Bảo hộ răng (mouthguard) là một trong những vật dụng thiết yếu trong các bộ môn võ thuật đối kháng như Boxing, Kickboxing, Muay Thái, Taekwondo… Nhiều môn thể thao va chạm khác như bóng bầu dục, khúc côn cầu cũng khuyến cáo vận động viên sử dụng bảo hộ răng.
Những cú đánh làm văng cả bảo hộ răng
Một chiếc bảo hộ răng (cũng có thể gọi là bảo hộ hàm) tiêu chuẩn phải đảm bảo được các yêu cầu: không độc hại, vừa khít với hàm răng, chất liệu và cấu tạo phù hợp để giảm đi, hoặc phân tán tối đa lượng chấn động mà khuôn hàm phải gánh chịu từ các va đập đặc trưng của võ thuật – thể thao.
Không có chiếc bảo hộ răng, bạn sẽ không thể lường hết những chất thương có thể xảy ra. Những vết tích “nhẹ nhàng” nhất bạn có thể mong đợi là rách môi từ bên trong (do bị răng cắt), gãy răng. Nặng hơn nữa là nứt xương hàm, trật xương hàm dưới, cũng như những chấn động khủng khiếp truyền thẳng vào vùng não.
Hiện nay, bạn có thể tìm mua một chiếc bảo hộ răng với mức giá từ vài chục nghìn đồng cho đến giá tiền xấp xỉ…một triệu. Đó là những thông tin bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google. Thế nhưng, liệu bạn đã biết định hình một chiếc bảo hộ hàm đúng cách?
Những chiếc bảo hộ hàm cùng mẫu mã, kích cỡ khi sản xuất ra đều có chung một hình dạng, và nó…chẳng vừa với khuôn hàm của ai cả. Và nếu bạn cắn y nguyên chiếc bảo hộ răng mới mua, hoặc bảo hộ mang dấu răng….người khác bước vào trận đấu thì “chẳng khác nào ngậm một lưỡi dao trong miệng”.
Bước 1: Việc đầu tiên bạn cần làm là nhúng chiếc bảo hộ răng mua vào nước sôi khoảng 20-35 giây (bạn nên tìm đọc thông tin này trên bao bì vì mỗi nhà sản xuất sử dụng một chất liệu khác nhau.
Bước 2: Nhúng nhanh chiếc bảo hộ răng vào nước lạnh, hoặc tráng sơ dưới vòi nước 1-2 giây để giảm nhiệt độ bề mặt. Bước này chủ yếu để tránh gây bỏng miệng, tuy nhiên, đừng quá lạm dụng nếu bạn không muốn chiếc bảo hộ hàm bị đông cứng trở lại trước khi kịp đình hình. (Một số loại bảo hộ hàm chỉ có thể định hình được 1 lần – nếu lỡ tay thì có thể “cục nhựa trị giá CHỈ vài trăm nghìn đồng” đó của bạn sẽ trở thành vật làm cảnh trong tủ kính.)
Bước 3: nhanh chóng cắn lấy chiếc bảo hộ hàm (đã được làm mềm ). Đừng sợ bỏng miệng nếu như bạn đã làm đúng bước 2. Dùng tay nắn chặt chiếc bảo hộ hàm để định hình đồng thời cắn chặt hàm dưới lên.
Bước 4: Bây giờ bạn đã có thể chiêm ngưỡng thành quả của mình.
Nếu vẫn còn băn khoăn thì bạn có thể tham khảo video clip sau.
Phạm Vũ