9 điều cần biết khi tập Thái cực quyền (Kì 1)

1.- Tại sao chúng ta cần phải tập luyện ?
Trời sinh con người phải vận động cho cơ thể được khoẻ mạnh. Cơ thể, ví như một chiếc xe, luôn luôn cần được bảo trì và phải xử dụng thường xuyên để xe chạy cho ngon lành. Vận động thường xuyên giúp cơ thể được sung sức, tinh thần nhanh nhẹn, gia tăng khả năng hoạt động và tránh được nhiều bệnh tật.

9 dieu can biet khi tap thai cuc quyen
Cơ thể vận động lâu dài trên 5, 6 chục năm nên dễ sinh lười biếng và do sự lười biếng nên cơ thể dễ bị bệnh xâm nhập. Aristote, một nhà hiền triết Hy lạp ( 384-322 trước Tây lịch ) đã nói :” Không có gì làm suy yếu và phá huỷ cơ thể con người bằng để cơ thể không vận động lâu dài .”

2.- Tập luyện như thế nào ?
Tập luyện vừa sức vì tập quá sức có hại, nên vận động ngoài trời để cơ thể con người ( tiểu vũ trụ ) có thể hòa hợp với sự biến chuyễn không ngừng của Ðại vũ trụ.
Có nhiều loại vận động như đi bách bộ, tập Thể dục, tập Yoga, tập Khí công (Chi Kung, Qigong), tập Thái cực quyền (Tai Chi),

yoga
Tập Yoga một cách vận động thích hợp với người cao tuổi

Người lớn tuổi nên chọn những loại vận động nhẹ nhàng chậm rãi thích hợp với sức khỏe và bệnh tật của mình vì càng lớn tuổi, xương càng dòn, nếu tập động tác mạnh, xương dễ bị gãy và khi bị gãy thì khó lành. Ði bộ là lối vận động đơn giản dễ nhất. Nên đi bộ vừa sức vì đi nhiều quá hại gân. Nên đi theo lối hành thiền, không nên trò chuyện để tâm tĩnh và kết hợp với lối thở sâu, dài, đều và êm (Thâm, trường, quân, tĩnh). Hai chân bước đi, sẽ thúc đẩy sự lưu thông của Khí trong 6 đường kinh của 3 tạng là Tỳ, Can, Thận và 3 phủ là Ðỡm (mật), Vị (bao tử) và Bàng quang (bộ phận thải nước tiểu). Hai tay cần đưa tới đưa lui, để thúc đẩy sự lưu thông khí trong các tạng phủ còn lại là Tâm (tim), Phế (phổi), Ðại trường (ruột già), Tiểu trường (ruột non), Tâm bào (màng tim) và Tam tiêu.

di bo de giu dang dep

Có hai cách đi bộ :
Ði bộ chậm, chủ về Thủy, đi chậm và thở theo nhịp bước chân, thận mạnh, thuỷ vượng có thể hạ áp huyết,
Ði bộ nhanh , chủ về Mộc, đi nhanh Can mộc vượng, trị tiểu đường, mộc sinh hỏa, hỏa vượng, đốt cháy calo, chống mập phì.
Tập thể dục nhẹ, tập thể dục luyện về thể lực ( nở nang các bắp thịt ).
Tập yoga luyện tập cả khí lẫn thể lực nhưng ngồi hay đứng tại một chỗ tập từng bộ phận riêng biệt.
Tập khí công chỉ luyện tập về khí không luyện về thể lực. Tập thái cực quyền là luyện cả về thể lực và về khí như yoga nhưng di chuyển, toàn cơ thể đều động ” nhất động vô hữu bất động “, ngoài ra còn dùng ý điều khiển khí lưu thông khắp cơ thể. Theo tôi, vì những động tác trong Thái cực quyền toàn là chậm rãi, mềm mại nhẹ nhàng nên người lớn tuổi tập Thái cực quyền là hợp nhất.

3.- Thái cực quyền là gì ?

Thái Cực là danh từ đầu tiên ở Kinh Dịch, Thái là lớn lao, Cực là trạng thái ban sơ của vũ trụ, ngụ ý nói sự rộng lớn bao la của vũ trụ .Thái Cực được tượng trưng bằng vòng tròn liên tục thể hiện trong Thái cực đồ. Thái cực đồ có hình một vòng tròn trong đó có 2 phần màu trắng và màu đen, trắng (màu sáng) tượng trưng cho dương, đen (màu tối) tượng trưng cho âm. Trong phần đen có một chấm trắng và trong phần trắng có một chấm đen có nghĩa là trong âm có dương và trong dương có âm, âm dương bổ sung cho nhau.

thai cuc quyen

Thái cực sinh lưỡng nghi là âm và dương. Âm dương xung đối, chế hóa nhau đồng thời thúc đẩy nhau và do đó, vạn vật mới sinh thành. Trời đất là Ðại vũ trụ, con người là tiểu vũ trụ. Trời đất có âm có dương (trời + đất), con người cũng có âm có dương (đầu và bên Phải +  chân và bên Trái). Trong cơ thể luôn luôn có sự điều hòa cân bằng 2 khí âm dương.Âm dương là hai trạng thái đối nghịch. Trời đất có sáng có tối, con người có khi sáng suốt thông minh, có khi ngu muội, đần độn. Trời đất có nóng có lạnh, con người có lúc nóng nảy, có lúc lạnh lùng.

