Trên võ đài hay thảm đấu có 3 chấn thương rất thường gặp mà nếu Trọng tài Y tế cấp cứu không hiệu quả trong vòng một phút thì bắt buộc phải ngưng trận đấu hoặc giả cũng chấn thương ấy mà lặp đi lặp lại 3 lần trong một hiệp hoặc 4 lần trong một trận cũng phải cho ngưng trận đấu.
1. Chảy máu mũi
-Nên hướng dẫn nạn nhân ngước mặt lên trời, há miệng ra thở (không thở bằng mũi) sau đó lấy bông lau khô máu rồi vê một miếng bông khác nhét vào lỗ mũi bị chảy máu, miếng bông còn ló đầu ra ngoài một tí để dễ lấy ra. Thông thường chỉ chảy máu một bên mũi nhưng nếu chảy cả hai bên thì nhét mỗi bên một miếng bông gòn.
-Tiếp tục dùng hai ngón cái hoặc hai ngón trỏ cùng lúc bấm vào huyệt Thượng tinh và huyệt Phong phủ từ 10 – 15 giây, mỗi tay bấm một huyệt máu sẽ cầm chảy tức thì; bởi đây là hai huyệt đặc trị chảy máu mũi.
Huyệt Thượng tinh ở trên đường chính giữa đầu, phía sau chân tóc trán 1 thốn.
Huyệt Phong phủ ở chỗ lõm giữa gáy, trên chân tóc 1 thốn, giữa khe xương chẩm và đốt sống cổ1.
Thốn tức đồng thân thốn hay còn gọi là tấc là cách định huyệt dựa vào ngón tay của bệnh nhân mà Đông y sử dụng.
Lấy bề rộng đốt đầu của ngón tay cái làm 1 thốn.
2. Chấn thương hạ bộ (tinh hoàn)
Thường xảy ra với 3 mức độ : nhẹ, vừa và nặng.
a. Nhẹ : nạn nhân bị đau đớn
-Hướng dẫn nạn nhân nhún chân nhảy lên cao rồi rơi xuống sàn đài hay thảm đấu bằng hai gót chân 1 hoặc 2 lần là xong.
b.Vừa : Nạn nhân bị choáng
-Đứng phía sau dùng hai tay xốc nách phụ đỡ nạn nhân nhảy lên rồi rơi xuống bằng hai gót chân. Nếu nạn nhân không thể đứng được thì cho ngồi, hai chân duỗi thẳng về phía trước. Sau đó đứng phía sau dùng hai tay xốc nách nâng nạn nhân lên khỏi mặt đất chừng 20 – 30cm rồi thả rơi xuống nhưng vẫn còn ôm nhẹ để nạn nhân khỏi ngã. Làm như vậy một vài lần có hiệu quả.
c.Nặng : Khi nạn nhân bất tỉnh
– Dùng ngón tay cái bấm các huyệt: Nhân trung, Bách hội, Hợp cốc cho nạn nhân tỉnh lại. Lúc này sẽ có người đến phụ tháo gở nón bảo hiểm, bọc răng, găng, giáp (tuỳ môn võ), nới lỏng lưng quần.
-Hướng dẫn nạn nhân nằm ngửa, tay trái nắm cẳng chân kéo thẳng ra, tay phải dùng đầu xương cổ tay trong (Long trảo) đánh mạnh vào gót chân nạn nhân từ 1 – 3 cái rồi cũng làm như vậy cho chân bên kia. Trường hợp này thì trận đấu khó có thể tiếp tục vì sẽ quá 1 phút cho cấp cứu.
Huyệt Nhân trung ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh môi trên (rãnh Nhân trung).
Huyệt Bách hội ở giao điểm của đường nối hai đỉnh vành tai và đường dọc qua giữa đầu.
Huyệt Hợp cốc ở chỗ lõm giữa bờ phía xương quay của xương bàn tay. Khép ngón tay cái vào ngón trỏ, trên đỉnh của mô cơ vùng hổ khẩu ấn vào có cảm giác tê tức là đúng huyệt.
3.Trật khớp cánh tay
Nguyên tắc của sửa khớp là: trật khớp xuống dưới thì phải kéo lên trên, trật khớp ra trước thì phải kéo ra sau và trật khớp ra sau thì phải kéo ra trước để khớp trở về nguyên trạng. Khớp cánh tay thường trật xuống dưới, trật ra trước và trật ra sau.
1. Trật xuống dưới (đặt giả thuyết nạn nhân bị trật khớp cánh tay phải)
– Đứng đối diện cánh tay phải nạn nhân, tay trái nắm cổ tay nạn nhân chịu lại, tay phải dùng cẳng tay lòn vào nách nạn nhân kéo mạnh sẽ nghe một tiếng “cụp” là khớp đã vào rồi.
2. Trật ra trước :
– Đứng phía trước nạn nhân, tay trái nắm cổ tay phải nạn nhân kéo về trước đồng thời tay phải nắm chỗ bả vai rồi dùng ngón cái đẩy mạnh đầu xương cánh tay sẽ nghe một tiếng “cụp” là khớp đã vào rồi.
3. Trật ra sau :
-Đứng phía sau nạn nhân, tay phải nắm cổ tay phải nạn nhân kéo về sau đồng thời tay trái nắm chỗ bả vai rồi dùng ngón cái đẩy mạnh đầu xương cánh tay sẽ nghe một tiếng “cụp” là khớp đã vào rồi.
Vothuat.info (võ sư Nguyễn Tấn Xuân)