Trong quá trình tập luyện võ thuật, chúng ta thường băn khoăn nghĩ về ‘cảnh giới’ cao nhất, xa nhất mà chúng ta nên hướng tới. Nhưng đã bao giờ chúng ta nhìn lại và nhận ra rằng liệu chúng ta đã hoàn thành ‘cảnh giới’ đầu tiên, và nó là gì?
Bí quyết tự vệ: Làm gì khi phải ‘solo’ với đối thủ to lớn hơn?
Top 5 bí quyết dinh dưỡng của các võ sĩ MMA
Trước hết, phải khẳng định rằng “võ thuật” là khái niệm vô cùng phong phú và phức tạp. Đặc trưng kỹ thuật, độ khó, tính hiệu quả, vùng miền, văn hóa, mục đích… mỗi yếu tố đó có thể phân loại các môn võ thuật thành nhiều nhóm vô cùng khác nhau. Vì vậy, rất khó để đặt ra một quy chuẩn, một cách nghĩ nào đó cho toàn bộ các môn võ thuật.
Vậy, hãy nhìn vào từng môn võ.
Bạn sẽ phải học những gì trong những buổi học Aikido, Judo, Wrestling đầu tiên? “Té ngã” chính là câu trả lời. Đánh giã đối thủ là kỹ năng chính của các môn này, và trước khi học cách làm điều đó với bạn tập, bạn phải học cách trở thành “nạn nhân” trước. Với Aikido bạn sẽ phải học thêm kỹ năng di chuyển nương lực để tránh tổn thương khớp, Judo và Wrestling có những đặc tính kỹ thuật khác nên cũng sẽ tập thêm những thứ khác.
Một số môn mang tính tổng hợp hoặc có tồn tại (một chút) kỹ năng đánh ngã như Silat, Hapkido, Karate… cũng buộc bạn phải tập luyện té ngã rất nhiều.
Bạn tập điều gì đầu tiên trong Boxing? Di chuyển và những cú Jab. Di chuyển là phương án đa năng nhất cho mọi ý đồ kỹ thuật, nhưng trước hết di chuyển là thứ giúp bạn không chết cứng trong tầm đấm của đối thủ, không bị ép vào góc đài và biết cách thoát khỏi pha đòn sau mỗi lần chủ động tấn công. Còn cú Jab? Dù bản chất Jab là một cú đấm nhưng ở những cấp độ đầu tiên của quá trình tập luyện Boxing, cú Jab (đấm thẳng tay trước) phần nhiều mang ý nghĩa phòng thủ. Jab giúp chúng ta căn chỉnh khoảng cách, giữ đối thủ ở ngoài tầm với gây nhiễu loạn và đôi khi chặn đứng được ý định tấn công của đối thủ kể cả khi anh ta chưa thực sự bắt đầu pha đòn đó.
Phần lớn thời gian của một chiếc đai trắng Brazilian Jiujitsu là học cách phòng thủ và escape (thoát đòn). Quãng thời gian này tương đối khắc nghiệt và nhàm chán đối với một người tập BJJ nhưng lại quãng thời gian quan trọng nhất. Kết thúc cấp đai trắng, các võ sinh BJJ bắt buộc phải có khả năng phán đoán nguy hiểm, ước lượng được sức chịu đựng của bản thân cũng như hiểu được bản chất của hầu hết các đòn cơ bản trong BJJ, vì muốn escape được một kỹ thuật, anh ta phải hiểu được cách thực hiện đòn đó và ý thức được mình đã đang mắc kẹt ở giai đoạn nào của mỗi kỹ thuật tấn công từ đối thủ.
Và có một điểm chung ở mọi môn võ, đó là ở những cấp độ đầu tiên, chúng ta chìm đắm hoàn toàn trong các mảng kiến thức như tự khởi động, tự phán đoán và xử lý một số chấn thương cơ bản, hiểu cách chọn và sử dụng võ phục, dụng cụ tập luyện an toàn…
Như vậy, một cách khái quát, có thể khẳng định rằng ở hầu hết các môn võ, “đẳng cấp” đầu tiên mà chúng ta cần đạt được là bảo vệ được bản thân trong chính môn võ của mình. Ở mỗi môn võ, chúng ta có các kỹ thuật và nội dung tập luyện đặc thù và có khả năng gây nguy hiểm khác nhau. Bạn sẽ bị đấm bầm mặt khi tập Boxing và sẽ bị bẻ gãy khớp nếu lơ là khi tập Aikido, đó là sự thật. Tập luyện kỹ năng võ thuật luôn đặt bạn vào nguy cơ trở thành “nạn nhân” của thứ gì đó. Tự bảo vệ được mình khỏi sự khắc nghiệt của võ thuật là cảnh giới đầu tiên, cảnh giới quyết định bạn có thể đi tiếp và bắt đầu trưởng thành nhờ võ thuật hay không.
Phạm Vũ