Không ít võ sinh trẻ, học võ đã lâu và đã tập luyện nhiều đòn thế nhưng khi “hữu sự” thì lại lúng túng. Các em ấy tâm sự: “Lúc ấy rất muốn sử dụng các đòn, thế đã học nhưng lại không thể“. Tại sao vậy? Bài viết này xin gợi ý cho các em một giải pháp.
- Một số bí quyết để tăng cường sức mạnh cú đấm
- Cắt cân: Một quy trình phức tạp và nguy hiểm trong thi đấu võ thuật
Vào thập niên 1890, nhà sinh vật học Ivan Petrovic Pavlov làm cuộc thí nghiệm: “Cứ mỗi lần cho chó ăn, ông quan sát thấy dịch vị trong dạ dày của chó được tiết ra. Ông để ý rằng chó thường tiết dịch vị khi thấy thức ăn. Trong nhiều lần sau, khi cho chó ăn ông bật đèn sáng lên. Đến một lúc, không cần đưa ra thức ăn mà chỉ bật đèn sáng lên thì dịch vị trong dạ dày của chó vẫn tiết ra”. Sau này Pavlov xây dựng nên định luật cơ bản mà ông gọi là “Phản xạ có điều kiện” dựa trên hàng loạt thí nghiệm tương tự.
Với thí nghiệm cho chó ăn, phản xạ là “nước bọt tiết ra” và điều kiện là “thấy đèn bật sáng”.
Như vậy, muốn có phản xạ thì phải có điều kiện kèm theo, và phản xạ không do bẩm sinh, tự nhiên có, mà chỉ được hình thành do điều kiện kèm theo đã xảy ra, được lập đi lập lại nhiều lần trong một thời gian lâu dài.
Trong võ thuật, việc rèn luyện cho các đòn, thế chiến đấu trở thành phản xạ là hết sức cần thiết. Rèn luyện các đòn thế trở thành phản xạ rồi thì khi “hữu sự”, tức là có điều kiện va chạm xảy ra, đòn thế sẽ được xuất ra rất nhanh và rất tự nhiên, trôi chảy, không còn ngập ngừng, gò bó.
Có thể nói rằng, đến lúc ấy mọi đòn thế xuất ra tưởng chừng như không còn do sự suy tính của ta, không do ý thức mà thực sự là được ý thức của ta kiểm soát, điều chỉnh một cách hợp lý nên khống chế đòn thế của đối phương rất kịp thời và có hiệu quả.
Cần lưu ý rằng, trong võ thuật có những đòn thế “chủ động” tấn công đối phương và có những đòn thế “bị động, phòng thủ” khi đối phương tấn công. Chính vì vậy, khi tập đòn thế trở thành phản xạ phải đặc biệt để ý đến yếu tố này. Nói như thế, có nghĩa là khi tập một thế võ nào phải xác định đó là thế chủ động tấn công hay là thế nằm trong trường hợp bị động do đối phương tấn công.
Phương pháp tập cho đòn thế chiến đấu trở thành phản xạ theo kinh nghiệm của tôi có 3 giai đoạn, xin giới thiệu để các võ sinh trẻ tham khảo như sau:
Giai đoạn 1:
Đây là giai đoạn tập một mình, được gọi là “tập gió”, nói đầy đủ là tập đánh gió tức là đánh vào không khí chớ không có người trước mặt. Mục đích của giai đoạn này là tập đúng kỹ thuật và thuần thục từng động tác.
Trước hết, cần chia một thế võ ra nhiều đòn và tập từng đòn một. Lúc đầu tập chậm để kiểm soát sự chính xác của từng đòn. Sự chính xác ở đây được hiểu là đánh cho đúng kỹ thuật của từng động tác mà người thầy đã dạy. Càng về sau, tập tốc độ ra đòn càng nhanh dần cho đến mức nhanh nhất. Tập đòn nào phải thuần thục đòn ấy rồi mới tập liên kết qua đòn khác. Cứ tập đúng như thế cho đến khi tập liên kết hết tất cả các đòn thành một “thế võ” (gọi là chiêu thức).
Mỗi thế võ thường phải tập hằng trăm lần trong một buổi tập với sức mạnh và tốc độ cao nhất. Ngoài việc rèn luyện tại sân tập, trong buổi tập, ta cần phải tập thêm bằng trí tưởng tượng ở bất cứ nơi đâu, lúc nào có thể.
Thời gian “tập gió” thường phải liên tục từ 7 đến 10 ngày.
Giai đoạn 2:
Đây là giai đoạn tập với 1 bạn đấu trong tư thế đứng theo quy định và chỉ tập những đòn thế của thế võ muốn rèn luyện, không có các đòn nhứ, đòn giả. Cách tập của giai đọan này được gọi là “tập đấu luyện”. Mục đích của tập đấu luyện ở giai đọan này là rèn luyện cho các đòn của thế võ trở thành phản xạ.
