Trong võ thuật, đòn chân được nhiều môn phái chú trọng. Nó được ví như trường côn vì sức mạnh và cự ly ra đòn của nó lớn hơn nhiều lần đòn tay. Hầu hết các võ sinh nếu được tập luyện toàn diện thì khi lên sàn đấu cũng sẽ nảy sinh trạng thái ưu tiên cho các đòn chân – vốn an toàn về mặt khoảng cách hơn. Và với tần suất sử dụng đó, đôi bàn chân cũng là phần cơ thể dễ chấn thương trong võ thuật.
Cách sơ cứu các chấn thương trong Aikido
Chấn thương bàn chân và cách xử lý trong võ thuật (P1)
Một số thương tổn thường gặp và điều trị chuyên khoa.
Xương bàn chân gồm nhiều xương nhỏ. Người ta chia làm 3 phần: bàn chân sau gồm xương gót và xương sên; bàn chân giữa gồm xương ghe, xương hộp và 3 xương chêm; bàn chân trước gồm 5 x.bàn và 14 x.đốt ngón.
– Gãy xương- trật khớp bàn chân trước: gãy xương bàn hay xương ngón: Thường gặp khi võ sĩ đá bằng mũi chân. Điều trị bằng cách kéo nắn thẳng trục, băng dính ngón chân với nhau và bó bột để đỡ các ngón chân gãy. Nếu di lệch không nắn được thì cần phải mổ để sắp xương. Lúc này thường người ta xuyên kim hay bắt nẹp vis để cố định xương gãy.
– trật khớp bàn ngón: Một số trật khớp đơn giản có thể nắn được và sau đó băng dính hai ngón lại với nhau. Còn lại đa số phải nhập viện để mổ bởi vì đầu xương bàn thường bị các dãi dây chằng và gân cơ xiết chặt như thòng lọng. Vì thế không thể kéo nắn ra được. Bệnh nhân cần phải phẫu thuật mới chỉnh nắn lại được khớp. Sau mổ người ta thường xuyên một kim giữ cho khớp không bị trật lại. Kim này sẽ được tháo bỏ sau ba tuần.
– Gãy nền xương bàn 5 (gãy kiểu jones) Đây là loại gãy thường gặp khi võ sĩ đá bằng cạnh ngoài bàn chân. Thường chỉ cần bó bột khoảng 4 – 6 tuần. Tuy nhiên sau khi tháo bột, người bệnh vẫn còn cảm thấy đau nhức dưới mắt cá ngoài và sưng bờ ngoài bàn chân. Đôi khi cơn đau chạy lên bắp chân, đầu gối. Những người gãy xương loại này không bó bột thì tỉ lệ đau này rất cao, gần như trên 90%. Nguyên nhân là viêm gân cơ mác ngắn. Gân này chạy từ bắp chân luồn dưới mắt cá ngoài và bám vào nền xương bàn 5. Khi chấn thương nó cũng bị tổn thương. Nếu không dưỡng thương đúng mức, nó sẽ bị viêm và gây đau nhức.
– Bàn chân giữa: gãy trật khớp lisfranc (mu bàn chân): Đây là một tổn thương nặng của bàn chân. Khớp này rất quan trọng vì nó là đỉnh của vòm bàn chân. Hình vòm tạo ra độ nhún của bàn chân khi chạy nhảy, đi lại. Nếu không sửa lại như cũ thì khớp sẽ bị hư. Sau này người bệnh rất đau khi đi lại và không thể chạy nhảy được. Gãy trật khớp Lisfranc cần được mổ nắn sửa càng sớm càng tốt. Mổ xong,bệnh nhân được bó bột khoảng ba tuần. Sau đó tháo bột, rút kim cố định khớp ra. Thường phải mất ít nhất trên sáu tháng mới có thể chạy nhảy được như trước.
– Gãy xương ghe và xương hộp Hai loại gãy này được bó bột khoảng 4 – 6 tuần.
– Bàn chân sau gãy xương gót: Gãy xương gót có thể xảy ra khi đá gót trúng vào vật cứng như áo giáp sắt hay nền nhà. Gót chân thường sưng và đau nhức nhiều. Gãy xương gót là loại gãy phức tạp. Nếu mặt khớp sên-gót (khớp dưới sên)bị tổn thương thì phải mổ để nắn sửa lại mặt khớp. Nếu gãy không phạm khớp thì chỉ cần bó bột 6 – 8 tuần. Đối với những trường hợp gãy nát nhiều mảnh thì phần lớn bệnh nhân cần mổ hàn khớp để điều trị cơn đau nhức dưới gót khi đi đứng.
– Gãy xương sên: Ít gặp hơn trong chấn thương võ thuật. Nếu có, thường là sau cú đá tung người trên không bị phản đòn té xuống ở tư thế lật bàn chân hay chống gót. Gãy xương sên có tiên lượng xấu vì nó dễ bị hoại tử sau khi xương gãy đã lành. Tỉ lệ hoại tử này sẽ giảm đi nếu được mổ nắn xương tốt và sớm. Người ta cố định xương bằng vis ép để giúp xương chóng lành.
– Trật khớp chopart Đây là khớp giữa bàn chân sau và bàn chân giữa. Thường một chấn thương rất nặng mới có thể làm trật khớp này vì khớp Chopart có rất nhiều dây chằng to, khoẻ bao bọc. Trật khớp Chopart cần được mổ khẩn cấp để nắn lại khớp.
– Rách bao khớp hay dây chằng cổ chân (bong gân): Khi vận động quá biên độ khớp bình thường sẽ gây rách bao khớp hay dây chằng quanh khớp. Tổn thương này sẽ gây đau nhức và đặc biệt sưng nhiều. Nguyên nhân là xung quanh khớp có rất nhiều mạch máu nhỏ nuôi khớp, các tĩnh mạch lớn thường vắt ngang qua khớp. Vì thế khi khớp bị chấn thương sẽ gây hiện tượng bầm máu, sung huyết, sưng mu chân do ứ máu tĩnh mạch không lưu thông được. Nếu không cố định tốt ngay sau chấn thương, thường gây ra hai di chứng lỏng khớp và viêm khớp sau chấn thương (post-traumatic arthritis).
– Tổn thương tĩnh mạch bàn chân: Ở mu chân đặc biệt có rất nhiều tĩnh mạch dưới da (giống mu bàn tay). Vì thế khi có sự va chạm mạnh vào mu chân như các cú đá bàn. Các tĩnh mạch bị ép giữa hai khối cứng sẽ bị dập và ngay lập tức gây sự tắc nghẽn máu trở về. Hậu quả là gây sưng to mu chân nhưng chụp phim X quang không thấy gãy xương hay trật khớp. Nằm nghỉ kê chân cao và chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng nhanh chóng. Tuy nhiên sự vận động sớm, đi lại sớm sẽ khiến hiện tượng sưng kéo dài do các tĩnh mạch tổn thương chưa kịp phục hồi. Đôi khi nó trở thành di chứng viêm tĩnh mạch nông.
Phan Sử – Karate Việt Nam