Ikkyo osae waza (Ude Osae waza) dựa trên giáo trình của Doshu Moriteru
Kỹ thuật Osae waza là kỹ thuật bất động hóa đối phương trên phương diện khóa cánh tay, làm cho đối phương bị đau và tê liệt hoàn toàn, không có khả năng tấn công. Dựa trên khóa Ikkyo osae waza hay còn gọi là Ude osae waza:
– Ude, tiếng Nhật là cánh tay
– Osae waza, tiếng Nhật là bất động hóa (khóa, bẻ)
Chúng ta phân tích kỹ thuật này, dựa trên những nguyên lý khoa học sau đây:
1. Về cơ thể học
Con người được tạo hóa sinh ra đầu, cổ, mình và tứ chi, được kết nối với nhau qua những khớp xương, dây chằng, cơ bắp và các dây thần kinh. Khi một chỗ nào bị chấn thương hoặc sai khớp đều gây một trạng thái đau và không thể phát huy năng lực để hoạt động mạnh mẽ được. Như chúng ta đã biết, cánh tay được cấu thành từ đầu vai đến cùi chỏ, đến cổ tay, đến bàn tay và ngón tay. Với chức năng đầu vai xoay chung quanh từ trước ra sau và ngược lại được khi cánh tay buông lỏng không dang ngang. Cùi chỏ gập lại phía trước và duỗi thẳng ra được nhưng không gập ngược ra sau được.
Xem hình:
Trong kỹ thuật Ude osae waza, chúng ta hãy tập trung khống chế ngay vào cùi chỏ của đối phương, nơi trung gian điều khiển của cánh tay, bằng cách đè mạnh vào cùi chỏ và bẻ ngược cổ tay của đối phương lên phía trên là toàn bộ cơ thể của đối phương bị khống chế. Do lúc cánh tay bị duỗi ra, đầu vai bị gắn chặt vào bả vai qua ổ vai, cơ thể của đối phương bị chúi xuống dưới, không thể cưỡng lại được.
2. Về tâm lý học
Trong giáo trình Doshu luôn thể hiện Atemi trước khi thực hiện kỹ thuật tự vệ. Đó là yếu tố quan trọng đầu tiên để ngăn chặn sự sung mãn, hung hăng của đối phương khi tấn công ta.
Như chúng ta đã biết về tâm lý, khi đối phương trong trạng thái thịnh nộ, muốn tấn công hạ gục bạn, đối phương sẽ tấn công thần tốc, tốc độ nhanh để đạt được mục đích. Ta rất khó khăn để có thể hòa vào dòng năng lượng đó. Vì vậy, để làm cho sự di chuyển của đối phương bị trì hoãn, dòng khí lực cũng như sự tập trung năng lượng của đối phương bị giảm sút, chúng ta cần phải sử dụng Atemi vào chính diện mặt của đối phương. Điều này làm cho đối phương phải tránh né, bằng cách ngả đầu ra phía sau hoặc đưa tay lên đỡ đòn, lập tức ta tiến vào đối phương hợp với dòng khí và dẫn lực của họ theo đường cong, khiến cho đối phương bị mất trọng tâm, mất thăng bằng và đi theo sự kiểm soát của bạn.
Để giải thích điều này, chúng ta hãy hình dung, giả sử bạn đang đứng sau một tấm kính trong suốt an toàn, có một người nào đó ném một trái banh tennis vào tấm kính đó thật nhanh và mạnh mẽ, ngay lập tức bạn sẽ nghiêng đầu qua trái hoặc qua phải hay ngồi thụp xuống để né tránh, mặc dù bạn biết rõ có tấm kính che đỡ trước mặt bạn. Đó là tâm lý tự nhiên của con người.
3. Về vật lý học
Trọng lực và khối lượng
Trọng lực là sức hút của trái đất, mọi vật thể và con người, động vật đứng vững trên trái đất là nhờ trái đất quay tạo ra sức hút và sinh ra khối lượng, sức nặng của một vật thể.
