Mách nhỏ cho người yêu thể thao

Không ít người bị đứt dây chằng khi đang đá bóng, luyện võ, tướng đi “chấm phẩy” sau khi chạy bộ không đúng cách… Vì thế, bạn đừng quá “say” thể thao mà phớt lờ những chấn thương có thể gặp phải.

Thực tế, nếu bạn chơi thể thao, khả năng cơ xương khớp bị tổn thương do chấn thương hoặc do vận động quá mức có thể xảy ra thường xuyên. Đôi khi vì xem thường, những tổn thương này có thể khiến bạn gặp những rắc rối không hề nhỏ.
kick
Ảnh minh họa
Khi té ngã, va chạm mạnh…
Khi chơi thể thao, bất thình lình bạn bị té ngã hay va chạm mạnh, cảm giác đầu tiên là đau tại nơi bị tổn thương, sau đó vết thương sưng, nóng và đỏ lên. Nhưng bạn ít khi ngờ đến, đằng sau bề mặt da đang sưng tấy có thể là những chấn thương ở xương, khớp, dây chằng, gân cơ:
Xương: Có thể bị gãy. Các kiểu gãy là gãy hở (có vết thương da thông với ổ gãy, có thể nhìn thấy xương) và gãy kín (không nhìn thấy xương gãy). Hoặc có thể bị tụ máu quanh màng xương.

Khớp: Trật khớp hoàn toàn hay một phần (loại nào cũng có thể làm tổn thương dây chằng và cấu trúc nâng đỡ khác). Ngoài ra còn dập, tụ máu quanh khớp.

Dây chằng: Chấn thương được chia thành 3 cấp độ:

Cấp độ 1: rách ít sợi, sưng đau, giới hạn vận động nhẹ.
Cấp độ 2: số sợi dây chằng rách nhiều hơn nhưng chức năng vận động cẫn còn đảm bảo. Có sưng đau, giới hạn vận động nhiều hơn.

Cấp độ 3: đứt hoàn toàn, sưng đau và mất chức năng vận động nặng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gân cơ: Chấn thương thường gặp nhất như: bong gân, dập cơ sâu, viêm cơ cốt hóa, ly giải cơ kịch phát. Trong đó, dập cơ sâu (thường ở đùi và cơ cánh tay khi chơi các môn thể thao có tính đối kháng hay phải va chạm) nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến viêm cơ cốt hóa với biểu hiện tạo xương lạc chỗ sau chấn thương từ 3 – 6 tuần. Trong từng trường hợp cụ thể, người chơi thể thao bị viêm cơ cốt hóa có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ xương lạc chỗ.

Tổn thương do vận động quá mức.

Các tổn thương khi vận động quá mức cũng xảy ra ở xương khớp, dây chằng, gân cơ nhưng nhẹ hơn so với chấn thương:

Ở xương: Gãy do mỏi (hầu hết là chi dưới và có thể gặp ở cột sống hay chi trên khi phải liên tục chịu lực) hoặc viêm mỏm xương (thường gặp ở những người chơi thể thao nặng khi xương chưa trưởng thành).

Ở khớp: Viêm bao hoạt dịch với biểu hiện sưng, nóng, đau, đôi khi kèm theo đỏ.

Ở dây chằng: Tổn thương khuỷu phía trong do tác động  quăng ném lặp đi lặp lại; tổn thương dây chằng bên trong đầu gối của người bơi ếch; viêm cân gan chân do bàn chân vận động quá mức như nhảy, xoay…

Ở gân cơ: viêm gân, viêm cơ hoặc viêm bao hoạt dịch gân.

Những tổn thương do vận động quá mức ngoài ý thức bảo vệ kém của người chơi thể thao còn có thể do những nguyên nhân khách quan khác tác động như hướng dẫn sai kỹ thuật, môi trường tập luyện không đảm bảo (quá nóng, ẩm, chật chội…), dụng cụ luyện tập bị hư hỏng hay không phù hợp. Do đó, bên cạnh việc lên thời khóa biểu tập luyện hợp lý, người chơi thể thao nên chọn những trung tâm luyện tập uy tín với trang thiết bị đạt tiêu chuẩn và có huấn luyện viên được đào tạo.

Nên và không nên trong xử trí tổn thương

Khi chẳng may gặp sự cố khi chơi thể thao, hãy tham khảo một số lời khuyên bổ ích sau:

Không nên tiếp tục chơi ngay sau khi vừa bị chấn thương, xoa bóp vùng tổn thương, chườm nóng sớm hoặc trở lại chơi khi chưa lành hẳn, hay lạm dụng thuốc giảm đau. Trong khi đó, nếu bạn không điều trị tận “gốc rễ” của tổn thương, hệ quả về sau sẽ rất khó tránh khỏi.

Nên dùng nẹp và các dụng cụ hỗ trợ khác với vùng bị đau. Ngoài ra cũng có thể đắp lạnh. Đặc biệt, vật lý trị liệu là một bước rất quan trọng khi không chỉ phục hồi những khiếm khuyết mà còn có thể giúp cơ thể giảm nguy cơ gặp tổn thương.
Theo Hải An – Sức Khỏe