6.- Tập luyện Thái cực Quyền như thế nào ?
Thường tại các sân tập ngừoi ta chỉ chú trọng đến việc tập bài quyền mà không chú trọng đến căn bản . Thái cực quyền chia làm 4 cấp : Luyện Hình, luyện Khí, luyện Ý và luyện Tâm.
Cấp 1 . Luyện hình : Luyện căn bản và các tư thế của các chiêu thức trong bài quyền cho đúng. Ðộng tác của Thái cực quyền rất chậm rãi, thong thả, mềm mại, nhịp nhàng theo từng thế quyền, toàn thân phải buông lỏng nhưng động tác rất vững chắc. Một chỗ động thì tất cả mọi chỗ đều động chứ không vận dụng từng bộ phận như ở các môn thể thao khác. Khi đánh một chiêu thức cần chú ý đến ngũ pháp, đánh đúng theo ý của chiêu thức và theo đúng 10 yếu quyết của Thái cực quyền.
Ở cấp 1, học viên cần buông lỏng toàn thân, chú trọng nhất về bộ pháp, thủ pháp và thân pháp. Không nên chỉ chú trọng đến thủ pháp mà quên một phần rất quan trọng là bộ pháp vì bộ pháp có đúng, xuất chiêu mới được vững chắc ví như gốc rễ cây có chắc thì cây mới đứng vững được.Tay xuất chiêu phải mang yếu lý của võ thuật, chỉ dùng ý không dùng sức để đẩy khí đi (yếu quyết dụng ý bất dụng lực ). Chân phải phân rõ nặng nhẹ ( yếu quyết phân hư thực ) vì vậy khi đi xong một bài quyền tuy mồ hôi toát ra nhưng người tập xong vẫn không thấy mệt.
Thân phải giữ thẳng ( yếu quyết thứ nhất : hư linh đĩnh kình ). Vì là một môn võ nên mỗi chiêu thức phải được đánh cho đúng thế võ, nếu không, khi nhìn vào, người ta cho là múa ” lèo ” như Thầy Ðổng Anh Kiệt, một đại sư Thái cực quyền Trung quốc đã nhận xét như sau :
– Phần đông múa Thái cực quyền thì nhiều, chỉ theo hình thức bên ngoài, dù có luyện đến 10 năm vẫn còn hồ đồ…
Cấp 2 . Luyện khí : Luyện thở theo động tác.
Con người sống cần phải thở và thở cho điều hòa và chính xác mớí trường thọ. Ở cấp luyện khí, phải kết hợp hô hấp với vận động đúng theo quy luật. Học viên sơ cấp ( luyện hình ) thở tự nhiên khi đi bài quyền, từ cấp luyện khí trở lên, tại các sân tập của tôi, các học viên luôn luôn phải tập thở theo động tác. Trên thực tế, hầu hết tại các sân tập, ở đây cũng như ở VN, các thầy chỉ dạy về Hình, chỉ chú trọng đến thủ pháp khi đánh các chiêu thức, đánh cho có dạng, không theo Ngũ Pháp ( Bộ pháp, Thủ pháp, Thân pháp, Tâm pháp và Nhỡn pháp ) và thở tự nhiên khi đi bài quyền.
Cấp 3 . Luyện ý : Luyện dùng ý dẫn khí đi theo mục đích của chiêu thức.
Sau khi luyện khí, học viên ngành dưỡng sinh cần học luyện ý. Học viên phải hiểu rõ mục đích của mỗi động tác để dùng ý dẫn khí đi .
Cấp 4 . Luyện tâm : Luyện tâm tĩnh, xã chấp và biết hy sinh. Tập Thái cực quyền phải tập trung tư tưởng, không tâm viên ý mã, tâm phải tĩnh, không phải tập theo lối ồn ào và mạnh như aerobic. Tập Thái cực quyền là tập buông xả là xả bỏ, là xả chấp. Khi đã xả bỏ thì ta luyện được cái tâm thoải mái. Khi thân được khoẻ mà tâm lại được an lạc thì mới trường thọ . Ngoại cảnh gây bệnh cho thân xác trong khi sự buồn phiền lo lắng, thần kinh căng thẳng là mầm mống của tâm bệnh. Tập Thái cực quyền để dưỡng sinh không phải để đánh thắng người như theo ngành chiến đấu mà là để đánh thắng ta. Thắng người đã khó mà thắng chính ta lại càng khó hơn, thắng ta là thắng cái bệnh hoạn của ta, thắng cái sự lười biếng, thắng cái sự cố chấp của ta. Cố chấp là nguồn gốc của sự bất đồng trong gia đình, trong xã hội.
