Những mục tiêu hiểm yếu trong võ thuật (kì 2)

Kì 2: Huyệt vị hiểm yếu với võ thuật

Vị trí của các huyệt đạo ứng dụng trong võ thuật đã được xác định từ ngàn xưa, cùng với lịch sử võ học và những tác dụng của chúng, ta đã ứng nghiệm qua thực tiễn chiến đấu. Gần đây, Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ A.M.A (American Medical Association) hằng năm đăng tải trong niêm giám của hội (Annals) những công trình nghiên cứu của các nhà sinh học công nhận sự xác thực đúng đắn của các huyệt vị ứng dụng trong võ thuật.

huyetvitrongvothuat1

1. THÁI DƯƠNG: thuộc vùng mặt ở lõm phía ngoài đuôi mắt một thốn, có thần kinh vận động cơ và thần kinh sọ não đi qua. Bị chấn thương nhẹ, người xây xẩm, nếu mạnh có thể tử vong.

2. BÁCH HỘI: ở đỉnh đầu, chỗ lõm giao điểm của đường nối hai đỉnh vành tai và đường dọc qua giữa đầu, có thần kinh thông qua. Bị va chạm hay bị áp lực mạnh, người ngất xỉu.

3. NGHINH HƯƠNG: thuộc vùng mặt, ở phía ngoài chân cánh mũi 1/3 thốn trên đường ngang cánh mũi, có thần kinh vận động cơ, nhánh của dây thần kinh sọ não thông qua. Chỉ cần bị va nhẹ cũng làm cho người đau đớn.

4. PHONG TRÌ: thuộc vùng gáy, lõm phía sau gáy tạo thành do bờ ngoài cơ thang, bờ trong cơ ức đòn chũm bám vào đáy hộp sọ, có nùi dây thần kinh cổ, thần kinh chẩm lớn và thần kinh dưới chẩm thông qua. Bị va chạm, người đau đớn, dễ ngất xỉu.

5. NHĨ MÔN: thuộc vùng tai, ở lõm trên dưới nắp tai, có dây thần kinh mặt và dây thần kinh sọ não đi qua. Bị chấn thương, người hôn mê.

6. GIÁP XA: thuộc vùng mặt, ở góc xương hàm dưới, chỗ cơ nổi lên khi cắn răng, có nùi dây thần kinh sọ não thông qua. Bị va chạm, người đau đớn tột cùng.

7. HỢP CỐC: ở vùng bàn tay, khi khép ngón cái vào ngón trỏ, huyệt nằm chỗ đỉnh mô cơ vùng hổ khẩu, thần kinh vận động cơ, nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay. Bị bấm trúng, người đau đớn.

Hệ thống huyệt vị trong võ thuật
Hệ thống huyệt vị trong võ thuật

8. KIÊN TRUNG: thuộc vùng vai, khi giơ ngang cánh tay ra, huyệt ở chỗ trũng của mỏm vai, có chi nhánh thần kinh mũ. Bị chấn thương, tay tê liệt.

9. THIẾU HẢI: thuộc vùng khuỷu, ở đầu trong lằn ngang khuỷu, có nhánh dây thần kinh cánh tay và dây thần kinh trụ thông qua. Bị va chạm, cánh tay đau đớn và tê.

10. TIỂU HẢI: thuộc vùng khuỷu, gấp khuỷu tay, huyệt ở ngay rãnh trụ, có nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay đi qua. Bị chạm, cánh tay đau đớn và tê.

11. KHÚC TRÌ: thuộc vùng khuỷu, khi gấp tay, huyệt ở đầu phía ngoài nếp gấp một thốn, có nhánh của dây thần kinh quay đi qua. Bị chấn thương, cánh tay tê liệt.

12. TÚC TAM LÝ: thuộc vùng cẳng chân, từ bờ dưới xương bánh chè đo xuống ba thốn, và cách mào xương chày một thốn, huyệt ở chỗ trũng hai gân, có nùi dây thần kinh hông, dây thần kinh chày đi trước đi qua. Bị va chạm, người đau đớn.

13. HUYẾT HẢI: thuộc vùng đùi, từ góc trong xương bánh chè đo lên hai thốn, có nùi dây thần kinh đùi thông qua. Bị va chạm, chân đau đớn tê liệt.

14. BỘC THAM: thuộc vùng bàn chân, lõm ở bờ trên mặt ngoài xương gót chân, huyệt ở sát bờ trên xương gót và thẳng huyệt Côn Lôn (chỗ lõm phía sau mắt cá ngoài) xuống, có nùi dây thần kinh cơ da và dây thần kinh chày sau. Bị va chạm, nguyên bàn chân đau đớn.

15. ƯNG SONG: thuộc vùng ngực, ở giữa chỗ lõm, cách đường giữa ngực ba thốn, có nùi dây thần kinh ngực to, ngực bé, thần kinh nách, thần kinh gian sườn thông qua. Bị chấn thương, người choáng váng.

16. THIÊN KHU: thuộc vùng quanh rốn, từ rốn đo ngang ra hai thốn, có nùi dây thần kinh gian sườn dưới, thần kinh bụng – sinh dục. Bị chạm mạnh, nội tạng tổn thương dễ nguy hiểm tính mạng.

17. KINH MÔN: thuộc vùng eo lưng, dưới đầu xương sường số 12, có sáu dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng – sinh dục thông qua. Bị chạm, người đau đớn vô cùng.

Các vùng huyệt đạo bị tấn công có thể bằng ngón thọc, mổ – lóng co lại gõ – chưởng, vỗ, chém – cùi chỏ đánh – đầu hay vai húc – chân đá, đạp (nhằm vào các huyệt vị thuộc chi dưới).

Thiện Tâm (theo sổ tay võ thuật)