Ngũ hành :

he thong ngu hanh
Hệ thống ngũ hành

Trong trời đất, vạn vật có ngũ hành : Gỗ ( Mộc ), Lửa ( Hỏa ), Ðất ( Thổ ), Kim loại ( Kim ), Nước ( Thuỷ ). Trong cơ thể con người cũng có ngũ hành: Can thuộc Mộc, Tâm thuộc Hỏa, Tỳ thuộc Thổ, Phế thuộc Kim, Thận thuộc Thuỷ. Thuận với trời đất thì khoẻ mạnh mà nghịch lại thì bệnh tật.

Thái cực quyền :

Sở dĩ lấy tên Thái cực cho bài quyền vì mỗi động tác của nó đều có phân chia âm dương, nghĩa là có đối nghịch, có thăng có giáng, có hợp có khai, có trái có phải, có tiến có lùi, có hư có thực, v.v… Ngoài ra, mỗi động tác của Thái cực quyền đều đi theo đường tròn như các đường tròn trong Thái cực đồ. Các động tác trong Thái cực quyền từ khởi thức đến thu thức được liên tục, không đứt đoạn như một vòng tròn hoàn chỉnh, không thấy đầu mối (yếu quyết tương liên bất đoạn) như vòng tròn Thái cực đồ.

he thong ngu hanh
Thái cực quyền là một môn võ vừa là môn vũ thể dục vừa là thiền động.Nó là một môn võ vì các chiêu thức đều được trích ra từ các bài quyền chiến đấu. Nó là môn vũ vì các động tác nhịp nhàng và uyển chuyển. Nó là một dạng thiền động vì khi tập phải tập trung tư tưởng và buông xã như thiền và các động tác được liên tục và phối hợp với lối thở sâu và thở bụng. Không nên nhầm Thái cực quyền (Tai chi chuan) với Thái cực đạo (Tae Kwon Do, phải dịch là Túc quyền đạo mới đúng ).

4.- Nguồn gốc của Thái cực quyền

Về nguồn gốc, cho đến nay chưa có thuyết nào xác thực. Theo thuyết cũ, vào thế kỷ thứ 13 Ðạo sĩ Trương Tam Phong ( Chang Sen Feng ) tu ở núi Võ Ðang đã sáng chế ra môn võ công Thái cực quyền của phái Võ Ðang, nhưng trong các loại bản văn cũ không có ghi chép thống nhất.

truong tam phong
Tổ sư khai sinh Thái cực quyền: Trương Tam Phong

Căn cứ vào tài liệu ở Trần Gia Câu, người ta chỉ biết có Thái cực quyền ở Trần Gia Câu xuất hiện vào đầu triều nhà Thanh. Cuối thế kỷ 18 Dương Lộ Thiền được Ðại gia Trần Trường Hưng truyền dạy. Sau đó Dương Lộ Thiền sửa đổi hình thức và nội dung quyền thế cho thích hợp với quần chúng và tốc độ đi bài quyền chậm đều thay vì nhanh chậm không đều của Trần gia thức. Dương Lộ Thiền truyền lại cho 2 người con là Dương Ban Hầu và Dương Kiện Hầu. Con của Dương Kiện Hầu là Dương Trừng Phủ lại sửa đổi thêm và truyền bá rộng rãi môn này cho đến ngày nay.

5.- Ai có thể tập Thái cực quyền ?

bai ki ai cung co the tap thai cuc quyen
Bất kì ai cũng có thể tập Thái cực quyền

Vì các động tác nhẹ nhàng, không cần dùng sức nên bất kỳ ai, nam phụ lão ấu, già hay trẻ, khoẻ cũng như yếu đều có thể tập Thái cực quyền.
Ðối với những người yếu đuối, bệnh hoạn nên tập tùy sức, tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần tập nên cố gắng tập cho đúng.
Mặc áo quần rộng rãi để khí huyết dễ lưu thông. Dùng giày dép đế thấp tránh bị trượt, ngã.

Còn tiếp …

 

Thiện Tâm (web bệnh & thuốc)