Là môn võ có nguồn gốc lâu đời, Thái Cực Quyền được biết đến có nhiều nguyên lý luyện công khá tỷ mỉ, rất tốt trong việc rèn luyện sức khỏe. Trong chiến đấu, nếu tuân thủ 4 nguyên lý dưới đây thì chắc chắn sẽ “đánh là thắng”.
Những trận thua đau đớn nhất của các võ sĩ Trung Quốc
Võ sư Việt Nam khẳng định Từ Hiểu Đông sẽ thắng Chân Tử Đan
LẤY TĨNH CHẾ ĐỘNG
Trong bia mộ ”Vương Chính Nam mộ chí” của Hoàng Tông Nghĩa có ghi: ”Nội gia quyền khác với ngoại gia quyền là Thiếu lâm, ở chỗ lấy tĩnh chế động”. Đã đề ra nguyên tắc chiến đấu của nội gia quyền là ”lấy tĩnh chế động”.
Hàm nghĩa chữ tĩnh ở đây là đầu óc lạnh lùng tĩnh tại, căn cơ (gốc rễ) ổ định, thân thể thả lỏng nhưng vững vàng, nội khí trầm xuống dưới. Khi đầu óc lạnh lùng tĩnh tại mới có thể phán đoán chuẩn xác lực của đối phương, lớn hay nhỏ, phương hướng đến như thế nào, tức là có thể nghe kình một cách chính xác, có lợi cho việc phát huy kỹ thuật và chiến thuật. Căn cơ ổn định mới khiến cho đối phương không có cơ hội lợi dụng, cơ thể bị đẩy mà không động.
Thân thể thả lỏng vững chắc sẽ có lợi cho việc hoá giải kình lực của đối phương. Nội khí trầm xuống dưới sẽ có lợi cho việc giữ phần dưới ổn định, thân thể thả lỏng, đầu óc tĩnh táo. Nhưng do TCQ sử dụng nguyên lý chiến đấu này của nội gia quyền, nên không thể nói trong thôi thủ thái cực vĩnh viễn bất động. Vì thôi thủ là một loại kỹ thuật chiến đấu nên nó không thể vĩnh viễn bất động, mà phải hiểu là không chủ động tấn công. Ý nghĩa tổng thể là trong lúc thôi thủ phải luôn luôn duy trì đầu óc tĩnh táo, thân thể nhẹ nhàng linh mẫn, gốc rễ (phần dưới, chân và bàn chân) ổn định vững vàng.
LẤY CHẬM CHẾ NHANH
Lấy chậm chế nhanh là nhấn mạnh lấy chậm ”ức chế nhanh” và ”bắt nhanh phải dừng lại”, nhưng không thể hiểu là chậm thắng nhanh. Nguyên lý chiến đấu của TCQ có những chỗ khác rất căn bản so với nguyên lý chiến đấu của ngoại gia quyền Thiếu Lâm. TCQ yêu cầu phải tập luyện chậm rãi, vì chỉ khi luyện tập chậm rãi mới có thể lĩnh hội và nắm chắc được nguyên lý của TCQ. ”Chậm” tương ứng với ý nghĩa ”kéo dài quá trình công kích của đối phương”.
Trong quá trình công kích, có hai cách đối phó với công kích nhanh của đối phương, một là tăng nhanh động tác công kích của mình, hai là kéo dài quá trình động tác của đối phương . TCQ đã áp dụng phương pháp thứ hai. Nếu luyện tập chậm rãi một cách trường kỳ, có thể luyện được năng lực quan sát và năng lực phân biệt. Làm được như vậy thì bất kể động tác của đối phương thay đổi nhanh như thế nào cũng cảm thấy động tác của họ không hề nhanh, dù họ có trăm phương nghìn kế, ta vẫn nhìn được rõ ràng từng tí một, hễ ta xuất thủ là trúng đích liền.
Muốn hễ đánh là trúng phải làm đúng yêu cầu ”đối phương bất động ta cũng bất động. Nhưng đối phương chỉ hơi động là ta động trước”. Như thế sẽ làm được nguyên tắc ”đi sau đến trước”. Do đối phương hơi động là ta đã động trước, đến đích trước, nên lúc nào cũng chiếm được cơ hội trước đối phương, giành được quyền chủ động khống chế đối phương, khiến họ luôn bị ta khống chế.
