Rèn kiếm và rèn bản thân người học võ

Ngày xưa, trước khi súng đạn ra đời, đao kiếm là vũ khí chính cho chiến sĩ và hiệp sĩ. Một thanh kiếm quý chém sắt như chém bùn là một bảo vật vô giá, thường được xem là thần kiếm, thường nằm trong tay đệ nhất cao thủ võ lâm, và khi kiếm lạc khỏi tay chủ thì thường sinh ra sóng gió trên chốn giang hồ, tạo nên những cuộc thảm sát, tranh giành kiếm.

Người xưa rèn bảo kiếm thế nào?

Rèn kiếm là một nghệ thuật cao độ. Vị thầy rèn kiếm thực ra là các hóa học gia về kim loại, nghiên cứu cách thức chế tạo các loại thép tổng hợp từ những kim loại thuần, và rèn luyện, đập, cán, mài, dũa nó thành một thanh kiếm với những đặc tính tốt nhất cho một kiếm phái. Kiếm Nhật của samurai thì to, nặng, cứng và hơi cong. Ngược lại, Thái cực kiếm của phái Võ Đang thì thẳng, dài, nhỏ, và nhẹ nhàng lay động như một thanh thép mỏng. Dù vậy, đặc tính chung của các thần kiếm phải là chém sắt như chém bùn, có thể chém gãy binh khí tầm thường của địch.
Ngày nay, với phát triển của khoa học, có lẽ chúng ta có thể làm thần kiếm dễ dàng bằng kim loại tốt, nấu loãng, đổ vào khuôn, rổi mài, và trang trí cho đẹp, trước khi mang ra chợ bán, phải không các bạn?
1
Không dễ như vậy đâu. Không dễ gì làm một thanh kiếm thật nhẹ và có thể lay động như một thanh sắt mỏng, lại có sức chịu đựng và công phá kinh khủng. Không biết làm thì thanh kiếm của ta sẽ gãy hay méo khi va chạm mạnh vào một thanh kiếm khác cùng loại hay tốt hơn.
Công thức làm kiếm rất công phu. Trước hết, là phải đúng kim loại. Đây là bí mật nhà nghề.
Kim loại được nấu loãng và đổ vào khuôn, nguội lại thành thanh thép. Thanh thép này sẽ được nung nóng đỏ cho mềm ra, và được đập bằng búa cho mỏng xuống, rồi gấp lại thành hai, và đập cho mỏng xuống.
Xong rồi lại được nung cháy đỏ, đập mỏng ra, gấp lại làm đôi, đập mỏng.
Rổi lại được nung đỏ, đập mỏng, gấp làm đôi…
Cứ như thế khoảng 30 lần. Lúc này thanh kiếm không phải chỉ là một khối thép mà là 2-lũy-thừa-30 lớp thép mỏng vô cùng. Nếu bạn có một quyển sách dày chừng ấy trang thì không cây súng nào thời nay có thể bắn thủng quyển sách đó. Thanh kiếm như vậy chắc và dẻo dai đến thế nào, bạn biết không?

249343_447402635306130_1401367125_n
Và khi làm xong, kiếm cũng không thể cho nguội ngay bằng nước lạnh, mà phải để nguội dần dần, từ nhiệt độ cực cao của thép đang cháy đỏ đến nhiệt độ cực lạnh, lạnh hơn nước đá nhiều lần càng tốt. Thế thì kiếm sẽ rất dẻo dai và không dòn.
Cuối cùng là phần dũa, mài, đánh bóng, gắn chuôi, gắn vỏ…
Cho đến lúc kiếm được trao cho chủ, có thể bằng một lễ trao kiếm rất nghiêm trang và cung kính.
Thần kiếm hạ sơn! Thần kiếm như phượng múa rồng bay trong tay uy vũ kiếm khách!
Vậy thì, bạn có sẵn sàng để chịu nung cháy đỏ, gập đôi, và đập mỏng, 30 lần không? Rơi chầm chậm, từ đỉnh hỏa diệm sơn đến tận đáy băng sơn không? Mài dũa hàng ngày trước và sau chiến trận không?

Tùng Anh (Sưu tầm)