(VoThuat.vn) – Là một môn võ phổ biến với hơn 60 triệu người luyện tập ở 184 quốc gia khác nhau, Taekwondo đã và đang khẳng định mình chính là một trong những môn võ được yêu thích bật nhất bởi tính nghệ thuật của mình. Hãy cùng VoThuat.vn điểm qua một số điều cần biết trước khi theo học môn võ này nhé.
- Karate vs Taekwondo: Giống và khác nhau như thế nào?
- Các đòn Taekwondo “chết người” được áp dụng thế nào trong MMA?
Lịch sử hình thành và phát triển
Taekwondo cũng có nguồn gốc cổ xưa. Các nghiên cứu tiết lộ những “môn đồ” đầu tiên đã xuất hiện từ những năm 50 TCN tại Hàn Quốc. “Tae” có nghĩa là “đá”, “kwon” có nghĩa là “đấm” hoặc “phá hủy mọi vật bằng tay”, và “do” có nghĩa là một cách để làm điều gì đó đặc biệt. Vì vậy, Taekwondo là một cách để sử dụng toàn bộ cơ thể của bạn để bảo vệ chính mình.
Khi Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên trong những năm 1900, người Nhật ban lệnh cấm võ thuật trong quân sự Hàn Quốc, bao gồm cả Taekwondo. Tuy nhiên, vẫn có người tiếp tục luyện tập Taekwondo trong bí mật, trong khi những người khác đi học võ thuật Trung Quốc hay Nhật Bản. Bởi vì Judo, Karate và cả Kung-Fu đồng thời đổ bộ Hàn Quốc thời điểm ấy, còn Taekwondo tách ra thành phong cách khác biệt với những ảnh hưởng khác nhau đến văn hóa nước này. Khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945, trường Taekwondo đầu tiên, được gọi là Kwan, đã được mở ra tại Hàn Quốc.
Mặc dù đã xuất hiện từ khoảng 2300 năm trước tại “xứ sở kim chi” nhưng mãi đến hơn 2 thiên niên kỉ sau, Taekwondo mới được thống nhất và trở thành môn võ mà chúng ta biết đến ngày hôm nay. Vào năm 1955, khi các Kwan hàng đầu cùng tham dự một hội nghị về võ thuật. Họ quyết định hợp nhất một loạt các phong cách khác nhau về cùng một thể thống nhất trong việc giảng dạy, và gọi tên là Taekwondo.
Vừa tích luỹ và gìn giữ được kinh nghiệm chiến đấu của dân tộc Triều Tiên, vừa nhạy bén chọn lọc và tiếp thu tinh hoa võ thuật từ nhiều môn võ, kĩ thuật Taekwondo ngày nay pha trộn nhiều yếu tố xưa cũ – hiện đại; vẫn coi trọng yếu tố chuẩn mực, chính xác như nhiều môn võ truyền thống, vừa đề cao tính hiệu quả, thực tế chiến đấu như võ thuật hiện đại, Taekwondo đã từ lâu thoát khỏi cái bóng “Karate Hàn Quốc” (Taekwondo đã từng bị hiểu lầm như thế trong suốt thời kì Karate du nhập vào Hàn Quốc), cũng như có được chỗ đứng xứng đáng của mình trên bản đồ võ thuật thế giới.
Ngày nay, các tổ chức, liên đoàn Taekwondo hàng đầu đã đặt ra rất nhiều những tiêu chuẩn chung vì sự cạnh tranh và phát triển của môn thể thao này. Mặc dù có rất nhiều tổ chức, liên đoàn của môn võ đến từ Hàn Quốc này, nhưng nhìn chung, Taekwondo được chia thành 2 hệ phái chính:
Đầu tiên là Liên đoàn Taekwondo thế giới (tiếng Anh: World Taekwondo Federation hay WTF) là một tổ chức được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công nhận là liên đoàn thể thao với vai trò quản lý cho môn võ Taekwondo ở hàng quốc tế. WTF được thành lập trong hội nghị ngày 28 tháng 5 năm 1973 tại Kukkiwon, Seul, Hàn Quốc với 35 đại diện cho các quốc gia tham dự, sau khi Liên đoàn Taekwondo quốc tế rời khỏi Hàn Quốc.
