Tại sao môn quyền thuật này được gọi là Thái Cực Quyền (TCQ)?
Trước hết chúng ta hãy liễu-giải khởi-nguyên và ý nghĩa của hai chữ “Thái Cực”. Thái Cực là danh từ được dùng đầu tiên ở kinh Dịch. Quyển kinh này quan niệm rằng lúc Trời Ðất chưa hình thành là Thái Cực (còn gọi là Thái Sơ, Thái Nhất nữa). Sau đến đời nhà Tống, có Chu Ðôn Di vẽ ra một bức Thái Cực đồ, có thuyết minh kỹ càng, nhằm giải thích ý nghĩa hàm ngụ và sự biến hóa phát triển của ý niệm Thái Cực.
Nghĩa đen của hai chữ Thái Cực: Thái là lớn lao, Cực là trạng thái ban sơ hoặc cao cấp nhất của sự vật. Bởi vì ngày xưa không có ai biết vũ trụ , lúc quả đất chưa xuất hiện , thực sự như thế nào, thời gian ấy dài bao nhiêu triệu năm? cho nên cổ nhân mới đành đặt gọi cái vũ trụ lúc bấy giờ là Thái Cực, hoặc là Vô Cực. Trong Thái Cực đồ khuyết của Chu Ðôn Di, câu đầu tiên là “Vô Cực Nhi Thái Cực” (Nhi ở đây có nghĩa “tức là”, nghĩa là Vô Cực tức là Thái Cực, chớ không phải là từ Vô Cực mà sinh ra Thái Cực). Ý niệm này còn được mô tả trong câu “Thái Cực bản Vô Cực” (Thái Cực vốn là Vô Cực).
Do đó, việc mệnh danh môn TCQ có nguồn gốc nhất định.Chúng ta có thể biện giải một cách giản đơn như sau:
1. Mỗi động tác của TCQ đều đi theo đường tròn giống như là các đường tròn được biểu thị trong Thái Cực dồ. Trong các động tác đường tròn này có chứa rất nhiều sự biến hóa, như hư thực, động tĩnh, cương nhu, tấn thối, vv.
2. Luyện TCQ, ta thấy các ý niệm động trung cầu tĩnh, tĩnh trung cầu động, dụng ý bất dụng lực, giống như điều thường gọi là vô trung sinh hữu ( thực ra không phải là từ không mà sinh ra có, mà là “cái không” phát triển dần dần thành “cái có”, giống như cái lẽ Vô Cực mà Thái Cực).
3. Ðộng tác trong TCQ, từ khai thức đến thâu thức hoàn toàn liên tục, không một chổ nào đứt đoạn, giống như một vòng tròn hoàn chĩnh, không thể tìm được đầu mối; đó chính là cái lẽ “Thái Cực vốn là Vô Cực”.
Theo Maxreading