Parry có thể tạm dịch là “đánh – gạt đòn đánh của đối phương đi lệch khỏi định hướng ban đầu”. Các đòn thế thuộc nhóm kỹ thuật Parry thường có độ khó tương đối và ảnh hưởng lớn đến diễn biến của pha đòn hay xa hơn là cả cục diện cuộc đối kháng.
TUYỆT KỸ: Knee pick – “bắt” đầu gối
Tuyệt kỹ tự vệ: Bí quyết cú knock-out bất ngờ bằng động tác giả
PARRY LÀ GÌ?
Trong tiếng Việt, chúng ta thường dùng thuật ngữ “gạt đỡ”. Tuy là một từ nhưng thực tế nó ám chỉ đến hai dạng kỹ thuật khác nhau hoàn toàn. Nếu như khái niệm đỡ (block) là chặn gần như hoàn toàn lực tác động của đối thủ thì khái niệm gạt (parry) không chịu quá nhiều lực tác động từ pha đòn tấn công mà lại đánh lệch lực đó đi theo hướng khác.
Kỹ thuật Parry tạo ưu thế vượt trội trong đấu kiếm cổ điển
Từ “parry” đầu tiên được sử dụng trong môn đấu kiếm hiện đại (Fencing). Không có tài liệu chính xác cho thấy từ “parry” được sử dụng từ khi nào nhưng theo lịch sử của Fencing, thuật ngữ này có thể được bắt đầu sử dụng từ đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên, đó chỉ là lịch sử của thuật ngữ “parry”. Dựa trên bằng chứng khảo cổ của nhiều môn võ lâu đời hơn Fencing, chúng ta có thể tin chắc rằng các kỹ thuật đánh gạt đòn của đối thủ đã xuất hiện song hành cùng với những môn võ cổ xưa nhất thế giới như Pankration hay Kalaripayattu.
ƯU ĐIỂM CỦA PARRY
Dạng kỹ thuật này mang nhiều ưu điểm vượt trội như có thể xử lý được các pha đòn quá “nặng lực” trong khi bản thân phần chịu đòn của chúng ta (vũ khí, khiên giáp, tay chân…) không thể chịu được hết lực đó; hướng đối thủ vào các tư thế, tình huống bất lợi để chúng ta có thể dễ dàng phản công; không tốn quá nhiều động tác hay khoảng không để vô hiệu hóa tình huống tấn công của đối thủ, từ đó giúp ta trở về trạng thái bình thường nhanh hơn.
Nhiều kỹ thuật Vịnh Xuân có thể xem như một dạng “parry”. Điều đó lý giải vì sao Vịnh Xuân đòi hỏi trình độ tập luyện rất cao để đủ khả năng tự tin thực chiến.
https://www.youtube.com/watch?v=MYiAOzPT05g
Vì những lý do đó mà ngày nay ta có thể thấy các kỹ thuật parry được phát triển trong nhiều môn võ, từ các môn va chạm thuần túy như Muay, Boxing… các môn có kỹ thuật phức tạp như Vịnh Xuân hay các hệ thống kỹ thuật vũ khí như Kali.
Võ gậy Arnis sử dụng rất nhiều kỹ thuật parry để kiến tạo tình huống tối ưu cho các đòn tấn công
Parry có thể xem như đỉnh cao của kỹ năng xử lý tình huống trong võ thuật đối kháng hiện đại. Để thực hiện được một cú parry hoàn chỉnh, bạn phải có được nhiều yếu tố trong mọi giai đoạn xử lý tình huống. Trước hết, bạn cần phán đoán chính xác tình huống cần xử lý (cách đối thủ tấn công, chiều hướng, uy lực…), sử dụng đúng kỹ thuật parry cũng như tìm ra phương án thích hợp sau khi parry thành công đối thủ (lấy lại khoảng cách an toàn, phản công, đổi góc độ đối kháng…). Như vậy, quá trình thực hiện kỹ thuật parry gói gọn được nhiều yếu tố kỹ thuật, thể hiện được sự vượt trội trong khả năng xử lý tình huống thực chiến.
Doug Marcaida: bậc thầy về việc áp dụng kỹ thuật parry để kiến tạo lợi thế khi đối kháng vũ khí
ĐIỂM YẾU CỦA PARRY
Trên lý thuyết, parry không có điểm yếu. Điểm yếu của parry trên thực tế chính là điểm yếu của người thực hiện parry. Như đã nói ở trên, nếu như parry đem lại cho bạn rất nhiều lợi thế kỹ – chiến thuật thì ngược lại, nó cũng đòi hỏi bạn phải có một trình độ “cảm đòn” nhất định để phán đoán và xử lý parry chính xác. Trong nhiều trường hợp, kể cả khi bạn đã có lựa chọn parry phù hợp nhưng không sở hữu đủ tốc độ (để phản ứng lại hành vi tấn công của đối thủ), kỹ thuật parry của bạn cũng trở thành… đồ bỏ.
Parry trong Boxing
Parry là một hệ thống kỹ thuật có thể được đánh giá vào tầm sơ – trung cấp của nhiều môn võ. Tuy nhiên, việc bạn parry thành công hay đủ khả năng dùng parry để nhảy múa đùa giỡn giữa các ý đồ tấn công của đối thủ lại là một việc khác. Đó là một đỉnh cao, một mục tiêu mà bạn cần rất nhiều thời gian và công sức để có được. Nó có thể biến thành bạn một “kẻ gieo rắc nỗi ức chế” thực thụ, hoặc thành một kẻ ngốc trên võ đài, tùy theo trình độ của bạn.
Hồ Võ