“Ngũ Cầm Hí” là một bài khí công cổ đại. Tương truyền bài này là do danh y Hoa Đà thời Tam quốc (thế kỷ 2 – 3) sáng tác, mô phỏng điệu bộ của năm loài thú là cọp, nai, gấu, khỉ và chim.
- ĐÔI NÉT VỀ THẦN Y HOA ĐÀ (110 – 207):
Hoa Đà tự Nguyên Hóa, quê ở đất Bái (nay là huyện Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc), sinh vào thời Đông Hán (110? hoặc 120?). Ông là một người học giỏi, ham học, thông suốt Ngũ Kinh, tính tình điềm đạm, xa lánh đường sĩ hoạn để xu hướng về phương thuật. Tương truyền tuổi trẻ ông du học ở từ Châu, từng đỗ hiếu liêm. Tể tướng Trần Khuê và Thái úy Huỳnh Uyển của nước Bái từng tiến cử và mời Hoa Đà ra làm quan, song ông đều từ chối. Ông quyết chí học thuốc cứu đời, trừ bệnh tật cho dân chúng và nghề bốc thuốc trị bệnh của ông rất đặc sắc vì do được dị nhân truyền thụ.
Tinh thông về phương mạch lại giỏi về đạo dẫn, ông đã mô phỏng điệu bộ của các loại thú mà luyện tập thân thể, đến tuổi cao mà dung nhan vẫn như trai tráng.
Khi chữa bệnh thì ông dùng thang thuốc chỉ đôi ba vị, tự bốc lấy thuốc đã đúng cân lượng, không bao giờ phải cân đi cân lại, nấu chín uống xong là hầu như khỏi bệnh.
Về châm cứu và mổ xẻ, ông lại càng sở trường. Những bệnh cần châm cứu, ông chỉ châm một vài huyệt, cứu một vài tháng là bệnh lành; ông rất nổi tiếng về “độc châm” (châm một cây kim). Vào thời đó chiến tranh loạn lạc liên miên, người chết chôn không hết, thi thể chất đầy đồng. Đây là một cơ hội quý báu cho ông thực nghiệm mổ xẻ tử thi, nghiên cứu cơ thể học. Vì vậy, trình độ về ngoại khoa (gây mê và phẩu thuật y khoa) của ông rất cao, được người đời sau tôn sùng và tôn xưng lá “ngoại khoa thánh thủ”. Tương truyền ông đã nghiên cứu sáng tạo ra “thang ma phế” gồm hỗn hợp rượu và thảo dược, sau khi cho bệnh nhân dùng có thể gây mê; sau đó ông mới phẩu thuật trị bệnh. Tiến hành mổ xẻ xong, ông khâu lại và bôi một loại thần cao lên vết mổ; bệnh nhân chỉ nghe ngưa ngứa chứ không đau, chỉ một thời gian sau là bình phục…
Trong tuyệt tác “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung thì Hoa Đà đã chứa bệnh cho Quan Công theo phương thức “cạo xương, trị độc”. Quan Công trong trận đánh Phàn Thành bị trúng một mũi tên thuốc độc ngấm vào tới xương. Sau khi đến chẩn bệnh và được sự đồng ý của Quan Công, Hoa Đà đã trị bệnh cho Quan Công bằng cách dùng dao nhọn rạch chỗ thịt ấy tới xương, cạo sạch chất độc do mũi tên đâm vào, trong lúc đó Quan Công vẫn bình thản đánh cờ với mã Lương. Về sau, Tào Tháo bị bệnh cũng nhờ Hoa Đà chữa trị. Nhưng do bản tính đa nghi, khi được Hoa Đà khuyên nên mổ sọ để cạo chất độc, Tào Tháo lại cho rằng Hoa Đà muốn giết mình nên tống ông vào ngục. Hoa Đà vì cảm kích người gác ngục họ Ngô đã chăm sóc mình khi đang ở trong ngục nên đã truyền sách của mình cho Ngô áp ngục. Tuy nhiên, do vợ của Ngô áp ngục lo sợ chồng mình theo nghề y sẽ có kết cục bi thảm như Hoa Đà nên đã lén đốt mất. Do đó tất cả sách vở của Hoa Đà về nghề y đã thất truyền. Hiện tại còn thấy “Trung Tàng kinh”, “Hoa Đà thần Y bí truyền… đều là người sau mượn tên tiếng, không phải tự tay ông viết ra.