Khi đã xả chấp được rồi, nên cố gắng tiến xa thêm một bước là luyện tâm biết hy sinh, quên mình để lo cho người, nhất là những người đau ốm, bệnh hoạn đang cần mình giúp đỡ. Việc tập luyện lúc đầu khó khăn vì phải nhớ cho hết các động tác và làm đúng theo sự hướng dẫn, phải luyện tập thường xuyên mỗi ngày, người tập phải cố gắng tập luyện vì biết rằng nó sẽ phòng bệnh, mang lại sức khoẻ cho mình để chống lại bệnh tật.
Phương pháp tập luyện phải chính xác, tư thế đúng, mới nâng cao được hiệu quả rèn luyện. Có người đã nghĩ sai, cho rằng dùng thái cực quyền như thuốc Tây, tập xong rồi để đó, không chịu luyện hàng ngày, đợi khi nào đau, đem ra tập để chữa bệnh.
7.- Lợi ích của Thái cực quyền như thế nào ?
Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Luyện để đáp ứng 2 mặt phòng bệnh cho thân xác, ổn định những rối loạn tâm thần và khi cần, có thể trị bệnh. Luyện tập Thái cực quyền của ngành dưỡng sinh không phải để đánh nhau như ở ngành chiến đấu, mà là đánh với bệnh để trị bệnh, kéo dài tuổi thọ trong tình trạng khỏe mạnh.Thái cực quyền tăng khả năng thích ứng với thay đổi của thời tiết, mang lại sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người : Âm dương trong con người kết hợp với âm dương của vũ trụ giúp con người tạo được sự hài hòa của bên trong ( tâm ) với các hoạt động bên ngoài ( tay chân ). Nhiều người, qua một thời gian rèn luyện, đã chứng minh Thái cực quyền có tác dụng chữa trị nhức đầu, đau lưng, chóng mặt, nhức mõi rất tốt. Ngoài ra nó còn chữa một số bệnh mãn tính như suy nhược thần kinh, bệnh tim, áp huyết, bệnh tiểu đường, thấp khớp, trị được các bệnh mất ngủ, mập phì, các bệnh về tiêu hoá như táo bón, ăn không tiêu v. v. . .
Nếu ai đòi hỏi hiệu quả tức khắc như dùng thuốc Tây thì không thể trông đợi gì vào Thái cực quyền vì hiệu quả chỉ đến từ từ , phải kiên trì tập luyện hằng ngày.
Hổ trợ hoạt động hệ tuần hoàn, hệ tim mạch: Khí và huyết luôn luôn đi kèm nhau, khí đi đâu thì huyết theo đó.
Tập Thái cực quyền, một chỗ động thì tất cả mọi chỗ đều động, làm cho khí huyết được lưu thông toàn cơ thể ( ví như châm cứu toàn cơ thể ), các mạch máu của động mạch sẽ hoạt động điều độ, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Khí huyết lưu thông thì khỏi bệnh tật như vị danh y của ta ở thế kỷ thứ 19 là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nói :
” Thống, tắc bất thông, thông, tắc bất thống ”
( có nghĩa là: Ðau, ắt là khí huyết không thông, đã thông khí huyết thì ắt là không đau ).
Trợ giúp và bảo vệ hệ tim mạch, phòng chống cao huyết áp và xơ cứng động mạch. Khi ta bị cao áp huyết, lúc đó, hỏa của Tâm đang vượng ( mạnh ), muốn hạ áp huyết, theo luật tương khắc của ngũ hành Thuỷ khắc Hỏa nên Thận phải có đầy đủ Thuỷ để làm hạ Hỏa của Tâm. Tập Thái cực quyền tăng cường thận, thủy được vượng, điều hòa được âm dương nên áp huyết không thể tăng lên cao được.
Tăng cường hệ thần kinh :
Thường thường mỗi khi có chuyện buồn phiền làm thần kinh căng thẳng, ta có thể làm giảm mức độ căng thẳng bằng một lối xả tự nhiên là dùng giấc ngủ, dùng thể dục thể thao như bơi lội, tập thái cực quyền, dùng các thú tiêu khiển như chơi cây cảnh, hoặc tập thiền v . .v. ..
Khi tập Thái cực quyền phải tập trung tư tưởng, làm cho con người dịu lại, được thư giãn, tập gạt bỏ tất cả mọi ưu phiền, như vậy khắc phục được căng thẳng thần kinh và cơ bắp nhờ các động tác như bơi trong không khí trong khi tâm được tĩnh. Khi tâm được tĩnh, vỏ đại não được nghỉ ngơi làm cho con người được thư sướng. Thái cực quyền trị bệnh suy nhược thần kinh: Trong khi não bộ bị làm việc quá độ, cho nó nghỉ ngơi một chốc lát bằng cách cố gắng làm cho nó không nghĩ gì hết. Khi tập Thái cực quyền, toàn bộ cơ bắp phải buông lỏng.