DÙNG NHU KHẮC CƯƠNG
Nguyên lý ”lấy nhu khắc cương” của TCQ được xây dựng trên cơ sở tư tưởng triết học của Lão Tử ”nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Nhu ở đây không phải chỉ có nhu mà là yếu tố điều kiện. Trong ”Hệ từ hạ- Kinh Dịch” có ghi: ”Nhu chi vi đạo, bất lợi viển giả (cái gọi là nhu, không có lợi cho việc đi xa)”. Câu nói đó đã chỉ ra bản chất của nhu là nhược (yếu). Muốn lấy nhu khắc cương nhất định phải thuận thế đối phương mà mượn lực, không thể tách rời khỏi đối phương. Gần mới có thể nghe được kình của họ, biết được kình của họ, mới có thể vận dụng được kỹ thuật để phóng kình; xa chỉ tiện cho đối phương dễ bề công kích ta. Nhưng nếu cương quá mức sẽ làm cơ thể cứng đờ, biến hoá chậm chạp, hoá kình, phóng kình không dễ dàng, khó nắm được cơ hội. Khi cương ở mức cực đỉnh sẽ rất dễ bị rơi vào hẫng hụt, thảm bại. Cơ thể mà cứng đờ thì kình không thông thuận, không dễ gì phóng ra được, sẽ làm hiệu quả công kích của mình nhất định bị giảm sút. Nhưng với nhu thì ngược lại. Bởi vậy không nhất định rằng cương nhất định sẽ thắng mà nhu nhất định sẽ thua.
Cương thuộc dương, còn nhu thuộc âm, cương rõ ràng nằm ở ngoài, còn nhu âm thầm nằm ở trong, các chiêu pháp cương trong thôi thủ thường chủ động, phóng kình trước để khống chế đối phương, chiêu pháp lộ liễu rõ ràng. Còn chiêu pháp nhu thường là bị động, lấy phát kình sau để khống chế đối phương, chiêu pháp kín đáo ẩn mật. Bởi vậy dùng chiêu pháp nhu có thể xuất kỳ bất ý giành thắng lợi. Điều đó thể hiện khả năng công kích của TCQ – ”người không biết ta chỉ có ta biết người”.
BỐN LẠNG BẠT NGHÌN CÂN
”Bốn lạng bạt nghìn cân” là một trong những nguyên lý của thôi thủ thái cực, là một cách ví von hình tượng. ”Bốn lạng bạt thiên cân” là phương pháp trong thôi thủ thái cực, căn cứ vào đường đi và phương hướng dùng lực công kích của đối phương mà chủ động vận dụng phương thức nghênh đón dính liền, dùng lực dẫn dắt tương đối nhỏ khiến đường đi và phương hướng dùng lực của đối phương phải bị thay đổi, phát huy tác dụng ”lấy lực nhỏ để thắng lực lớn”, ”lấy nhược thắng cường” (lấy yếu thắng mạnh).
Điểm then chốt của ý ”bốn lạng bạt nghìn cân” là ở chỗ có thể thay đổi một cách chính xác đường đi và phương hướng lực công kích của đối phương hay không. Muốn vận dụng được ”bốn lạng bạt nghìn cân” một cách diệu xảo thì phải: một là phải căn cứ vào đường đi và phương hướng công kích của đối phương, kịp thời đưa ra phán đoán chính xác; hai là phải nắm vững thời cơ nghênh đón dính liền với đường đi và phương hướng lực tác động đến của đối phương; ba là trên cơ sở phương hướng dùng lực của đối phương, thuận theo hướng dùng lực của họ, thực hiện một lực xoay, tức là điểm thêm lực bốn lạng của mình vào lực nghìn cân của đối phương.
Phương thức dùng lực như vậy không những có thể mượn lực của đối phương, mà còn có thể tránh đối kháng với lực của đối phương. Như thế mới có thể hoá giải được chiêu pháp của đối phương, mượn lực của họ đánh họ. Do đó có thể thấy ”bốn lạng bạt nghìn cân” là trong tình huống mượn được lực của đối phương, thuận ứng với phương hướng dùng lực của họ, lấy một lực tương đối nhỏ để hoàn thành mục đích chế ước đối phương, dùng lực nhỏ thắng lực lớn.
V.Đ