tim tôi võ thuật không chỉ là võ thuật mà nó còn là một người thầy thực thụ dạy cho tôi rất nhiều điều trong cuộc sống. 16 tuổi, tôi mang trong mình một tình yêu đẹp và có ý nghĩa, đó là tình yêu võ thuật – tình yêu giành cho Vovinam.
Lúc còn nhỏ, võ thuật đối với tôi là những cảnh bay lượn, vung kiếm ra khói, các anh hùng lao vào nhau… mà tôi được xem trong những bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc chiếu trên tivi mỗi tối. Lớn hơn thì võ thuật với tôi lại giống như một môn thể thao không hơn không kém, là một trò giải trí của những người kỳ lạ.
Nhưng tất cả đã thay đổi…
Trước kia tôi là thằng con trai… mà chẳng khác một cô con gái, yếu đuối về sức mạnh, nhút nhát về tâm hồn. Tôi thích ở nhà hơn ra đường, ít kết bạn, một tháng cảm sốt 2 đến 3 lần mặc dầu cha tôi làm bác sĩ. Khi tôi vào lớp 10, trường tổ chức chọn ra hai lớp trong khối để tiến hành dạy võ thay cho dạy môn thể dục. Lớp tôi không được chọn và cho đến khi thấy các bạn mặc trên mình bộ võ phục thì trong tôi dâng lên một cảm giác ghen tị khó tả.
Tôi và thằng bạn rủ nhau đi học cho “bõ tức”. Khi tới đăng ký chiêu sinh, nhìn danh sách các môn võ khiến tôi bối rối vì chẳng biết mình sẽ học môn võ nào. Karatedo với những cú đánh đầy sức mạnh, hay những cú đá hiểm hóc của Taekwondo, cũng có thể là những loại binh khí rất đa dạng và phong phú của Nam Quyền Thiếu Lâm chẳng hạn…
Nhưng hay thay tôi lại chọn Vovinam.
Vì bộ võ phục màu xanh nước biển? Hay tại những đòn kẹp cổ đầy uy mãnh mà tôi đã được xem trên Youtube? Cũng có thể là từ những chiêu thức có tên rất nho nhã như Nhật Nguyệt Đao Pháp, Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm Pháp, Việt Võ Đạo quyền, Long Hổ quyền… chăng? Cho đến hôm nay, tôi đã nhận ra tôi không cần biết lý do nữa vì giờ tôi với Vovinam như “tình nhân” của nhau, chúng tôi tuy hai mà một.
Vovinam đã giúp tôi nhiều điều. Nó giúp tôi khỏe mạnh hơn trước, không còn cảm sốt liên miên, năng động hơn và hòa động hơn.
Nó là người thầy dạy tôi sự biết ơn, tôn kính bề trên. Ở võ đường, điều đầu tiên khi tôi đến và điều cuối cùng tôi phải làm trước khi ra về (mặc cho tôi nhiều khi lơ đễnh và lười biếng) là chào giáo viên của mình theo nghi thức nghiêm lễ – nghi thức chào hỏi bằng cách đặt bàn tay lên trái tim và cúi đầu xuống, đó là biểu hiện cho sự biết ơn những người đã truyền thụ cho tôi môn võ này. Ngoài ra khi là võ sinh Vovinam tôi còn phải biết rõ ràng mọi thứ về chưởng môn Sáng Tổ cũng như là các chưởng môn tiền nhiệm như là một sự kính trọng với đối với họ, người mà đã sáng tạo ra môn võ tuyệt vời này vậy.
Điều thứ hai mà Vovinam đã dạy tôi đó là phải sống một cách đúng đắn. Khi bắt đầu học Vovinam, tôi bắt buộc phải học thuộc làu 10 điều tâm niệm và ý nghĩa của nó để rồi tôi tuân thủ và làm theo nó. Mười đều tâm niệm đã thể hiện được hết mọi thứ đạo đức trong cuộc đời này. Còn khi nghiêm lễ, tôi phải đặt bàn tay phải lên trái tim với ý nghĩa là “Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái, đức dũng đi đôi với lòng nhân, võ thuật gắn liền với võ đạo”. Chỉ một động tác nhỏ thôi mà nó đã thể hiện rõ ràng cái quy tắc bất di bất dịch của Vovinam là ”Dụng võ tự vệ, dụng võ cảm hóa người, dụng võ để bảo vệ kẻ yếu và chính nghĩa”. Đây không phải là đạo lý từ ngàn đời nay của cha ông ta sao?
Ngoài ra, khi học Vovinam tôi mới thật sự yêu quý, tự hào và tự tôn về dân tộc Viêt Nam ta hơn. Xưa nay tôi thuộc top người “chuộng hàng ngoại”. Nhưng khi bắt đầu học Vovinam thì tôi đã suy nghĩ khác. Vovinam có nghĩa là Võ Việt Nam do người Việt Nam sáng tạo và phát triển. Và nó không hề thua kém bất cứ môn võ nào trên thế giới, nó là đại diện cho sự tự hào của một dân tộc hào hùng dẫu bị đô hộ ngàn năm nhưng không bao giờ chịu khuất phục.
Tôi đi học võ, cũng là học để làm người. Vốn dĩ những gì ta dành thời gian, tâm sức, tâm huyết để tập luyện đã không chỉ là những điều cao cả rồi, mà trên hết đó chính là điểm nút mà mỗi môn sinh phấn đấu đạt được.
Tôi 16 tuổi, tôi khỏe mạnh, tôi hăng say và dĩ nhiêu tôi là người yêu Vovinam.
Nguyễn Tấn Đạt/Kiên Giang