Những động tác dịu dàng kết hợp với việc buông lỏng cơ bắp, làm cho thần kinh được nghỉ ngơi khiến ta cảm thấy thoải mái. Có nhiều loại thiền, Thái cực quyền là một loại thiền động, khó hơn hành thiền vì hành thiền khi tập trung tư tưởng, hai chân tự động bước tới, còn về Thái cực quyền, khi tập trung tư tưởng khí đi theo chiêu thức làm cho tay chân vận động theo đúng các tư thế của chiêu thức (dĩ tâm hành khí , dĩ khí vận thân” dùng tâm ý làm cho khí lưu thông, sau đó lấy khí làm vận chuyển toàn thân)
Tăng cường trí năng, tăng cường trí nhớ. Khi tập Thái cực quyền, tập nhớ các động tác và tên các chiêu thức, tập cho trí ra lệnh cho tay chân sẽ làm gì sau mỗi động tác vừa làm xong ( yếu quyết Nội ngoại tương hợp ).
Trợ giúp và bảo vệ thận :
Tập Thái cực quyền chủ về thận, lấy eo làm trục để vận động tay chân ( “ chủ tể ư yêu, hành ư thủ chỉ “, có nghĩa eo là chủ ÇiŠu khi‹n cho tay chân vận động ).
Trợ giúp và bảo vệ hệ thống xương cốt được khoẻ mạnh :
Vận động trong Thái cực quyền không thể tách rời hoạt động có liên quan giữa cơ bắp, khớp xương và các cơ quan liên hệ, vì một chỗ động tất cả mọi chỗ đều động.
Tập Thái cực quyền tăng cường được sự dẽo dai, sự linh hoạt của các khớp xương, nhất là của cột sống và của các khớp ở tay chân.
Ðộng tác vòng tròn, xoáy trôn ốc có thể khiến toàn bộ các cơ bắp và các đường gân trong cơ thể phải tham gia hoạt động, khiến khả năng của chúng thêm phong phú, uyển chuyễn.
Hoạt động các cơ quan tuy mềm mại nhưng có ảnh hưởng nhiều. Hệ xương cốt và các cơ quan khác chịu sự chi phối của cơ bắp, song có tác dụng của tự mình điều tiết , nó hổ trợ cho sự mạnh mẽ của xương, bảo đảm tính linh hoạt của các cơ quan khác trong cơ thể, ( trị bệnh thấp khớp, phòng chống xương bị biến tính như bị còng lưng và xơ cứng các khớp xương ).
Cải thiện sư nhanh nhẹn, sức mạnh của người già : Gia tăng sức mạnh cơ bắp phần dưới của cơ thể như bắp đùi, mông, bắp chân, cải thiện tư thế được thăng bằng, giảm rủi ro té ngã. Té ngã thường gây thương tích phần lớn làm chết người già ( ví dụ bị gảy xương hông ), hoặc nếu được cứu sống, cũng sống trong tình trạng dở sống dở chết.
Làm chậm lão hóa: Hiệu quả của tập Thái cực quyền đến từ từ nên người tập cần phải kiên trì tập luyện mỗi ngày.
8.- Phương pháp tập luyện:
Không nên cố gắng học cho thuộc mà chỉ cần nghe băng để tập thường xuyên mỗi ngày . Cứ chịu khó nghe băng để tập rồi dần dần tự động sẽ nhớ đủ không cần học thuộc .
Đọc thêm tài liệu để hiểu rõ thêm về lý thuyết nói về Thái Cực Quyền .
Muốn tập cho đúng để có kết quả tốt, cách tốt nhất là nên tìm tài liệu của chính tác giả bài mình đang tập và nên đến các nơi dạy để được hướng dẫn rõ ràng, hơn nữa, ở sân tập, ngoài không khí luyện tập, có nhiều học viên đã luyện tập nhiều năm nên người tập có thể học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm tập luyện bổ ích hơn.
9.- Ngoài việc tập Thái cực quyền có thể tập thêm môn gì được nữa ?
Nên nhớ rằng tập luyện luôn luôn đi đôi với Dưỡng Sinh. không bao giờ tách rời. Tập luyện tốt mà ăn uống bừa bãi hoặc ăn uống cẩn thận mà không chịu luyện tập thì vẫn không ngừa được bệnh. Có thể tập thêm Khí công ( Qigong , Chi Kung ). Khí công rất gẫn gũi với Thái cực quyền nên có thể bổ túc cho Thái cực quyền để tu dưỡng thân tâm và giải trừ bệnh tật. Không nên ham tập nhiều loại và tập quá sức.
Thiện Tâm (theo web bệnh & thuốc)