Chỏ 12 – 6: Tranh cãi với tử thần

“Chỏ 12 – 6” là một trong những đòn cấm phổ biến nhất của võ thuật đối kháng. Đòn này đã bị cấm trong luật của toàn bộ các hệ thống giải MMA, và một số giải Muay thuộc hệ thống của IKF (Liên đoàn Kickboxing quốc tế).

Những đòn cấm sử dụng trong MMA – võ tổng hợp

Chọc mắt – một trong những đòn cấm đầu tiên của MMA

Khái niệm “chỏ 12 – 6” được đề ra bởi John McCarthy, một trong những trọng tài đầu tiên trong lịch sử MMA và hiện vẫn là người cầm cân nảy mực uy tín nhất ở bộ môn đối kháng này. Kể từ khi những trận MMA đầu tiên được tổ chức công khai và chuyên nghiệp nhưng có rất ít luật cấm, đòn chỏ ác hiểm này đã xuất hiện. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là Kickboxer lừng danh Kevin Rosier dùng đòn này để gây nhiều chấn thương lên đối thủ Zane Frazier tại UFC 1 (năm 1993).

Tùy theo hệ thống giải mà luật thi đấu có thể khác nhau. Tuy vậy, nhìn chung tất cả các giải đều cấm chỏ 12 – 6 vào phần đầu. Đôi khi có một số ngoại lệ ở đòn chỏ vào vùng thân người.

Năm 2000, một cuộc hội nghị được tổ chức tại New Jersey (Mỹ) để thống nhất lại các điều luật cơ bản về MMA (cần hiểu rằng MMA được phát triển bởi nhiều giải đấu khác nhau nên có chút khác biệt về quan điểm như y tế, kỹ thuật… ở mỗi giải). Hội nghị thu hút sự tham dự của đại diện 3 giải đấu lớn nhất thời bấy giờ là UFC, Pride FC và IFC cùng nhiều bác sĩ, trọng tài danh tiếng. Cũng chính tại đây, những cuộc tranh cãi đầu tiên về chỏ 12 – 6 đã bắt đầu.

Trong các giải võ tự do (Vale Tudo) cổ điển, chỏ 12 – 6 được sử dụng rất thường xuyên và để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Dựa theo một trận đấu tại IFC, nơi xảy ra tình huống võ sĩ dùng chỏ 12 – 6 (nói một cách chính xác thì khái niệm “12 – 6” chưa tồn tại vào thời điểm này) đánh vào gáy đối thủ, các bác sĩ đã đề ra luật cấm “những tình huống tương tự” vì “việc tấn công vào gáy đối thủ có thể gây nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, trọng tài John McCarthy đã đặt ra câu hỏi đáng suy ngẫm: “liệu có phải sự nguy hiểm đó đến từ đòn 12 – 6, chứ không phải vì nơi va chạm là phần gáy đối thủ?”. Ông cũng là người đã đeo đuổi vấn đề này và quyết tâm thuyết phục hội nghị phải đưa ra một khái niệm rõ ràng hơn về đòn cấm này, một khái niệm mang tính phân biệt rõ ràng cho các trọng tài có thể căn cứ chứ không phải chỉ đơn giản là “đòn chỏ hướng xuống” (nguyên văn: downward elbow strike).

Do những ưu điểm vượt trội mà đòn chỏ 12 – 6 thường được dùng trong các mônvõ thuật có nội dung công phá vật cứng.

Khái niệm “chỏ 12  – 6” được McCarthy đặt ra theo góc độ của số giờ trên đồng hồ số, theo đó đường nối 12h – 6h là một cách tượng hình để ta phân biệt được khái niệm “đòn chỏ cắm vuông góc từ trên xuống” so với khái niệm “đòn chỏ hướng xuống”. Theo McCarthy, đòn chỏ cần được phải đặt riêng khái niệm “12 – 6” bởi vì những đòn chỏ khác dù mang cùng tính chất là một đòn “chỏ” nhưng có phần tiếp xúc là một mảng xương khớp tương đối lớn và chút cơ bắp. Việc tăng tiết diện va chạm sẽ làm giảm tác động dạng “cắt/đục”, giảm nguy cơ chấn thương nguy hiểm như rách da, vỡ xương, tổn thương mạch máu…Trong khi đó, tư thế gập tay để thực hiện đòn chỏ 12 – 6 khiến khớp chỏ tạo ra một điểm nhọn vững chãi, có tác dụng như một chiếc đục và có khả năng đánh vỡ hộp sọ đối thủ dễ so với đòn chỏ thông thường.Tuy nhiên, chỉ cần đổi hướng đòn chỏ hoặc góc độ của cẳng tay một chút (nắm đấm, cùi chỏ và điểm va chạm của “nạn nhân” không nằm trên cùng một đường thẳng) sẽ làm mất đi góc nhọn và cú chỏ bớt nguy hiểm hơn nhiều. Đó cũng là lý do vì sao McCarthy đã kiên quyết tìm ra cách định nghĩa đòn chỏ này một cách chính xác và khoa học hơn. Khái niệm “12 – 6” được đưa vào sử dụng từ đó.

Chấn thương từ đòn chỏ 12- 6.

Tuy nhiên, nếu như đòn chỏ này từng bi phản đối rất nhiều thì việc cấm đòn chỏ này cũng gây tranh cãi. Matt Hume – đội trưởng đội trọng tài của One Championship (giải MMA hàng đầu châu Á) cho rằng nhiều đòn chỏ hợp lệ hiện nay có thể gây ra sát thương lớn hơn chỏ 12 – 6. Trong một cách suy luận khác, ông cho rằng các võ sĩ vẫn có thể lách luật bằng cách sửa đổi góc đòn một chút, kiểu như chỏ “11:59 – 6”, cách ra đòn này vẫn tạo điểm “đục” xương như chỏ 12 – 6 mà không phạm luật. Dẫu vậy, theo các công ước quốc tế hiện nay, One Championship vẫn tuân thủ luật cấm chỏ 12 – 6. Nhiều nhà phân tích đã từng khẳng định: “Cần tuân thủ luật cấm chỏ 12 – 6. Mỗi lần đòn này có cơ hội xuất hiện, một võ sĩ của chúng ta lại đối mặt với nguy hiểm tính mạng. Đừng tranh cãi với tử thần trong bộ môn thể thao đối kháng này”.

Xét về góc độ, đòn chỏ này không được tính là “12 – 6”, nhưng gây sát thương không kém.

Một số nhân vật nổi tiếng khác như trọng tài Herb Dean của UFC cũng yêu cầu bổ sung khái niệm đòn chỏ 12 – 6. Chẳng hạn như trong tư thế side control của MMA, đòn chỏ 9 – 3 (quỹ đạo song song với mặt phẳng sàn) của đối thủ đang ở vị trí top (phía trên) cũng gây tác động tới đối thủ phía dưới tương tự như chỏ 12 – 6

Từ vị trí side control, những đòn chỏ theo phương ngang (9 – 3) cũng gây tác động tương tự chỏ 12 – 6.

Y.N