Tuy có thể đồng nhất “Võ” và “Võ thuật”, nhưng thực ra hai khái niệm ít nhiều vẫn có ranh giới. “Võ”, nói chung, chỉ lối đánh nhau bằng tay không hay binh khí, và đôi khi, nhằm chỉ một bộ môn đối lập với “văn”; còn “võ thuật” lại thiên về nghệ thuật vận động hơn. Theo đó võ thuật đề cao phương pháp, cách thức, sự khéo léo, kỹ thuật, nghĩa là sự phát huy toàn diện sức mạnh của con người để chiến thắng mọi địch thủ mà không chỉ là những đối thủ trực diện trên sàn đấu. Bên cạnh các thuật ngữ trên còn có thuật ngữ “Võ nghệ”, vừa có nội hàm rất gần với thuật ngữ võ thuật, vừa mang ý nghĩa nghề nghiệp, khẳng định võ cũng là một nghề trong xã hội, nghề võ. Cũng không thể không nhắc đến một khái niệm thường được các võ đường và các võ sư đề cao, thuật ngữ “Võ đạo”, nhấn mạnh tính nhân văn, văn hóa trong võ thuật, khẳng định tột đỉnh của võ là văn, đằng sau võ học là cội nguồn triết học, hạt nhân đạo đức và chiều sâu tôn giáo, đồng thời đưa sự khốc liệt có tính bản chất của võ, một công cụ để tàn sát, xuống hàng thứ yếu.
Trong đời sống xã hội còn tồn tại khái niệm võ học, đối lập với khái niệm võ biền. Võ học là khái niệm được dùng rất hạn chế trong đời sống võ thuật tại Việt Nam hiện nay. Võ học chưa được xem là một ngành học chính thống trong ngành giáo dục & đào tạo. Võ học là sự nghiên cứu, phân tích, hệ thống hóa… tất cả mọi mặt của đời sống võ thuật dưới ánh sáng của các chuyên ngành khoa học (tự nhiên & xã hội) khác như vật lý học, giải phẫu học, sinh lý, sinh hóa, sinh cơ, tâm lý học, y học TDTT…. Hầu hết các bài viết hoặc sách, báo về võ thuật hiện nay tại Việt Nam của các võ sư hoặc HLV danh tiếng đều ít khi đề cập đến thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực này. Do đó, đời sống võ thuật Việt Nam còn khá xa lạ với các thuật ngữ, khái niệm hoặc công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về võ thuật (có lẽ có nguyên nhân sâu xa từ trình độ nhận thức, lý luận & nguyên cứu của giới võ thuật hiện nay). Những người học võ thuật có suy nghĩ: TỰ VỆ cho bản thân mình, những vị võ sư nổi tiếng cũng có thể sử dụng môn võ mà mình được học vào lãnh vực kinh doanh: điện ảnh, dạy học.