Tương truyền ông là người sáng tác ra “Ngũ Cầm Hí”, mô phỏng điệu bộ của năm loài thú là cọp, nai, gấu, khỉ và chim. Sách “Hậu Hán thư phương thuật” ghi lại lời nói của Hoa Đà: “…Ta có một thuật gọi là Cầm Hí… có thể dùng để chữa bệnh, vừa có lợi ích như phép đạo dẫn. Nếu thân thể không được thoải mái, hãy thực hiện một động tác hí thì mồ hôi sẽ xuất ra, nhân đó làm cho thân thể nhẹ nhàng và thèm ăn…”
BÀI KHÍ CÔNG “NGŨ CẦM HÍ”:
Cũng như các bài quyền danh tiếng khác, bài “Ngũ Cầm Hí” hiện nay có nhiều bản được lưu truyền và được các nhà võ thuật phân ra làm 3 loại:
- Chủ luyện nội công
- Chủ luyện ngoại tráng.
- Chủ luyện nội công lẫn ngoại tráng.
Tuy có sự phân biệt như thế nhưng về mặt nguyên lý các bài trên vẫn như nhau, cụ thể:
Hổ hí mô phỏng động tác vồ mồi của giống cọp, nhằm luyện hai tay. Do đó, khi luyện hổ hí, phải biểu lộ thần uy dũng mãnh của hổ, thần hiện ở mặt, uy phát ở ngón tay.
Lộc hí mô phỏng động tác xoay đầu duổi cổ giống hươu nai, nhằm rèn luyện cơ nhục ở đầu cổ và các khớp xương sống, đồng thời cải thiện sự lưu hành của huyết dịch trong đại não. Do đó, khi luyện lộc hí phải hồn nhiên, an tĩnh như hình dáng con nai ngoảnh đầu nhìn lên cụm lá.
Hùng hí mô phỏng tư thế nằm nghiêng của loài gấu nhằm rèn luyện phần trắc diện của cơ thể. Do đó, khi luyện hùng hí, phải bắt chước thái độ trầm hùng của gấu, bề ngoài tuy có vẻ nặng nề, nhưng bên trong hàm chứa sự nhẹ nhàng linh hoạt.
Viên hí mô phỏng sự nhảy nhót trên mũi bàn chân của loài khỉ vượn, nhằm rèn luyện hai chân. Do đó., khi luyện viên hí (hay hầu hí), phải có tính hiếu động như khỉ, nhưng trong động có tĩnh.
Điểu hí (hay hạc hí) mô phỏng cách quạt cánh bay lượn của loài chim, nhằm rèn luyện các khớp tay và cơ nhục vùng ngực, đồng thời hỗ trợ cho sự hô hấp. Do đó, khi luyện điểu hí phải có khí thế hiên ngang, đứng thẳng, mắt nhắm như con hạc vậy.
Ngoài ra, cần lưu ý đến các điểm sau đây:
- Tùng tĩnh tự nhiên: tâm yên lặng, thân thể tự nhiên, không gượng ép.
- Ý khí hợp nhất: ý đi trước, hình theo sau, ý đâu khí đó.
- Động tĩnh tương khiêm: trong động có tĩnh, trong tĩnh có động, ngoại động nội tĩnh, nội động ngoại tĩnh.
- Thượng hư hạ thực: từ rốn trở lên phãi lỏng, từ rốn trở xuống chắc, tuy hư mà không rã rời, thực mà không cứng đơ.
- Khí trầm đan điền: đưa khí chìm xuống đan điền khi hít vào.
- Trầm kiên thụy trửu: vai chìm, chỏ hướng xuống.
- Hư linh định kình: đỉnh đầu buông lỏng, như bị treo lên, cột sống thẳng.
- Hàm hung bạt bối: ngực thóp, lưng bao.
- Miên man hàm xúc: động tác chậm rãi, liên tục.
- Tuần tự tiệm tiến: đừng mong kết quả đến nhanh chóng.
>>> Xem clip khí công Ngũ cầm hí:
Minh Tân (Sưu tầm)