Có thể chắc rằng, sự thành bại của một người học võ phụ thuộc vào vị võ sư dạy dỗ họ có đúng hướng hay không. Tuy nhiên ở thời buổi hiện nay, tiền bạc đã khiến nhiều người dạy võ không làm đúng theo nghĩa là “thầy”. Dưới đây là một số đặc điểm về người thầy dạy võ có tâm, giúp bạn thành công trong việc luyện tập.
Chế độ ăn uống hiệu quả trong võ thuật
Vũ khí đặc dị: Gunstock war club – gậy chiến hình báng súng
Người thầy nghiêm khắc
Tùy vào mong muốn của bạn mà người thầy sẽ dạy theo phương pháp cứng rắn hay mềm mỏng. Nếu chỉ đơn thuần “luyện cho vui”, thì tương đối dễ thở, sẽ được các đàn anh hướng dẫn, không thúc ép bạn tập luyện. Còn nếu bạn tập thực sự để thi đấu, người thầy sẽ ép bạn vượt qua giới hạn của bản thân qua những bài tập sức bền, sức mạnh và kỹ thuật. Họ ép bạn đơn giản vì không muốn bạn làm “bao cát” trên sàn đấu, bạn cần đủ đam mê để theo đuổi hoặc dừng lại.
Mỗi học trò dạy mỗi kiểu khác nhau
Học võ không phải học chữ, mỗi người cơ địa khác nhau, mỗi người có cách tập khác nhau. Người thầy thực sự giỏi sẽ nhìn ra được điểm yếu và điểm mạnh để có phương pháp dạy phù hợp nhất. Lấy ví dụ như một môn sinh có chiều cao vượt trội, sải tay hơn hẳn những võ sĩ cùng hạng cân, chẳng người thầy nào lại bắt võ sinh này đánh theo lối tấn công áp sát cả.
Bắt buộc phải thực chiến
Hiện nay nhiều bậc phụ huynh muốn con mình học võ để tự vệ nhưng lại không muốn thấy con mình tập đối kháng, điều này cũng dễ hiểu rằng không một người cha người mẹ nào muốn con mình bị đau cả. Nhưng đối với một người dạy võ, không cho môn sinh thực nghiệm môi trường va chạm thực tế là điều hết sức nguy hiểm. Họ có thể dạy bạn đòn đánh như thế này như thế kia, nhưng thực hiện được đòn thế hay không là hoàn toàn tùy thuộc do bạn nếu không được đối luyện thì chắc chắn ngoài thực tế bạn sẽ không tự vệ được.
Sức mạnh là nền tảng của võ thuật
Một số người thầy ba hoa về võ phái có công phu đáng gờm, hay kỹ thuật giao chiến của bổn phái là tinh hoa võ học,… Nhưng lại không bao giờ nói đến tầm quan trọng của sức mạnh thể chất. Bất kỳ môn võ nào muốn “dụng” thì cần có “lực” trong đó, có một ví dụ hài hước rằng: “Một con kiến đai đen Karate vẫn không thể nào thắng một con voi”. Ở đây có ý nói dù kỹ thuật có cao mấy nhưng không có sức mạnh thì vẫn thất bại. Ngoài ra, luyện tập thể chất là cách nhanh nhất để người luyện võ mạnh lên, còn kỹ thuật bạn cần thời gian rất lâu để hiểu và áp dụng được.
Không ngại chấp nhận thua kém hơn học trò
Tuy đào tạo được học trò giỏi hơn mình là một điều đáng hãnh diện, nhưng không ít thầy “dỏm” lại không tự nhận điều đó. Họ ôm cái tư tưởng học trò không được vượt mặt thầy, nếu học trò vượt qua mình thì sẽ mất uy danh. Thật kỳ lạ, có lẽ đó là suy nghĩ hạn hẹp của một số người dạy võ không có tài cán.
Quang Lữ