Nguyên lý rơi tự do
Một vật ở độ cao nào đó đã được xác định khối lượng, sức nặng của nó ở vị trí đó, khi nó bị rơi khỏi độ cao đó thì sức nặng của nó được tăng dần lên cho đến khi nó chạm tới vị trí cuối cùng, thì nó trở lại khối lượng ban đầu của nó. Ví dụ: bạn cân nặng 50kg, bạn đứng trên bàn cân và nhún mạnh xuống, sức nặng của bạn sẽ được tăng thêm khoảng 2-3kg rồi trở lại sức nặng ban đầu là 50kg. Dựa trên nguyên lý này, khi thực hiện kỹ thuật Ude osae, muốn ấn đè làm ngã đối phương nặng ký hơn mình, bạn chỉ cần thả người xuống nhẹ nhàng là sức nặng của ta đè lên cánh tay của đối phương, làm cho đối phương phải ngã xuống.
Nguyên lý vòng tròn chuyển động
Một vật thể xoay tròn chung quanh một trục của nó tạo ra một năng lực bao quanh nó. Như chúng ta biết, trái đất xoay tròn tạo ra bầu khí quyển bao bọc bảo vệ nó. Aikido dựa trên nguyên lý này trong kỹ thuật Tenkan taino henko 90o, 180o, 320o và 360o, khi chúng ta xoay Tenkan như vậy sẽ tạo ra một năng lực bao quanh ta.
Hai vật thể khác tâm cùng nằm trên một bán kính, khi một vật nào đó xoay có khuynh hướng kéo theo vật kia cùng xoay và khi đi đến sự tách rời nhau tạo ra lực ly tâm. Áp dụng nguyên lý này trong kỹ thuật Ikkyo ura, ta di chuyển ra phía sau đối phương (Cánh tay không gập, Oranaite) hình thành một bán kính không đổi từ vai đến cổ tay, vẽ một vòng tròn chuyển động hình xiên xoắn ốc cuốn hút đối phương đi theo hướng chuyển động của mình.
Nguyên lý tự vệ (Irimi, Kaiten) với kỹ thuật Ikkyo osae waza
Irimi: là nhập nội
Kaiten: là mở hướng
Trong nguyên lý kỹ thuật tự vệ của Aikido, chúng ta cần nhận định rõ khoảng cách (Maai) giữa ta và đối phương đang đứng đối diện nhau xa hay gần, khi nào thì di chuyển Omote, khi nào thì sử dụng Ura. Để dễ nhận diện cách tập luyện, với khoảng cách gần ta nhập nội (Irimi), sử dụng ngay bộ pháp di chuyển (Tsugi ashi, Ayumi ashi) lấn tới trực diện đối phương, chặn đứng ngay khi đối phương chuẩn bị phát lực. Nếu đối phương tấn công bằng Shomen uchi chúng ta thực hiện kỹ thuật Ikkyo omote, nếu đối phương tấn công bằng Yokomen uchi chúng ta sử dụng kỹ thuật Ikkyo ura.
Với khoảng cách xa đối phương đã phát lực ta cần phải sử dụng bộ pháp Tenkan mở hướng đi (Kaiten) cho đối phương lỡ trớn mất thăng bằng, bị cuốn theo lực (Tenkan) của mình. Nếu đối phương tấn công Shomen uchi chúng ta thực hiện kỹ thuật Ikkyo ura, xoay Tenkan 320o với nguyên lý lực ly tâm. Nếu đối phương tấn công Yokomen uchi chúng ta mở hướng (Tenkan) 90o cùng hướng lực của đối phương (Ki musubi) và thực hiện kỹ thuật Ikkyo omote. Và luôn luôn phải nhớ, thực hiện kỹ thuật của Aikido, phải liên tục xuyên suốt không ngừng như dòng nước chảy (Kino nagare) thì mới có thể khống chế đối phương mộtcách nhẹ nhàng và hoàn mỹ.
Huỳnh Chánh (sưu tầm)