Nhiều người có thói quen làm bạn với cốc bia mỗi chiều, bất kể là sau giờ làm việc tại văn phòng hay buổi tập võ thuật – thể thao mệt nhọc. Hãy cùng VoThuat.VN phân tích những điểm lợi – hại trong thói quen này.
Vì sao võ thuật Trung Quốc đẹp nhưng lại vắng bóng cao thủ?
Vì sao trẻ em tập võ từ sớm lại hạn chế chiều cao
BỔ SUNG NĂNG LƯỢNG
Mỗi lít bia chứa 400 calo, tương đương với số năng lượng cần có để bạn chạy quãng đường 5 cây số. Việc uống bia sau khi tập luyện có thể xem như một phương án bù đắp năng lượng và glycogen trong cơ thể.
Mặt khác, một trong những việc quan trọng cần làm sau khi tập luyện là bù nước. Để “tranh thủ” lượng nước nạp vào cơ thể, nhiều người hay sử dụng nước uống chuyên dụng cho thể thao để bổ sung các chất điện giải và muối khoáng. Xét về mặt lý thuyết, uống bia cũng giúp bổ sung nước và một số ít chất dinh dưỡng có lợi.
Thế nhưng, xin nhắc lại, đó chỉ là lý thuyết. Sau đây là một số khuyết điểm của việc uống bia sau khi tập luyện:
MẤT NƯỚC
Trước hết, bia không giúp bạn bù nước như bạn vẫn nghĩ. Với khoảng 4 – 5% hàm lượng cồn, bia khiến bạn lợi tiểu và mất nước nhanh hơn. Sẽ là bình thường nếu như bạn vừa rời khỏi văn phòng và uống vài cốc bia với đồng nghiệp. Tuy nhiên, sau khi tập luyện, điều bạn cần là bổ sung nước và không… xả nước quá sớm.
GIẢM KHẢ NĂNG HỒI PHỤC CƠ BẮP
Đã bao giờ bạn cảm thấy đau nhức ê ẩm cả người sau những ngày tập nặng?
Mỗi khi cơ thể cử động mạnh, cơ bắp sẽ xuất hiện tổn thương nhẹ. Lấy ví dụ là bài tập chạy bộ: Mỗi khi bàn chân chạm đất, rung động va chạm sẽ truyền ngược lên và gây các tổn thương li ti trong cơ chân, thậm chí là mông, hông… Các va chạm tương tự trong tập luyện cũng sẽ gây tổn thương vùng cơ ngay đó và lân cận.
Cơ thể có thể tự phục hồi các tổn thương đó và khiến cơ thể chúng ta thích nghi với việc tập luyện. Chất cồn trong bia lại làm giảm khả năng tự phục hồi của cơ thể, khiến cho tổn thương không được phục hồi mà lại chồng chất lên nhau, ảnh hưởng xấu đến việc tập luyện.
CÁC VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG KHÁC
– Cồn gây ảnh hưởng xấu tới gan, làm giảm khả năng tích trữ và xử lý glycogen trong cơ thể
– Làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết tự nhiên của cơ thể.
– Tăng một số hormone dị hóa liên quan đến stresss và căng thẳng.
– Giảm khả năng đồng hóa testosterone, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển cơ bắp
HẠI NHIỀU HƠN LỢI
Như vậy, việc uống bia sau khi tập chỉ có giá trị bổ sung năng lượng (thực ra cũng chẳng thể so sánh với một bữa ăn đàng hoàng) mà lại gây nhiều ảnh hưởng xấu. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy việc uống bia điều độ, chừng mực có ảnh hưởng rất tốt đến tiêu hóa, tinh thần và thậm chí tim mạch. Tuy nhiên, nếu bạn vừa bước khỏi phòng tập với một cơ thể mệt mỏi, tốt nhất nên tránh xa cốc bia và đợi một ngày nghỉ.
Y.N