Nhẫn là một đức tính cao quý trong đời sống xã hội. Nhiều môn phái võ thuật lấy chữ nhẫn làm đầu, làm tiêu chí giáo dục môn sinh. Văn học cũng đề cao chữ nhẫn qua tục ngữ, ca dao, thơ văn, truyện kể…
Nhẫn có nhiều nghĩa nhưng ở đây có nghĩa là nhịn, theo cách viết chữ Hán, chữ nhẫn gồm một chữ “đao” nằm trên chữ “tâm”.Nói theo nhà Phật, học được chữ nhẫn thì công đức vô lượng vô biên. Không biết nhịn hoặc không nhịn được thì sinh ra sân hận, vạn thuở sầu đau, muôn đời nuối tiếc. Một niệm sân đốt cháy tiêu cả rừng công đức. Nhẫn không phải là chịu thua, không phải là trốn chạy. Nhẫn là một tinh thần tích cực, một ý chí tự chủ vượt lên đưa đến sự tỉnh thức, giác ngộ. Người giác ngộ là người can đảm, thiện chí để chuyển hóa cuộc đời.
Đôi khi xã hội nhìn võ thuật dưới góc độ “võ biền” hoặc “võ phu” mà ít thấy khía cạnh tích cực, nhất là về tinh thần cao cả của võ thuật, trong đó có chữ nhẫn. Có lẽ một phần do thiếu sự giao cảm và tài liệu thông tin hoặc do cách hành xử, ứng xử không chuẩn mực trong đời sống thường ngày của người dụng võ. Làm người thật khó.
Võ thuật có câu: “Khắc kỷ nhường nhân phi ngã nhược; Toàn tâm thủ đạo nhậm tha cường”. Có nghĩa là: Nghiêm khắc với chính mình, nhường nhịn tha nhân không phải là mình mềm yếu; (mà) dốc lòng giữ đạo (đạo lý làm người) mới thật là người có sức mạnh hơn người. Trong chương trình huấn luyện của các trường võ quan trên thế giới cũng dạy cho người lãnh đạo, chỉ huy chữ nhẫn qua phương pháp huấn nhục để trưởng thành, để tự chủ, tự thắng. Huấn nhục là cách dạy cho con người biết chấp nhận sư ngang trái mà (biết) nhịn, để bảo toàn sinh mạng cho binh sĩ, cho thuộc cấp và cho chính bản thân mình rồi tùy cơ ứng biến đến thành công.
Trên các bức tường của võ đường hay treo đại tự “Nhẫn”. Bởi chính đó là nền tảng hun đúc nên tinh thần thượng võ. Chuyện võ kể rằng: Có một đại cung thủ đã đạt đến mức độ thượng thừa có thể “bách bộ xuyên dương”, đi trăm bước ngoảnh đầu lại bắn trúng lá liễu. Cả đời cung thủ này chỉ có một tâm nguyện duy nhất là tìm người để được thua.
Ngày kia, theo lời chỉ dẫn của giới võ lâm, anh quyết lên ngọn Hoa sơn thi thố tài năng với một đại sư lừng danh đã ẩn tu. Vị đại sư đồng ý cùng anh leo lên một mỏm đá cheo leo cao nhất. Giữa cuồng phong gào rít, cung thủ chỉ đứng không đã muốn té, nói gì giương cung, lắp tên thi bắn đại bàng. Cuối cùng anh chịu thua và chuyển cung cho vị đại sư trổ tài.
Thật bất ngờ, đại sư lại vứt cung xuống vực rồi bình thản nói: “Tôi có thể bỏ tiền ra mua được một con đại bàng thật đẹp, thì khổ chi phải leo lên tận đây chịu nguy hiểm để bắn nữa…”. Như tuyết rơi giữa mùa hè. Như tia chớp lóe sáng ngay buổi bình minh. Đầu óc cuồng mê bất bại của cung thủ ngỡ ngàng đại ngộ! Anh lặng lẽ xuống núi, bẻ cung, ngồi thiền và viết ra dòng chữ “Dụng ý bất dụng lực”.
