Sức mạnh và tính hiệu quả của đòn đánh chỉ có được nhờ các yếu lĩnh, nguyên tắc đã được võ sinh tập luyện nhuần nhuyễn:
Tập trung sức lực
Trước hết, sức mạnh chỉ có được khi tập trung sức đúng lúc, đúng chỗ dựa theo nguyên tắc khi đấm hoặc đá, năng lực di chuyển từ trung tâm cơ thể tới các phần khác của cơ thể với vận tốc 1/1000 giây. Thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc động tác chỉ kéo dài khoảng 1/5 đến 1/18 giây nếu ta thực hiện đúng kỹ thuật và tập trung.
Điểm chạm
Điểm chạm mục tiêu càng nhỏ càng tốt nhằm hỗ trợ sức xuyên thấu và tập trung lực của đòn đánh, phải đánh với diện tích tiếp xúc nhỏ nhất bằng cách tập trung lực tối đa vào đầu vũ khí sẽ tác động đến mục tiêu. Chọn loại vũ khí cơ thể phù hợp nhất cho mỗi đòn đánh, chẳng hạn các đòn xỉa ngón tay dẫn đạo trong Tiệt Quyền Đạo hay chọt thẳng bằng nắm đấm với ngón giữa nhô lên mang tên Bam-joomeok trong Taekwondo tạo ra một diện tích tiếp xúc nhỏ, bao giờ cũng gia tăng hiệu quả đâm xuyên huyệt đạo hơn là các đòn đập bằng cạnh ngoài, cạnh trong nắm đấm hay gõ bằng lưng nắm đấm.
Tuy vậy, diện tích tiếp xúc quá nhỏ sẽ tạo phản lực lớn lên diện tích tiếp xúc của đòn quyền (tay, chân), vì vậy dễ bị phản tác dụng (tự đả thương mình, lực chưa tung ra hết đã bị lệch đòn đánh do phản lực). Ngoài ra, diện tích tiếp xúc quá nhỏ thì khả năng đánh trúng vùng mong muốn cũng khó hơn, ví dụ: nhắm đánh một huyệt, diện tích tiếp xúc nhỏ sẽ khó trúng, lớn sẽ dễ trúng.
Đối với một số môn nhu quyền, trọng lực gián tiếp (lực đập vào mặt đất…) chứ không trọng lực trực tiếp (lực gây tác động bất lợi ngay lúc ra quyền xong) thì đòn đánh có thể chú trọng vào diện tích tiếp xúc rộng, nhằm khiến lực có thể tác dụng lên một bộ phận lớn hoặc toàn bộ thân thể đối phương.
Độ cứng
Độ cứng của món binh khí đem dùng hết sức quan trọng để giúp người ra đòn không bị chấn thương do phản lực khi đòn chạm mục tiêu, đồng thời gia tăng đặc tính xuyên phá của đòn. Độ cứng của đòn đánh ra phụ thuộc vào vật ra đòn (cạnh tay, mũi bàn tay, đầu gối, cùi chỏ v.v.), cách sử dụng nó và yếu tố quyết định là việc khổ luyện thường xuyên liên tục những phần vũ khí cơ thể đó trên những vật cứng như bao cát, gạch, ngói, gỗ bản v.v.
Vận tốc ra đòn
Vận tốc ra đòn được đặc biệt lưu ý, trong mối tương quan với diện tích tiếp xúc, sức mạnh của đòn đánh tỷ lệ thuận với vận tốc và tỷ lệ nghịch với diện tích tiếp xúc, theo đó diện tích tiếp xúc càng nhỏ, vận tốc càng lớn thì lực đánh ra càng mạnh. Một cao thủ Karate có thể đạt vận tốc tối đa là 43 feet/giây tương đương khoảng 12,9m/giây, đồng thời phát ra một lực công phá khoảng 1.500 pound (tương đương với 750kg).
Giải phóng khí
Một yếu tố nữa cũng hết sức quan trọng, đó là tiếng thét vào thời điểm ra đòn. Tiếng thét đó tạo nên sự giải phóng năng lượng đã được dồn nén, tích trữ, có tác dụng cướp tinh thần đối phương và hỗ trợ phát lực hữu hiệu. Thét như một quả bom nổ sát cạnh địch thủ, để tần số âm thanh vọt lên đến 16.000 xung động một giây, nói cách khác là thét với một thời gian ngắn nhất mà cường độ âm thanh và tần số dao động cao nhất.
Nội lực
Có giả thuyết cho rằng nội lực có thể phát tán qua huyệt đạo để đả thương nội tạng đối thủ, như thường thấy trong truyện kiếm hiệp.
Các nguyên tắc khác
Lực công phá của đòn đánh còn được hỗ trợ bởi động tác xoay hông mà không chỉ đơn thuần là lực của cơ tay hay cơ chân. Xoay hông khi tung quả đấm hay đòn đá giống như động tác xoay người của vận động viên đá cầu, phải vừa nhẹ nhàng vừa nhanh, đồng thời phải thích ứng với năng lực tung ra. Năng lực phát ra do xoay hông được truyền tớicột sống rồi đến các bắp thịt của ngực và vai, cuối cùng tới cánh tay, hoặc đến các bắp thịt của hông, đùi và từ đó truyền đến bàn chân, đầu gối.
Cũng không hiếm khi, với sự hỗ trợ của xước mã, xoáy đòn hay nhảy lên tấn công (xem Đá bay), lực đánh sẽ được tăng cường đáng kể.
Không theo lý giải của khoa học hiện đại mà dựa trên những nguyên lý, ca quyết võ thuật đúc kết nhiều đời, các võ sư cho rằng, sức mạnh của đòn đánh thể hiện sự hòa hợp của nội tam hợp (tâm hợp ý, ý hợp khí, khí hợp lực) và ngoại tam hợp (tay hợp chân, chỏ hợp gối, vai hợp háng) gọi tắt là lục hợp. Dù vậy, đã có những tài liệu của khoa học Mỹ lý giải những đòn đánh như KungFu chẳng hạn[1]
Thêm vào đó, các võ phái đều nhấn mạnh đến các yếu quyết khác nhằm gia tăng tính hiệu quả của đòn đánh ra, chẳng hạn như nguyên tắc tĩnh động (động chế tĩnh, tĩnh chế động, động sinh tĩnh, tĩnh sinh động), nguyên tắc cương nhu (ấy cương chế nhu, lấy nhu chế cương, cương nhu hòa hợp), nguyên tắc thế và lực, bảo mật (không lộ ra kế hoạch tấn công và phương án phòng thủ), bảo toàn (tấn công địch với tổn thất ít sức lực nhất, giữ đều nhịp thở, ra sức vừa phải), linh hoạt (tối kị sự sáo mòn, sử dụng đòn hợp lý, chiêu thức ảo diệu, trong công có thủ, trong thủ có công), lợi thế (xác định chính xác mục tiêu, động tác ảo có thể thành thực, thực có thể thành ảo trong nháy mắt), công vi thủ (tấn công là cách phòng thủ tốt nhất).v.v…
Tô Thiện (sưu tầm)