Hơi thở và phương pháp thở được các môn thể dục, thể thao và võ thuật đặc biệt chú trọng, nói chung là các môn vận động, kể cả thể dục dưỡng sinh và y võ dưỡng sinh. Bình thường con người không để ý hơi thở là trọng, vì đó là tự nhiên nhưng đến khi ở trong môi trường hoặc hoàn cảnh thiếu thở (không đủ dưỡng khí) thì mới ý thức rằng hơi thở cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Phương pháp dạy một bài quyền Võ cổ truyền
Phương pháp đàn hồi và thả lỏng cơ bắp
Thuật ngữ gọi cách thở của các môn võ là khí pháp. Khí pháp là một trong những pháp công hình thành nên võ thuật vì khí pháp cùng các bộ căn bản khác tạo nền móng vững chắc cho sự hoàn thiện một chu trình tập luyện và thể hiện công phu môn võ của người tập. Võ thuật có câu: “Dùng ý dẫn khí, vận khí hóa kình”, đó chính là đỉnh cao công năng của hơi thở. Khái niệm về kình trong võ thuật cổ truyền chính là lực tạo ra do khí đi vào hệ cơ bắp trong một cơ chế sinh học đặc biệt và lực là hệ quả tất yếu của quá trình phát kình với các hiệu ứng mang tính vật lý, đó là tạo ra áp lực lên đối tượng và gây ra tác động ớ các mức độ và mục đích khác nhau. Nói một cách dễ hiểu là đòn đánh ra có một sức xuyên phá lớn làm cho đối phương bị chấn thương.
Trong võ thuật nhấn mạnh “tâm hợp ý”, “khí hợp lực”, khí cần trầm lặng, dùng khí đẩy lực, cho nên chức năng hô hấp có ảnh hưởng rất đặc biệt. Hơi thở trong luyện tập võ thuật theo sự biến hóa của các động tác mà thành, lúc nào hít vào, lúc nào thở ra đều có nguyên tắc. Ví dụ khi thực hiện các động tác gập thân thu lại, hoặc đưa mình lên, co tay về, đưa chân lên để đá ra thì hít vào. Khi thực hiện các động tác hạ mình xuống hoặc kết thúc động tác đá chân, đấm tay và các động tác khác đi đến dứt điểm đều thở ra và yêu cầu động tác thở sâu, dài, nhẹ nhàng. Nguyên tắc cơ bản về hơi thở của luyện tập võ thuật là “động hấp, tịnh hô”.
Tập luyện hơi thở trong võ thuật có phương pháp sẽ nâng cao được lượng khí trao đổi làm tăng cường thể chất, gia tăng phế hoạt lượng của phổi và tiêu trừ sự ứ huyết trong cơ thể. Y học võ cổ truyền cho rằng thở bụng như một hài nhi là lối thở tự nhiên chưa bị tác động bởi cuộc sống, cách sống, ảnh hưởng tới lượng khí ra vào phổi. Đó là lối thở đúng nhất để hoà hợp với thiên nhiên. Thuật ngữ chuyên môn y võ gọi cách thở này là hiệp khí.
Ngay trong các bài tập khởi động cũng chính là quá trình chuẩn bị cho cơ thể trước khi tập luyện hay thi đấu về thể chất, tinh thần và trí lực, yếu tố tiên quyết vẫn là hơi thở. Chính hơi thở làm cho hệ tim mạch hoạt động tăng lên nhằm đưa máu đủ vào các cơ, khớp và các chi trên toàn thân; hệ xương, khớp, thần kinh được dẻo dai, linh hoạt; tinh thần được tập trung.
Ngoài những công năng đặc dị của các dị nhân võ thuật về khí công đặc dị, nội công đặc dị và những công phu khác thì ở góc độ của một người tập võ bình thường hơi thở giúp ích thiết thực trong lãnh vực quyền thuật và đối kháng. Bởi vì khi người tập kiểm soát và làm chủ được hơi thở thì tinh thần sẽ tập trung, lực phát có sức xuyên phá, giữ được thăng bằng cho cơ thể trong mọi tình huống.
Với đối kháng, ngoài các yếu tố cần thiết khác thì việc điều hoà hơi thở giúp trải dài sức chịu đựng trong một khoảng thời gian hợp lý để người thi đấu không bị “hụt hơi” lúc về sau và đòn thế kỹ thuật lúc nào cũng sắc bén có sức mạnh, sự linh hoạt không bị suy giảm, làm chủ được mình trong trận đấu. Chính vì vậy các võ sư thường huấn luyện cho học trò mình những bài tập kỹ thuật, thể lực khắc khe để tăng sức chịu đựng cơ thể qua hơi thở nhằm thích ứng với những trận đấu thực tế.
Các nhà nghiên cứu khoa học về hơi thở đánh giá việc tập võ là phương pháp vận động toàn thân giúp cho các bộ phận của cơ thể có dịp hoạt động đều, trong tập luyện lại kết hợp được hơi thở với các động tác mang lại lợi ích thiết thực cho tinh thần và thể chất.
Có thể bạn quan tâm: 20 phút mỗi ngày tập luyện tại nhà cho các võ sĩ Boxing
[jwplayer player=”1″ mediaid=”66990″]
Võ sư Trương Văn Bảo