“Nhuyễn” là mềm, “tiên” là roi, một thứ dùng trong hình phạt ngày xưa để đánh người, roi đánh ngựa gọi là roi trun, roi là đồ binh rèn bằng sắt, thép gọi là thiết tiên. Thuật ngữ “nhuyễn tiên” (tiếng Anh là Soft whip, tiếng Hoa là Bian) dùng chỉ chung cho các loại hình binh khí mềm, uyển chuyển như miên thằng (miên là dài, thằng là sợi dây), khăn quấn đầu (đầu cân), khăn quàng cổ, dải lụa đào, dây thắt lưng, chuỗi tiền, dây xích sắt, phất trần, xà vĩ tiên, lưu tinh chùy… Trong quân đội có một loại dây lưng bằng bố dày, bản lớn khoảng 10cm, hai đầu móc lại với nhau bằng móc sắt (dùng đeo đạn, lựu đạn và một số thiết bị quân sự khác) gọi là “ceinture ronde”, trong tình huống mưu sinh thoát hiểm, “ceinture ronde” là một loại khí giới rất hiệu quả.
Dây xích là nhuyễn tiên trong Võ cổ truyền, do đầu tiêu, tay nắm, một số đốt sắt, vòng sắt tròn nối lại với nhau mà thành. Nhuyễn tiên có thể đánh, quật, móc, khóa, trói… Người giỏi dùng nhuyễn tiên có thể thắng đuợc các loại binh khí khác. Thật ra Võ cổ truyền không phải chỉ có “roi mềm” mà có cả “roi cứng”; roi mềm là “nhuyễn tiên”, roi cứng là “ngạnh tiên”.
Nhuyễn tiên có loại bảy đốt (thất tiết kim tiên), chín đốt (cửu tiết kim tiên), mười ba đốt (thập tam tiết kim tiên) nhưng thường gọi là chín đốt. Nhuyễn tiên có thể đánh vung ra một vùng rộng, xoay quanh một vầng, thu về một nắm, phóng ra uốn lượn như rồng bay, phụng vũ, uy phong như mãnh hổ, thu về gọn gàng, nhanh chóng, kín đáo; có thể tấn công dài, ngắn, xa, gần đều thích hợp. Nhuyễn tiên mang theo người thuận tiện, thu nắm trong tay hoặc quấn quanh hông, khi cần dùng chỉ cần lắc nhẹ đầu mối là có thể huy động được ngay. Nhuyễn tiên lấy chuyển động vòng tròn làm chính, sức công phá trên nguyên lý ly tâm, là một loại binh khí mềm nên dễ quấn bắt, cột trói… nhờ vào sự linh hoạt của cánh tay, cổ tay và cơ bắp phối hợp các phần trên thân thể, bộ pháp, thân pháp mà tấn công mục tiêu và thay đổi phương hướng của tâm vòng tròn sử dụng. Chiều dài của nhuyễn tiên tùy theo sở trường của người sử dụng.
Ngạnh tiên có loại là gang đốt trúc, thường được gọi “trúc tiết cương tiên”, hình như gốc tre, trúc; loại khác là gang mài, thường được gọi “thủy ma cương tiên”, không kể tay cầm đã có 13 đốt, tay cầm làm bằng gỗ cứng hoặc kim loại có thể dùng được hai đầu.
Kỹ pháp nhuyễn tiên, ngạnh tiên chủ yếu có: quay tròn, quấn, quật, trói, khóa, quét, vẫy, điểm, chặn, ném, đỡ gạt, múa hoa…
Việc tập luyện nhuyễn tiên sẽ trở nên dễ dàng khi người tập đã trải qua một thời gian tập luyện quyền cước của một môn võ nào khác. Bởi lẽ, nghệ thuật đánh nhuyễn tiên đòi hỏi sự nhịp nhàng, uyển chuyển, quyền biến, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, thăng bằng… Muốn được vậy, người sử dụng nhuyễn tiên phải phối hợp thuần thục tấn pháp, bộ pháp, thân pháp… cùng các kỹ pháp nhuyễn tiên.
Dây xích được chế tạo bằng kim loại, độ dài theo thể tạng, chiều cao của người dùng, thông thường dài đến 0,9m. Ở hai đầu có hai cục sắt nhỏ, hình tròn, chữ nhật hoặc hình mũi tên. Điều cần thiết sử dụng nhuyễn tiên nói chung, dây xích nói riêng là tốc độ, bất ngờ, cũng như lưỡng tiết côn, dây xích phải đánh nhanh và dũng mãnh, nếu không, sự chậm chạp, vụng về sẽ tạo cơ hội cho đối phương không chế và tước đoạt vũ khí. Chính vì vậy mà người sử dụng phải có khả năng quyền thuật để bảo vệ nhuyễn tiên.
Nhuyễn tiên thường tấn công vào các vùng yếu trên cơ thể đối phương, lực phát ở cổ tay, ưu thế ly tâm nên có tầm sát hại lớn. Do nhu nhuyễn nên có khả năng trói bắt, hóa giải được nhiều loại binh khí khác. Ở Okinawa Nhật Bản, môn phái Masaki Ryu có kỹ thuật đánh bằng dây xích gọi là Manrikigusari.
Đình Tuấn
Nguồn: Internet