Tiếp theo là Liên đoàn Taekwondo quốc tế (tiếng Anh: International Taekwon-Do Federation hay gọi tắt là ITF) là hệ một phái võ quyền do cựu thiếu tướng Hàn Quốc Choe Hong Hui sáng lập ngày 22 tháng 3 năm 1966
Các cấp bậc đai trong Taekwondo
Tùy vào hệ phái mà võ sinh theo học (ITF hay WTF), các cấp bậc đai trong Taekwondo cũng sẽ có hệ thống phân loại khác nhau.
1. Hệ thống thứ bậc, đai của WTF:
Đai trắng (cấp 8) Đai vàng (cấp 7) Đai xanh lá (cấp 6) Đai xanh dương (cấp 5) Đai nâu (cấp 4 và 3) Đai đỏ (cấp 2 và 1) Đai đen (nếu chưa đủ 18 tuổi sẽ đeo đai đỏ đen đến khi đủ 18 tuổi sẽ được đeo đai đen).
Hệ phái Taekwondo WTF có 9 trình độ (gọi là một “gup”) với 8 cấp và 7 màu đai (“dan”) từ trắng (cấp 8), vàng (cấp 7), xanh lá (cấp 6), xanh dương (cấp 5), nâu (cấp 4 và cấp 3), đỏ (cấp 2 và cấp 1) cao nhất là đai đen (huyền đai). Võ sinh mới vào luyện bắt đầu ở cấp 8 (đai trắng) và tăng dần trình độ xuống cấp 1 (đai đỏ). Tại nhiều trường, võ sinh sau khi luyện tới trình độ trung bình gọi là cho dan bo (chuẩn huyền đai) hay dan bo, tức là “võ sinh đai đen”. Sau một vài lần vượt qua các kì thi nữa, võ sinh thi bài thi một đẳng, sau đó đạt đẳng 1 (nhất đẳng huyền đai).
– Nội dung thi lên cấp, đai và đẳng của WTF
Cấp 8 lên 7, Cấp 7 lên 6
+ Căn bản: 10 đòn đấm trung.
+ Quyền: bài quyền Thái Cực số 1 hoặc 2 (Taeguek 1 Jang, Taeguek 2 Jang).
– Tam thế đối luyện gồm 3 đòn.
Đai xanh cấp 6 lên xanh cấp 5
+ Căn bản: 10 đòn đấm trung và 4 đòn đá: đá trước (Ap chagi), đá ngang (Yeop chagi), đá vòng cầu (Dolyeo chagi).
+ Quyền: bài quyền Thái Cực số 3 Taeguek Sam-Jang.
+ Nhất thế đối luyện gồm 4 đòn.
Đai xanh cấp 5 đến đai đỏ cấp 2
+ Căn bản: 10 đòn đấm trung và 4 đòn đá: đá trước (Ap chagi), đá ngang (Yeop chagi), đá vòng cầu (Dolyeo chagi), đá số 4 (Dwiola Yeop chagi).
+ Quyền: Taeguek Sa-Jang, Taeguek Oh-Jang, Taeguek Yuk-Jang, Taeguek Chil-Jang.
+ Nhất thế đối luyện gồm 4 đòn.
Song đấu: đấu tính điểm với võ sinh đồng cấp.
Đai đỏ cấp 1 thi lên Nhất Đẳng Huyền Đai
+ Điều kiện dự thi: “đeo” đai đỏ cấp 1 ít nhất 6 tháng
+ Mỗi năm có 2 đợt thi vào tháng 5 và tháng 11.
+ Căn bản: 10 đòn đấm trung và 4 đòn đá như trên.
Quyền:
1. Bài Thái Cực số 8 Taeguek Pak-Jang.
2. Bốc thăm ngẫu nhiên từ Thái cực 1 đến Thái cực 7.
Nhất thế đối luyện gồm 5 đòn: Theo kỹ thuật quy định của HLV trưởng Liên Đoàn Taekwondo Việt Nam.