Không chỉ trong võ thuật, mà đời sống văn hóa giáo dục cũng hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ, con người biết nhường nhịn lẫn nhau để cùng chung sống. “Một câu nhịn chín câu lành”. Những câu thơ đem viết thành nghệ thuật thư pháp về chữ nhẫn phổ biến rộng rãi: “Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh; Thoái nhất bộ hải khoát thiên không” (Nhịn một chút gió yên sóng lặng; Lùi một bước biển rộng trời cao). Hoặc như: “Nhẫn đắc nhất thời chi khí; Miễn đắc bách nhật chi ưu”. (Nhịn được cơn giận một lúc; Tránh được mối lo trăm ngày). Truyện ngụ ngôn cũng ẩn tàng sự giáo dục về chữ nhẫn như: “Hai con dê cùng qua cầu, lại đi ngược chiều nhau; cầu hẹp không lối tránh, sinh chuyện đầu húc đầu; đôi bên đều chẳng nhịn, nên cả hai cùng rơi xuống vực sâu”.
Kinh Phật thường nói về hạnh Nhẫn nhục Ba la mật. Một câu chuyện nhẫn nhục thượng thừa mà người đời khó có thể làm nổi nếu không có đạo hạnh tu tập cao siêu: Thiền sư Hakuin được những người chung quanh ca tụng là người sống cuộc đời trong sạch. Một gia đình người Nhật bán thực phẩm gần nơi Hakuin ở, có cô con gái xinh đẹp. Bất ngờ một hôm cha mẹ cô gái phát hiện ra cô có thai. Việc này làm cha mẹ cô nổi giận. Cô không chịu thú nhận người đàn ông cô chung đụng là ai, nhưng sau bao nhiêu phiền phức, cuối cùng lại là tên Hakuin.Phẫn nộ vô cùng, cha mẹ cô gái đến ngay vị thầy này. Hakuin chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng: “Thế à?” rồi thôi.
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới cho Hakuin. Lúc đó Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm ông buồn. Hakuin săn sóc đứa bé rất tử tế. Hakuin xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết cho đứa bé.
Một năm sau cô gái không còn chịu đựng được nữa. Nàng nói sự thật với cha mẹ nàng rằng người cha của đứa bé không phải là Thiền sư Hakuin mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.
Lập tức cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin xin Hakuin tha lỗi, chuyện xin lỗi dài dòng và xin mang đứa bé về. Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt lên hai tiếng “Thế à”.
(Thiền sư Muju, Shaseki-shu. Đỗ Đình Đồng dịch dưới tựa đề “Góp nhặt cát đá” NXB Lá Bối – Saigon 1972)
Võ thuật có nhiều người khả kính qua chữ nhẫn, không chỉ ở bậc thầy mà cả các môn sinh, những người ấy tinh thần vô úy, tự biết mình, biết người, và luôn có cuộc sống điềm đạm, hiền hòa.
Xưa nay các môn võ phương Đông dù khác nhau ở chiêu thức, nhưng đều có điểm giống nhau ở môn qui: không phản môn, phản thầy; không khoe tài, không ỷ lực hiếp người; không háo sắc, loạn dâm; không thắng vui, thua buồn… Tuy nhiên, người đạt đến đạo của võ chắc không cần phải nhớ những điều cụ thể này nữa bởi họ đã hiểu tận cùng chữ “nhẫn” của nhà võ, và tự nó bao trùm tất cả.
Ngộ được chữ “nhẫn” còn hơn mọi đòn thế. Mục đích lớn nhất của võ chính là vừa giúp mình, vừa cứu cả đối thủ, trong khi tránh được bao rắc rối nảy sinh sau đó. Cao hơn nữa đó là sự khuất phục đối thủ, chứ không chỉ dừng lại ở việc thắng người.
Nhất Trung (Sưu tầm)
Nguồn: Internet