Khi tập, bạn đấu tấn công để ta tập phản xạ tránh né, hụp, lặn, gạt đỡ đòn, cản chặn đòn và phản công kịp thời. Bạn đấu cũng là đối tượng thực tế để ta tập đòn nhứ, đòn giả, đòn tấn công vào các vị trí trên cơ thể của bạn đấu. Cách tập ở giai đọan này cũng phải từ chậm đến nhanh dần, từ nhẹ đến mạnh dần và phải tập mỗi thế võ hằng trăm lần trong một buổi tập.
Thời gian “tập đấu luyện” kéo dài hằng tuần hoặc nửa tháng.
Ở giai đoạn này, khi tập có sự va chạm nên cần xoa nắn cơ bắp và bóp thuốc vào giờ nghỉ giải lao hoặc sau một buổi tập. Việc này là rất cần thiết vì để tránh bị tụ huyết gây nội thương ở vùng va chạm và giúp làm tăng sức chịu đựng, độ cứng rắn của tay chân, cơ thể.
Giai đoạn 3:
Đây là giai đoạn tập với 1 bạn đấu trong tư thế di chuyển, có đòn nhứ, đòn giả, gọi là “tập giao đấu”. Mục đích của tập giao đấu ở giai đoạn này là để kiểm chứng đòn thế ta luyện đã trở thành phản xạ hay chưa.
Ở giai đoạn này phải phân định thế võ đang tập là thế “chủ động” tấn công đối phương hay là thế “bị động, phòng thủ” khi bị đối phương tấn công.
Đối với thế “chủ động”, ta vừa di chuyển vừa sử dụng các đòn nhứ, đòn giả để phát hiện cách phòng thủ của bạn đấu. Khi bạn đấu phòng thủ mà rơi vào đúng tình huống như dự kiến của thế võ ta đang tập và ta chớp thời cơ tấn công chớp nhoáng ngay, đúng với chiêu thức đã rèn luyện và có hiệu quả thì phản xạ tấn công đã được xác lập.
Đối với thế “bị động, phòng thủ”, bạn đấu vừa di chuyển vừa sử dụng các đòn nhứ, đòn giả và tấn công thình lình mà ta vẫn có thể tránh né, hụp, lặn, gạt đỡ, phá đòn của đối phương và phản công chớp nhoáng, có hiệu quả thì phản xạ phòng thủ-phản công đã được xác lập.
Trong giai đọan này cần giao đấu thực sự, không nhân nhượng, đòn thế phải mạnh mẽ, quyết liệt. Chính vì thế, trong khi tập luyện giao đấu cần bảo vệ tốt cơ thể cho ta và bạn đấu bằng các dụng cụ bảo hộ như áo giáp, mũ, vỏ hến che hạ bộ…
Với sự kiên trì tập đúng phương pháp như trên, không nôn nóng, thuần thục đòn thế ở giai đọan này rồi mới tập qua giai đoạn tiếp sau. Qua giai đoạn 3 mà tay, chân xuất đòn, thế một cách tự nhiên, dứt khoác, kịp thời, mang lại hiệu quả trong khi đầu óc không bị gò bó, tâm trí không bị hoang mang, lo lắng thì thế võ đó đã được luyện thành.
Luyện đến mức độ đó thì khi “hữu sự” không còn lo gì “Tại sao tập lâu, tập nhiều, mà không sử dụng được đòn thế đã học”.
Cuối cùng, cần nhớ một điều rằng: Phản xạ có điều kiện có đặc tính là không bền vững. Nếu “điều kiện” không được diễn ra nhiều lần, liên tục thì “phản xạ” sẽ giảm dần độ nhạy bén và đến một thời gian lâu dài về sau sẽ mất hẳn.
Xin trở lại với thí nghiệm “cho chó ăn” của Pavlov: Nếu cứ bật đèn sáng nhiều lần mà không cho chó ăn thì đến một lúc thấy đèn bật sáng, dịch vị trong dạ dày của chó sẽ không còn tiết ra nữa.
Trong võ thuật cũng vậy: Chiêu thức đã được “luyện thành” mà lâu ngày không sử dụng thì phản xạ tấn công, phá đòn, phản công sẽ chậm dần và đi đến mất hẳn.
Chính vì thế, các vị thầy già mới thường dạy môn sinh là “Văn phải ôn, Võ phải luyện”. Văn mà không ôn thì quên dần, Võ mà không luyện sẽ mất dần hiệu quả.
Anh Thư (T.H) – Theo Võ sư Trần Xuân Mẫn