Câu là một loại binh khí nhiều lưỡi sắc được liệt vào loại binh khí cổ do diễn biến mà tạo thành. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, qua, câu và kích đều cùng dùng. Người ta từng đào được một cây câu đồng có hình dáng tựa kích, chỉ khác chỗ mé trên cây kích là lưỡi sắc; còn mé trên cây câu là một đường có hình móc câu nên người xưa mới gọi là “câu”.
Liêm gồm có đao liêm và thương liêm dài, ngắn khác nhau. Loại dài 6, 7 thước, loại ngắn 2 thước 4 tấc. Phàm những loại binh khí ngắn đều dùng một đôi như song kích, song kiếm… Lại có Hổ trảo liêm, còn gọi là Nhật nguyệt song bút. Đây là loại binh khí có một lưỡi quắm hình lưỡi liềm lắp vào cán dài, dùng để móc vào mà giật, cắt.
Nhan Sư Cổ có chú rằng “Câu cũng là binh khí, tựa kiếm mà cong, vì thế câu cũng giết người được vậy”. Trên chiến trường xưa người sử dụng câu rất đông. Thời Lưỡng Tấn (tức Đông Tấn và Tây Tấn) có võ sĩ anh dũng thiện chiến là Nhiễm Mẫn. Tay trái anh cầm mâu hai lưỡi, tay phải cắp câu kích để đánh quân Yên, chém người hơn 300 thủ cấp.
Trong “Thủy Hử” của Thi Nại Am, Tống Giang đã rèn rất nhiều câu liêm cho quân sĩ luyện tập “câu liêm trận pháp” để phá thế trận “liên hoàn mã” của quân triều đình do Hồ Duyên Chước chỉ huy. Tống Giang có võ tướng rất giỏi về câu liêm là Từ Ninh đã dạy cho quân sĩ cách sử dụng câu liêm như sau:
“Phàm ngồi trên mình ngựa đánh Câu Liêm sang thì phải lấy cỡ từ thắt lưng mà đánh, trên giữa bảy đường ba lần giật bốn lần lượn một lần đâm ba lần gạt cộng có chín phép biến. Bằng đánh Câu Liêm dưới bộ thì trước hết đi tám thước vung ra bốn mặt để lấy thế, rồi cở mười hai bước một lần biến, mười sáu thước một lần giở mình chia Câu Liêm vừa đâm vừa giật, hai mươi bốn bước hất lên đè xuống móc bên Đông đánh bên Tây, ba mươi sáu bước quay mình như lọng che cướp đánh lung tung không đâu không vỡ. Đó là phép chính đánh Câu Liêm sang có bốn câu thơ phải thuộc lòng để luyện:
Chín lần biến đổi khác tay sang
Hai mươi bốn bước vung sau trước
Mười sáu bước nay chuyển khác thường”
Câu cử dụng trong võ thuật có đơn câu, song câu, lộc giốc câu (câu sừng hươu), hổ đầu câu, hổ thủ câu… Kỹ pháp thì có đẩy câu, đè, giật, nâng, băm, xẻ, đỡ, lướt, hoa, dâng nguyệt… khi diễn luyện thì yêu cầu phải phối hợp với thân pháp, lên, xuống, nuốt, nhả. Chính vì vậy mới có cánh nói “câu tẩu lãng thế” – câu đi theo làn sóng.
Theo vinabudo