Thời Trung cổ, các thợ rèn kiếm vĩ đại nhất thường sản xuất ra kiếm sắt và kiếm thép để phục vụ trong chiến đấu. Sau này, nhiều bản thảo lịch sử có ghi lại những sự kiện xung quanh những thanh kiếm. Dưới đây là 5 danh kiếm lừng lẫy thế giới vẫn còn tồn tại ngày nay.
Đâu là “siêu kim loại” trong việc rèn dao kiếm?
Kiếm Kora: Đứt đầu chỉ trong một phát chém
5. Thanh kiếm của Tomoyuki Yamashita
Tomoyuki Yamashita là một vị tướng của quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản trong Thế chiến II. Ông trở nên nổi tiếng trong chiến tranh sau khi chinh phục các thuộc địa Malaya và Singapore của Anh, cuối cùng ông được mệnh danh là “Mãnh hổ Malaya”.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, Yamashita đã bị xét xử vì các tội ác chiến tranh liên quan đến vụ thảm sát Manila và nhiều hành động tàn bạo khác ở Philippines và Singapore. Đó là phiên tòa gây tranh cãi, kết thúc bằng một án tử hình dành cho Tomoyuki Yamashita.
Trong đời binh nghiệp của mình, Tomoyuki Yamashita có một thanh kiếm tùy thân với lưỡi do cao thủ rèn kiếm lừng danh Fujiwara Kanenaga làm ra khoảng giữa những năm 1640-1680. Chuôi kiếm được làm lại vào đầu những năm 1900.
Tướng Yamashita đã phải giao nộp thanh gươm Samurai này cùng với sự đầu hàng của quân đội của dưới quyền ông vào ngày 2/9/1945. Thanh kiếm đã được Tướng MacArthur tiếp nhận và trao lại cho Bảo tàng Quân sự West Point, nơi nó vẫn được lưu giữ đến ngày hôm nay. Thanh kiếm này là một hiện vật trong một bộ sưu tập vũ khí quân sự tuyệt vời được lưu giữ tại Bảo tàng Quân sự West Point.
4. Thanh kiếm 7 ngạnh
Năm 372, Nhà vua Geunchogo (Cận Tiếu Cổ Vương) của Baekje triều cống sang Đông Tấn và người ta tin rằng, thanh kiếm 7 ngạnh đã được rèn ra và dâng cho nhà vua để tán dương công đức. Đây là thanh trường kiếm thép dài 74,9 cm với 6 cái ngạnh thò ra giống như cành cây dọc theo lưỡi kiếm dài 65,5 cm. Thanh kiếm được làm ra phục vụ mục đích nghi lễ chứ không phải cho chiến đấu.
Năm 1870, một tu sĩ Thần Đạo có tên Masatomo Kan đã phát hiện ra hai dòng chữ khắc trên thanh kiếm 7 ngạnh. Trong đó, một dòng viết: “Trưa ngày thứ 16 của tháng thứ 11, năm Thái Hòa thứ tư, thanh kiếm được làm bằng thép được tôi 100 lần. Dụng kiếm đẩy lùi 100 địch quân…”.
Thanh kiếm 7 ngạnh có chứa nhiều thông điệp, nhưng gây tranh cãi nhất là liên quan đến cụm từ “lãnh chúa phân phong”, được dùng để mô tả Vua Wa có thể là một chư hầu của vị vua Baekje. Thanh kiếm là một liên kết lịch sử quan trọng và cho thấy đã có một mối quan hệ tồn tại giữa các nước Đông Á trong thời kỳ này.
Thanh kiếm 7 ngạnh nguyên bản đang được đặt trong đền thờ Isonokami, tỉnh Nara, Nhật Bản. Nó không được trưng bày cho công chúng thưởng lãm.
3. Thanh kiếm của Hoàng đế Napoléon
Năm 1799, Napoléon Bonaparte đã trở thành lãnh đạo quân sự và chính trị của nước Pháp sau khi dàn dựng một cuộc đảo chính. Năm năm sau, Thượng viện Pháp tôn ông làm Hoàng đế Pháp.
Năm 1814, Liên minh thứ sáu – liên minh chống Napoléon (1812-1814) gồm các nước Áo, Phổ, Nga, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Tây Ban Nha và một số tiểu quốc Đức – của tiến quân vào Pháp, Napoléon bị bắt và bị đày đến đảo Elba. Sau đó, ông sẽ trốn thoát khỏi đảo, nhưng cuối cùng đã chết khi bị giam giữ trên đảo Saint Helena. Các nhà sử học coi Napoléon là một thiên tài quân sự và là một người đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật quân sự.