1. Đòn Tay
2. Đòn Chân
3. Đòn Tay, chân phối hợp
4. Đòn Bay
5. Đòn Sáng tạo (Tổng hợp).
+ Song đấu tự do: Đấu tính điểm 2 trận với thí sinh đồng cấp, mỗi trận 3 phút
+ Thể lực: dưới 16 tuổi hít đất (chống đẩy) 30 lần, 16 tuổi trở lên hít đất 50 lần.
+ Công phá: Nam võ sinh: dùng cạnh bàn tay ngoài chặt vỡ 1 viên gạch thẻ. Nữ võ sinh và võ sinh dưới 16 tuổi không thực hiện công phá.
Kì thi thăng Đẳng (Dan)
Điều kiện dự thi: “đeo” cấp Đẳng hiện tại với thời gian (tính bằng năm) bằng với cấp Đẳng hiện tại.
Sơ cấp Huyền đai (1 Dan đến 3 Dan)
2. Hệ thống thứ bậc, đai của ITF:
Trường phái Taekwondo ITF có 18 bậc tiến gọi là 18 đẳng, cấp (nói đúng ra là từ cấp rồi mới tới đẳng), khởi đầu môn sinh mang cấp 10, sau mỗi 3 tháng, hoặc 6 tháng lại thi lên một cấp. Sau khi mang đai đen thì khoảng 2 năm lại thi lên đẳng một lần. Hệ phái Taekwondo WTF có 5 trình độ (gọi là một “gup”) với 5 cấp đai (“dan”) từ trắng, vàng, xanh, đỏ và cao nhất là đai đen (huyền đai). Võ sinh mới vào luyện bắt đầu ở cấp 10 (đai trắng) và tăng dần trình độ xuống cấp 1 (đai đỏ). Tại nhiều trường, võ sinh sau khi luyện tới trình độ trung bình gọi là chuẩn huyền đai hay dan bo, tức là “võ sinh đai đen”. Sau một vài lần vượt qua các kì thi nữa, võ sinh thi bài thi một đẳng, sau đó đạt đẳng 1 (nhất đẳng huyền đai).
Mức dan tăng dần tới tối đa là 9 dan (ITF) hay 10 dan (Kukkiwon), thường cửu đẳng và thập đẳng là cấp của trưởng môn, còn các võ sư thường không đạt được. Hệ Kukkiwon không cho phép võ sinh dưới 15 tuổi đạt các dan. Thay vì vậy các võ sinh đạt đẳng poom, hay “võ sinh đai đen ít tuổi”. Võ sinh chưa đến tuổi trưởng thành có thể đạt 4 poom, và tất cả các đẳng poom đều chuyển thành đẳng dan khi võ sinh tới đủ tuổi và qua kì thi lên cấp tiếp theo.
Cách tuyển chọn trong Taekwondo chủ yếu dựa vào các kỹ thuật và lý thuyết. Các bài trình diễn kỹ thuật gồm các cú đấm và cú đá, cũng có thể bao gồm cả thế tấn và phương pháp thở. Phần lý thuyết phải trình bày bằng lời các thuật ngữ trong tiếng Hàn, các thông tin quan trọng (chẳng hạn các điểm sinh tử và các luật quan trọng) và một sự hiểu biết chung về Taekwondo.
Các đòn đánh và thuật ngữ cơ bản trong Taekwondo
Mặc dù đã vươn tầm thế giới thế nhưng môn võ này vẫn sử dụng ngôn ngữ quê hương của mình là tiếng Hàn Quốc trong cả tập luyện lẫn khi thi đấu. Đây cũng chính là một trong những nét đặc trưng của môn võ này khi “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
1. Trong tập luyện
- Về tư thế:
Nghỉ (Stand) – Soegi (thường đọc tắt là Soe)
Nghiêm (Attention) – Chariot
Chuẩn bị (Ready) – Choonbi
Bắt đầu (Start) – Shijak
- Về vị trí:
Hạ đẳng (Legs) – Aree
Trung đẳng (Body) – Momtong
Thượng đẳng (Face) – Olgul
Phía trong – An
Phía ngoài – Bakat
- Những thế tấn trong luyện tập:
