Dù thiên biến vạn hóa và đầy sáng tạo, Boxing vẫn có những quy tắc mà bạn buộc phải đi theo. Một trong những quy tắc ấy là phải đi từ dễ đến khó, tức là đi từ chủ động đến bị động.
Tôi từng gặp rất nhiều võ sĩ non nghề, tự tin rằng họ sinh ra là để thuộc về một lối đánh nào đó. Đó có thể là lối đánh mà họ yêu thích, đó có thể là lối đánh của thần tượng,… nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đó là khi bước vào bất kỳ một môn thể thao đối kháng nào, tấn công chủ động luôn là khởi đầu ổn định hơn hẳn phòng thủ thụ động.
Khi chủ động, bạn là người nắm giữ nhịp độ, thời gian và khoảng cách, trong khi đó, ở thế bị động, bạn chờ đối thủ ra đòn và bạn trả lời. Nói cách khác, khi chọn lối đánh thụ động, bạn bị lệ thuộc vào những nước đi của đối thủ.
Lối đánh thụ động – Không hề thụ động
Bạn có thể nghe rất nhiều câu nói đại loại như: “Mình phòng thủ tốt thì nó không đánh được đâu”, “Nó đánh nhiều nó mệt rồi mình mới đánh”, “Bạn không thể đánh nếu bạn không biết đỡ”,… và còn rất rất nhiều những câu nói khác cổ vũ cho lối đánh thụ động ở Boxing. Đó hoàn toàn là những ý kiến chính xác, nhưng cũng là những câu nói nước đôi và không có giá trị thực tế trong giảng dạy.
Trên thực tế, để có thể chơi tốt lối thụ động, bạn phải có kinh nghiệm đọc đối thủ, đọc trận đấu, đọc tình huống,…. Bên cạnh khả năng đọc hiểu những gì đang diễn ra, một võ sĩ chọn lối chơi thụ động càng cần phải có khả năng ra quyết định thật nhanh và chính xác. Trong khoảng thời gian chưa đầy một giây đồng hồ, những võ sĩ chơi lối thụ động đã phải có câu trả lời chính xác cho những hành động của bản thân và đối thủ.
Ngoài ra, để đảm bảo được đối thủ sẽ tấn công theo đúng hướng mà võ sĩ thụ động muốn, những tay đấm này buộc phải biết cách bẻ gãy nhịp tấn công của đối thủ cũng như biết nhấp nhả, ra đòn để giữ quyền kiểm soát thế trận. Nói theo một cách khác, những võ sĩ theo chiến thuật thụ động chính là những bậc thầy chiến lược của Boxing. Họ nhập trận với tâm thế và tư duy không khác gì Gia Cát Lượng trên chiến trường. Đương nhiên, để có thể hiểu chiến trường như Gia Cát, bạn phải học thầy giỏi và có dịp được mài giũa kỹ năng của bạn. Và điều này cần có thời gian, rất nhiều thời gian.
Kinh nghiệm chinh chiến của những võ sinh non nớt
Khi mới bắt đầu tập Boxing, sự tỉnh đòn, khả năng ra quyết định, đọc tình huống của võ sĩ gần như bằng 0. Ở trình độ này, người võ sĩ chỉ có thể đánh theo bản năng, người có tố chất thì sẽ biết đánh theo tiếng nói của HLV. Còn lại, kỹ năng tư duy trên đài là hoàn toàn khuyết.
Bậc thầy phòng thủ Floyd Mayweather cũng khởi đầu sự nghiệp nhà nghề với lối đánh tấn công vũ bão
Như vậy, để thi đấu tốt với một cái đầu trống rỗng, người võ sinh mới cần phải dùng chiến thuật “phủ đầu” để khiến đối thủ hoang mang. Và với yếu tố may mắn, người võ sinh mới vẫn có thể đánh trúng được nhiều đòn đánh chất lượng. Điều cần thiết trong khâu huấn luyện khởi đầu chính là phải chuẩn bị thật tốt thể lực và các combo cho võ sĩ sử dụng.
Thế giới không thiếu những võ sĩ đã đưa lối đánh thụ động lên đỉnh cao. Dù vậy, để bắt đầu với Boxing hay bất kỳ một môn võ nào khác, đừng lấy sự thụ động làm nền tảng bắt đầu.
Theo Webthethao.vn