Nhiều người cho rằng các môn võ combat sport (thể thao đối kháng) chỉ có giá trị thể thao trên võ đài, không thể sử dụng trên võ đài. Liệu đó có phải sự thật?
“Đơn thương độc mã” võ sĩ Boxing đấu với 15 thanh niên
Cách dùng Judo xử lý tình huống Clinch trong tự vệ
Trước hết, cần hiểu rằng nhiều môn combat sport ngày nay xuất xứ từ võ thuật truyền thống, “sinh tồn” qua nhiều biến cố chiến tranh lịch sử để tồn tại được đến ngày nay. Muay Thái đã từng là linh hồn của các chiến binh Xiêm cổ, Jiujitsu cũng từng giúp các Samurai sống sót khỏi những cuộc tử chiến và kỹ thuật Taekwondo đúc kết từ hàng trăm năm chiến tranh liên miên của người Triều Tiên. Kể cả Boxing – môn võ vốn mang tính thể thao từ thời cổ đại cũng được quân đội ngày nay sử dụng để đào tạo kỹ năng chiến đấu.
Thể thao là hình hài hiện đại của võ thuật, giúp võ thuật tồn tại một cách an toàn và phổ biến hơn. Nếu biết cách khéo léo “bóc” lớp vỏ thể thao ấy bạn sẽ tìm thấy những vũ khí tự vệ hiệu quả.
SÁT THƯƠNG
Combat sport phải loại bỏ rất nhiều đòn thế hiểm hóc của võ thuật truyền thống. Tuy nhiên, môi trường thi đấu thể thao căng thẳng buộc người tập phải tối ưu hóa sát thương gây ra để dễ dàng và nhanh chóng có được chiến thắng. Tuy chỉ sử dụng các đòn thế đả thương cơ bản, combat sport vẫn gây ra sát thương lớn, thậm chí những pha đòn chết người vẫn thường xuyên xảy ra.
CÁC YẾU TỐ THỂ CHẤT
Một lần nữa, yếu tố cạnh tranh của thể thao khiến combat sport giúp người tập luyện có khả năng tự vệ cao. Combat sport thường bị chỉ trích “Quá nhiều luật lệ, điều cấm, không giống với thực tế”. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng mọi yếu tố thể chất như tốc độ, phản xạ, thể lực, độ chính xác và sức chịu đòn của người tập combat sport đều hơn hẳn những người tập tự vệ kiểu “gạt gạt múa múa” cho có.
BÌNH TĨNH
Nhiều bộ môn, CLB tự xưng “dạy tự vệ” nhưng hoàn toàn không rèn được cho người tập một tâm lý phù hợp khi đối đầu với sự cố thực sự. Trong khi đó, các võ sĩ Boxing, Muay Thái… đều phải đối mặt với áp lực tâm lý từng giây từng phút trên võ đài. Combat sport buộc người tập phải giữ vững sự tập trung và bình tĩnh dù bị đối thủ “tẩn” thê thảm đến mức nào. Rõ ràng, đây chính là điều bạn cần để tự vệ tốt.
LỜI KHUYÊN TỰ VỆ TỪ COMBAT SPORT
Ngày nay, có nhiều bộ môn võ thuật hoặc chỉ đơn giản là các CLB tự phát nghiên cứu và giảng dạy kỹ thuật “tự vệ”. Kiểu huấn luyện sơ sài, hời hợt và không ý thức được nguy hiểm thực sự là một trong những điều bị giới võ thuật nước ngoài, bao gồm cả các trung tâm tự vệ hàng đầu đặc biệt chỉ trích.
Thay vì quá tập trung vào các đòn thế phức tạp, thiếu khoa học, thiếu tập luyện chuyên sâu, bạn cần sự vượt trội trong thể chất và tinh thầnn để xử lý được các tình huống xấu. Bên cạnh các bộ môn, kỹ thuật chuyên dùng để tự vệ, tập luyện combat sport là cách hay để bạn có được sự vượt trội đó.
Chia sẻ về vấn đề tự vệ bằng combat sport, ông Nguyễn Thanh Huy (Ủy viên Ban Thường vụ/Phó Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật phụ trách mảng phong trào Liên đoàn Taekwondo Việt Nam) cho biết: “Nếu quá phụ thuộc vào thói quen thi đấu thể thao, rất khó để sử dụng võ thuật trong tự vệ thực tế. Tuy nhiên, tập luyện võ thuật đối kháng thể thao vẫn giúp ta tự vệ tốt hơn những người không tập rất nhiều. Cần duy trì tập luyện đều đặn các bộ môn võ thuật như vậy để rèn luyện sức khỏe, giữ gìn sức mạnh và phản xạ để sẵn sàng tự vệ trước nhiều tình huống ngày càng phức tạp và nguy hiểm trong xã hội ngày nay. Tôi tin rằng cú đá của Taekwondo có thể tự vệ trên đường phố, nhưng nếu quen kiểu thể thao “chọt chọt” cho có để kiếm điểm theo quan niệm một số HLV như như bây giờ thì… quên chuyện đó đi”.
Hồ Võ