1. Tấn nghiêm – MOA SEOGI: 2 chân khép chặt lại, 2 tay nắm, đặt sát 2 bên đùi, đầu ngẩng cao nhìn về phía trước
2. Tấn chữ V – CHARYOT SEOGI: mỗi chân mở ra 22 độ 5
3. Tấn chuẩn bị – PYEONHI SEOGI: giống tấn chữ V nhưng khoảng cách hai gót chân bằng 1 bước tức là bằng 1 bàn chân.
4. NARANHI SEOGI: Tấn song song, khoảng cách hai bàn chân của tấn này bằng một bàn chân.
5. Tấn song song so le – MO SEOGI: từ từ chuẩn bị (PYEONHI SEOGI) bước tới một bước thành tấn MO SEOGI.
6. Tấn trước trái – OEN PYEONHI SEOGI: từ tấn chuẩn bị bước chân trái tới thành tấn trước trái
Tấn trước phải – OREUN PYEONHI SEOGI: nếu chân phải trước khi tấn thành trước phải.
7. Tấn ngang (trung bình tấn) – JOOCHOOM SEOGI: Tấn này khoảng cách bằng hai vai, trọng lượng chia đều trên hai chân và đầu gối hơi cong.
8. Tấn ngồi – MO JOOCHOOM: Tấn này do từ tấn ngang (JOOCHOOM SEOGI) chuyển thành khi một trong hai chân bước tới.
9. Tấn trước ngắn – APSEOGI: Bước tới một bước tự nhiên rồi dừng lại, ở tư thế này là tấn APSEOGI. Trọng lượng cơ thể chịu trên chân trước tuè 60 đến 70%, đầu gối hơi cong trong tư thế thoải mái.
10. Tấn trước dài – AP KOOBI: Tấn này chiều dài của hai bàn chân khoảng hai vai và chiều ngang khoảng một bàn chân, bàn chân trước thẳng và bàn chân sau mở ra ngoài khoảng 30 độ, 2/3 trọng lượng cơ thể chịu ở chân trước, trùng đầu gối chân trước đến khi ống quyển thẳng góc với mặt đất và chân sau thẳng.
11. Tấn ngồi sau – DWITKOOBI: Tấn sau. Tấn này khoảng cách bàn chân trước tới bàn chân sau khoảng hai vai, hai gót chân nằm trên đường thẳng và tạo thành góc vuông. Đầu gối chân sau trùng xuống để tạo trọng lượng cơ thể chịu về phía sau nhiều và chân trước hơi cong.
12. Tấn chéo – KOA SEOGI: Tấn này có hai thức:
a) Nhảy về phía trước sau đó kéo chân sau lên chịu vào bắp chuối chân trước, tư thế này gọi là DWIT KOASEOGI.
b) Một chân bước chéo qua chân kia gọi là AP KOASEOGI.
13. HAKTARI SEOGI: Hạc tấn. Tấn này khi một trong hai chân móc vào phía sau đầu gối chân kia thì gọi là OGEUN SEOGI.
14. Hổ tấn – BEOM SEOGI: Tấn này giống miêu tấn nhưng toàn bộ bàn chân chạm đất.
15. Miêu tấn – GYOTTARI SEOGI: Giống như hổ tấn, nhưng chân trước nhón lên phần gót.
16. AP JOOCHOOM: Tấn giống như tấn APSEOGI chỉ khác một điểm là hai đầu gối hơi cong và đưa vào bên trong. Trọng lượng cơ thể đặt đều trên hai bàn chân.