Khi ra trận, Napoléon thường mang một khẩu súng ngắn và một thanh kiếm. Ông sở hữu một bộ sưu tập lớn các loại súng và pháo. Các vũ khí của ông đều là loại tốt và sử dụng những vật liệu tốt nhất.
Mùa hè năm 2007, một thanh kiếm nạm vàng của Napoléon đã được bán đấu giá tại Pháp với giá hơn 6,4 triệu USD. Thanh kiếm này đã được Napoléon sử dụng trong chiến đấu. Đầu những năm 1800, Napoléon đã tặng thanh gươm này cho em trai của mình làm quà cưới. Thanh kiếm đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không bao giờ rời khỏi gia tộc Bonaparte. Năm 1978, thanh kiếm đã được tuyên bố là một báu vật quốc gia Pháp và người thắng cuộc đấu giá không được công bố.
2. Thanh kiếm Nhân từ
Thanh kiếm Nhân từ (Sword of Mercy) là danh kiếm đã từng thuộc về Vua Anh Edward the Confessor (tạm dịch là Edward Thánh thiện). Edward the Confessor là một trong những vị vua người Anglo-Saxon của xứ Anh trước cuộc xâm lược của người Norman năm 1066. Ông trị vì từ năm 1042-1066 và triều đại của ông được biết đến bởi sự đổ nát, vô tổ chức của quyền lực hoàng gia Anh.
Lưỡi của thanh kiếm Nhân từ bị gãy làm cho nó bị ngắn đi và mũi có dạng vát. Năm 1236, thanh kiếm được đặt tên là thanh gươm Nhân từ (curtana, thanh gươm không mũi, tượng trưng cho lòng nhân từ) và từ đó được sử dụng cho các nghi lễ hoàng gia.
Thời cổ đại, được mang thanh kiếm này trước mặt nhà vua là một đặc ân. Nó được coi là một cử chỉ khoan dung. Người ta không biết rõ câu chuyện xung quanh việc kiếm bị gãy, nhưng truyền thuyết lịch sử thì nói rằng, mũi kiếm đã bị một thiên thần bẻ ngãy để ngăn chặn việc giết người sai trái.
Thanh kiếm Nhân từ là một món trong kho báu vật hoàng gia của Vương quốc Anh và là một trong năm thanh kiếm được sử dụng trong lễ đăng quang của nhà vua Anh. Thanh kiếm này là rất quý hiếm và là một trong số ít các thanh kiếm sống sót qua thời kỳ Oliver Cromwell cầm quyền. Trong lễ đăng quang của vua Anh, thanh kiếm Nhân từ được sử dụng khi vua Anh ban tước hiệp sĩ cho người được phong tước.
1. Joyeuse
Charlemagne (Karl Đại đế hay Karl I) sinh ra vào khoảng năm 742. Ông là một trong những nhà cai trị vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới và trở thành Vua của người Frank vào năm 768. Năm 800, ông được tôn là Hoàng đế của người La Mã, vương vị mà ông giữ trong suốt phần còn lại cuộc đời mình.
Joyeuse là tên của bảo kiếm tùy thân của Charlemagne. Ngày nay, có hai thanh kiếm được cho là kiếm Joyeuse. Một là một thanh kiếm được lưu giữ ở kho báu hoàng gia Áo Schatzkammer Weltliche tại Vienna, Áo, thanh còn lại được lưu giữ ở Bảo tàng Louvre, Pháp.
Lưỡi kiếm được trưng bày tại Bảo tàng Louvre được cho là được làm một phần từ thanh kiếm ban đầu của Charlemagne. Thanh kiếm này được hợp thành từ các chi tiết của nhiều thế kỷ khác nhau, do đó, khó có thể nhận dạng chắc chắn nó là thanh kiếm Joyeuse. Cán của thanh kiếm cho thấy nó được sản xuất vào khoảng thời Charlemagne. Đốc kiếm bằng vàng điêu khắc rất nhiều gồm hai nửa và bao kiếm dài bằng vàng từng được trang trí bằng những viên kim cương.
Bộ truyện Thần thoại Bulfinch (Bulfinch’s Mythology) mô tả Charlemagne sử dụng kiếm Joyeuse chém đầu Corsuble, vị chỉ huy của người Saracen, cũng như để tấn phong hiệp sĩ người bạn ông là Ogier người Đan Mạch. Sau khi Charlemagne băng hà, kiếm Joyeuse thường được sử dụng để làm lễ đăng quang cho các vị vua Pháp. Thanh kiếm đã được lưu giữ tại Nhà thờ Thánh Denis, rồi sau đó được đưa đến Bảo tàng Louvre.
C.T