Kinh hoàng chuyện đôn trọng lượng và ép cân

Nhiều VĐV xứ ta thi đấu những môn có xác định trọng lượng cơ thể đã không ngần ngại sử dụng các màn đôn trọng lượng, ép cân tạo ra nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Ói sau khi cân

Đến bây giờ, nhiều VĐV vẫn không quên cảnh lực sĩ L.V.T lao ngay vào nhà vệ sinh Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) nôn thốc nôn tháo sau khi xong màn cân trọng lượng trước giờ tranh tài tại giải vô địch quốc gia cách đây vài năm.

1402146509-boxing-02

Số là trước giờ được gọi lên bàn cân để xác định có đủ trọng lượng đúng quy định để thi đấu hay không, T. vẫn thiếu vài trăm gram so với tiêu chuẩn. Dù trước đó VĐV này đã ăn rất nhiều và toàn đồ bổ để tăng trọng nhưng không hiểu sao đến sát giờ tranh tài vẫn chưa đủ trọng lượng cần thiết. Thế là chàng lực sĩ đánh liều mua 2 chai nước suối loại 1 lít nốc đầy bụng rồi gồng mình chờ, cân xong vội vọt thẳng vào nhà vệ sinh xử lý hậu quả.

Một trường hợp khác, để đôn cân cho vừa hạng, võ sĩ N.H.L (môn pencak silat) thậm chí còn biến chiếc áo đấu nặng thêm…5 kg bằng hai cục sắt giấu trong áo. Thậm chí một đồng đội của anh từng nhét cả sắt vào quần lót để tăng trọng lượng.

Về chuyện này, chính một trọng tài kể lại rằng vài năm trước việc kiểm tra trọng lượng còn thiếu chặt chẽ. Có trọng tài bắt VĐV phải cởi hết quần áo ra chỉ mặc đúng cái quần lót mỏng dính để cân, nhưng cũng có trong tài lại du di cho phép VĐV mặc luôn đồ thi đấu lên cân. Vì vậy mà N.H.L đã chớp lấy cơ hội đẩy trọng lượng của mình lên nhằm đạt thành tích ở hạng cân cao hơn. Trên thực tế, nhiều hạng cân lớn thường ít VĐV thi do không đủ cân nặng và cũng do lớn con, xoay trở kém nên tư thế luôn nặng nề. Càng ít người tranh giành càng dễ đoạt giải. Chuyện chạy theo thành tích của VĐV có cả sự “tiếp tay” của không ít người có trách nhiệm.

Mặc áo mưa đi giữa trưa nắng

Đôn cân là thế, còn ép cân gian khổ không kém. Cựu võ sĩ vovinam xinh đẹp Thân Lại Kim Ngân hiện chuyển sang chơi muay cho biết năm 2006 cô từng ép gấp 7 kg để từ 55 kg xuống đấu hạng cân 48 kg tại giải trẻ. Lý do: sau khi nghiên cứu các đối thủ, HLV của cô cho rằng đấu hạng 48 kg dễ lấy huy chương hơn. “Còn 3 ngày đấu mà em vẫn dư gần 4 kg, vậy là tăng cường vận động trong điều kiện mặc nhiều áo khoác như áo mưa. Nắng chang chang cũng mặc áo mưa, người ta nhìn tưởng mình khùng”, Kim Ngân bảo. Ép cân thành công nhưng do quá gấp nên đấu được vài trận, Ngân suy giảm thể lực nhanh chóng, tay chân bủn rủn và từ ứng viên vô địch thành xếp hạng 3 chung cuộc. Đó là bài học nhớ đời mà sau này khi chuyển sang đấu muay, cô không mạo hiểm trong ép cân quá gấp như vậy.

ep-can-d
Võ sĩ Thân Lại Kim Ngân từng suy giảm thể lực do buộc phải ép cân

Một VĐV môn thể hình từng tiết lộ về “thần dược” giúp ép cân rất nhanh là thuốc lợi tiểu. Uống thuốc này, VĐV đi tiểu liên tục, rất nhanh sụt ký. Thế nhưng đây là loại thuốc nằm trong danh mục cấm của WADA (Ủy ban Phòng chống doping thế giới) nên các VĐV tuyệt nhiên không dám sử dụng ở những giải quốc tế có kiểm tra doping. Tuy nhiên do luật lệ các giải thi đấu trong nước không chặt nên có những VĐV chạy theo thành tích để đáp ứng yêu cầu của đơn vị, địa phương đã “lách luật” bằng cách uống thuốc lợi tiểu, và thực tế họ đã giành được vài kết quả đáng kể.

Chuyện này chỉ chấm dứt khi đồng đội phát hiện và cảnh báo lên HLV, đồng thời bản thân họ bị nhiều tác dụng phụ, nhất là việc đi tiểu liên tục khiến cơ thể mệt mỏi do mất nước, thi đấu trong trạng thái kém tập trung và dĩ nhiên không thể duy trì được thành tích. Chính vì vậy chuyện sử dụng thuốc lợi tiểu tạm chấm dứt, nhưng cũng không ai dám khẳng định trong tương lai sẽ không có ai xài, nhất là khi việc phát hiện và xử lý của khoa học thể thao VN còn quá yếu.

HLV Huỳnh Hữu Chí của đội cử tạ nói rằng: “Chuyện đôn trọng lượng, ép cân không phải là mới mẻ của thể thao VN vì nó đã trở thành chuyện thường ngày khi VĐV bước vào thi đấu nhằm đảm bảo phù hợp với hạng cân mình đăng ký. Nhưng trong thực tế có quá nhiều người đã lạm dụng tạo ra những sự kinh hoàng, những chuyện hết sức lạ lùng và như tấu hài vậy”.

Theo Hoàng Lê (Thanh Niên Online)