17. Tấn nghỉ – JOONBI SEOGI.
- Động tác:
Đỡ (block) – Makki
Đấm (punch) – Jireugi
Đá (kick) – Chagi
- Các đòn đá cơ bản:
Đá tống trước – Ap Chagi
Đá tống sau – Dwi Chagi
Đá tống ngang – Yop Chagi
Đá vòng cầu – Dolliyo Chagi
Đá chẻ – Naeryo Chagi
Đá quay – Bituereo Chagi (ở VN thường gọi là Bandae Chagi)
- Số đếm – số thứ tự:
1 – hana – il
2 – dul – i
3 – set – sam
4 – net – sa
5 – ta sot – ô
6 – yo sot – yuk
7 – il kop – chil
8 – yo dol – pan
9 – a hop – gu
10 – yol – ship
- Các bài quyền trong Taekwondo:
Bài quyền số 1: Taegeuk il-jang
Bài quyền số 2: Taegeuk E-jang
Bài quyền số 3: Taegeuk Sam-jang
Bài quyền số 4: Taegeuk Sa-jang
Bài quyền số 5: Taegeuk Oh-jang
Bài quyền số 6: Taegeuk Yook-jang
Bài quyền số 7: Taegeuk Chil-jang
Bài quyền số 8: Taegeuk Pal-jang
Bài quyền số 9: Koryo
Bài quyền số 10: Kumgang
Bài quyền số 11: Taebaek
Bài quyền số 12: Pyongwon
Bài quyền số 13: Sipjin
Bài quyền số 14: Jitae
Bài quyền số 15: Chonkwon
Bài quyền số 16: Hansu
Bài quyền số 17: IIYO
2. Trong thi đấu
Những khẩu lệnh của trọng tài trong trận đấu:
Trọng tài sẽ ra khẩu thủ lệnh “Chung, Hong”. Cả 2 võ sĩ sẽ cùng vào khu vực thi đấu với nón bảo hộ cầm ở tay trái và đứng đối diện nhau.
Trọng tài sẽ ra khẩu thủ lệnh “Cha-ryeot”, “Kyeong-rye”, 2 người sẽ đứng chào nhau.
Trận đấu bắt đầu, khi trọng tài ra khẩu thủ lệnh “choon-bi” và “Shijack”.
Sau khi trọng tài có khẩu thủ lệnh “Keuman”, 2 võ sĩ sẽ di chuyển vào khu vực thi đấu với tay trái cầm nón bảo hộ và đứng đối diện nhau, chào.
Luật thi đấu và cách tính điểm đối kháng
Trong một trận đấu đối kháng, người mạnh hơn chưa chắc sẽ là người chiến thắng, thế nhưng võ sĩ nào nắm rõ luật hơn chắc chắn sẽ có ưu thế.
1. Vùng tính điểm
- Phần thân người: là vùng áo giáp có màu xanh hoặc đỏ
- Phần mặt: là phần phía trên xương đòn (toàn bộ phần mặt bao gồm cả tai và phía sau đầu)
VĐV sẽ được ghi điểm khi thực hiện một kỹ thuật hợp lệ chính xác và có sức mạnh vào các khu vực được phép trên cơ thể của đối phương.
2. Cách ghi điểm hợp lệ
- VĐV đạt được 1 điểm khi thực hiện đòn đánh hiệu quả vào vùng áo giáp bảo vệ thân người
- VĐV đạt được 2 điểm khi thực hiện hiệu quả đòn đá quay sau vào vùng áo giáp bảo vệ thân người.
- VĐV đạt được 3 điểm khi thực hiện thành công đòn đá vào phần mặt.
- Tỷ số trung cuộc của trận đấu là tổng điểm của cả 3 hiệp đấu.
- Điểm không được công nhận: Khi một VĐV tấn công ghi điểm bằng cách sử dụng các đòn đánh không đúng luật hoặc bị cấm thì điểm số đó sẽ bị hủy bỏ.
3. Các lỗi vi phạm và xử phạt trong Taekwondo
- Việc xử phạt bất cứ lỗi vi phạm nào đều sẽ do trọng tài tuyên bố.
- Việc xử phạt được chia thành “Kyong-go” (phạt cảnh cáo) và “Gam-jeom” (phạt trừ điểm).
- Hai lần “Kyong-go” sẽ được tính là thêm một (01) điểm cho đối thủ còn lại. Tuy nhiên, lần “Kyong-go” lẻ cuối cùng sẽ không được tính trong bảng tổng điểm.
- Một lần “Gam-jeom” sẽ được tính là thêm một (01) điểm cho đối thủ còn lại
Các lỗi vi phạm bị xử phạt “Kyong-go”:
- Vượt ra khỏi đường biên
- Né tránh thi dau Taekwondo bằng cách quay lưng lại đối phương
- Bị ngã xuống sàn
- Lẩn tránh thi đấu (thi đấu không tích cực)
- Ôm, kéo hoặc đẩy đối phương
- Tấn công vào vùng dưới thắt lưng của đối phương
- Giả vờ bị chấn thương
- Ngăn cản hoặc tấn công bằng đầu gối
- Đánh vào mặt đối phương bằng tay
- VĐV hoặc huấn luyện viên thốt ra những lời nói thiếu lịch sự hoặc có bất kỳ một hành động thiếu văn hóa nào.
- Nâng gối để tránh đòn tấn công hợp lệ hoặc làm cản trở tiến trình ra đòn của đối phương.
Các lỗi vi phạm bị xử phạt “Gam-jeom”:
- Tấn công đối phương sau lệnh “Kal-yeo”
- Tấn công khi đối phương bị ngã
- Quăng quật đối phương bằng cách ôm hoặc hất chân khi đối phương đang tấn công hoặc dùng tay đẩy đối phương.
- Cố ý tấn công vào mặt đối phương bằng tay
- VĐV hoặc huấn luyện viên ngăn cản tiến trình thi đấu
- VĐV hoặc huấn luyện viên có hành động thô bạo hoặc bày tỏ thái độ gay gắt.
Khi một VĐV cố tình không tuân thủ luật thi dau Taekwondo hoặc lệnh của trọng tài, trọng tài, sau một (01) phút, trọng tài có thể tuyên bố VĐV thua cuộc do không đủ điều kiện thi đấu.
Khi một VĐV bị tám (08) lần “Kyong-go” hoặc bốn (04) lần “Gam-jeom”, hoặc thậm chí vừa “Kyong-go” vừa “Gam-jeom” bị trừ đến 4 điểm, trọng tài sẽ tuyên bố VĐV đó bị thua cuộc.
“Kyong-go” và “Gam-jeom” sẽ được tính vào tổng điểm chung của cả 3 hiệp đấu.
Khi trọng tài cho dừng trận đấu để công bố phạt “Kyong-go” hay “Gam-jeom” thì thời gian thi đấu sẽ không được tính kể từ lúc trọng tài ra lệnh “Kye-shi” cho đến khi trọng tài ra lệnh “Kye-sok” thì thời gian trận đấu tiếp tục được tính trở lại.
Luật “bàn thắng vàng” và quyết định xử thắng.
- Trong một trận đấu, nếu sau ba hiệp thi đấu mà vẫn không xác định được người thắng cuộc thì sẽ tiếp tục thi đấu hiệp thứ 4.
- VĐV nào ghi được điểm trước ở hiệp phụ sẽ là người thắng cuộc.
- Trong trường hợp trận đấu có tỉ số hòa sau khi kết thúc cả 4 hiệp đấu, người thắng cuộc sẽ được xác định bằng quyết định ưu thế do tất cả các trọng tài và giám định. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra dựa vào ưu thế của VĐV thể hiện trong hiệp 4.
Kết luận
Biết bao thế hệ trôi qua, Taekwondo luôn khẳng định mình trên đấu trường quốc tế. Lớn mạnh, liên tục bổ sung, cải tiến, cũng như “va chạm” với nhiều bộ môn võ thuật khác, những gì thuộc về Taekwondo chúng ta thấy ngày hôm nay là công sức của bao nhiêu thế hệ võ sinh dày công gây dựng. Trên đây là tất tần tật những điều cơ bản làm hành trang trước khi bắt đầu luyện tập Taekwondo đã được VoThuat.vn tổng hợp lại. Chúc quý độc giả của VoThuat.vn đạt được nhiều sức khỏe cũng như gặt hái được thành công trên con đường luyện tập môn võ đến từ xứ Hàn này.
Anh Vũ