Bạn biết gì về “tẩu hỏa nhập ma”?

Lâu nay, chúng ta thường nghe thuật ngữ “tẩu hỏa nhập ma” ở trên các bộ phim hành động, võ thuật và cứ nghĩ rằng điều này không có thật.

Nó chỉ là tình tiết đạo diễn thêm thắt vào cho sinh động và tăng sự hấp dẫn cho bộ phim.  Nói rõ hơn là chúng ta còn đang rất mơ hồ về “tẩu hỏa nhập ma”. Vậy “tẩu hỏa nhập ma” là gì? Làm cách nào để đối phó với nó?

Tẩu hỏa nhập ma là gì?

Do tầm phổ biến của các loại truyện võ hiệp, hầu như ai cũng có thể nghe nhắc tới tẩu hoả, nhập ma theo cách hiểu tổng thể là một loại tai biến. Nhưng phần đông lại thường nghĩ loại tai biến này chỉ đến riêng với các cao thủ thượng thừa trong võ lâm. Đây là một lầm lẫn rất lớn.

Thực ra tẩu hoả, nhập ma là các tai biến xảy ra ở mọi trình độ luyện công và xảy ra nhiều ở trình độ sơ đẳng do kém hiểu biết về cách luyện, thiếu trình độ để phát hiện nhằm kịp thời ứng phó.

Cũng cần phân biệt rõ tẩu hoả và nhập ma là 2 tai biến hoàn toàn khác biệt về cả tính chất lẫn nguyên nhân. Dù ở mức độ trầm trọng cả 2 tai biến đều đẩy người rèn luyện vào trạng thái mất trí, điên cuồng, nhưng ngay tính chất này cũng khác nhau. Người bị tẩu hoả trở nên điên cuồng do nội khí loạn chuyển, còn người bị nhập ma trở nên điên cuồng do các ảo ảnh huyễn hoặc chi phối.

Nói một cách khác, tẩu hoả là do tình trạng khí lực chuyển động bất chấp quy luật và vượt khỏi ý hướng điều phối của người luyện công. Còn nhập ma là trạng thái mê loạn của người luyện công do ảo ảnh huyễn hoặc không còn khả năng nhận thức thực tế, tin tưởng tuyệt đối vào những điều không hề có hoặc chỉ có trong sự vọng tưởng mà thôi.

Bị tẩu hoả ở mức độ nhẹ sẽ cảm thấy ngực, bụng trướng thống, đầu nặng mắt hoa do khí lực chuyển nhiều tới các bộ phận này. Trong tình trạng nặng hơn, do khí loạn chuyển khắp toàn thân, người luyện không chỉ chịu cảm giác đau đớn mà còn mất hẳn quyền chủ động với thân thể của mình. Khi đó, mọi hành vi, mọi cử động ngoài hẳn ý muốn đều có thể xảy ra và bước cuối cùng là điên cuồng thực sự.

Bị nhập ma không có các hiện tượng như trên. Do bị luôi cuốn bởi các ảo ảnh, người luyện sẽ dần dần từng bước lấy giả làm thật, và cứ thế tiến dần vào trạng thái gần như hôn mê, tinh thần thất tán và cuối cùng cũng đi tới sự điên cuồng. Do không có các hiện tượng biểu hiện rõ rệt nên tai biến nhập ma hết sức nguy hiểm vì thường chỉ được phát giác vào lúc đã trở nên khó trị.

 

Để tránh các mối nguy hiểm tai biến trên khi luyện công, nên nhận rõ nguyên nhân của tẩu hoả và nhập ma ra sao.

Quá trình luyện công luôn bao gồm nhiều bước quan trọng mà quan trọng đáng kể là giai đoạn “nhập tĩnh”. Chính trong bước nhập tĩnh, người luyện công sẽ khởi sự thu hoạch các thành quả để nâng cao dần trình độ công phu của mình. Nhưng để bước vào nhập tĩnh người luyện công phải đạt được ít nhất 2 điều kiện là “Điều phối ý khí“ và “Bài trừ tạp niệm“ . Điều phối ý khí là dùng ý dẫn khí đi khắp các bộ phận thân thể theo cac quy luật nhất định mà mỗi công pháp đã vạch rõ. Bài trừ tạp niệm là đạt tới sự tập trung ý tưởng ở mức hoàn hảo.

Tai biến xảy ra khi người luyện coi nhẹ các điều kiện trên hoặc quá nôn nóng muốn gấp rút thu hoạch các thành quả. Một trong các nguyên tắc lớn của luyện công là : “DỤNG Ý BẤT DỤNG LỰC“. Các dụng ý cũng được chỉ dẫn rõ là : “HỮU Ý, VÔ Ý XƯNG CÔNG PHU“ tức tránh sự chấp ý để đạt tới trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Ý đến và đi phải nhẹ nhàng, thanh thoát như một làn gió thoảng không bị thúc đẩy bởi các mong muốn hay mưu tính. Do sở cầu bản thân, cố dồn ép nhịp điều phối Ý – Khí để thu ngắn quá trình rèn luyện là đã “dụng lực”, tức đã vi phạm nguyên tắc căn bản nêu trên. Đây là nguyên do chủ yếu đưa đến tai họa tẩu hoả. Người luyện muốn mau bước vào giai đoạn nhập tĩnh đã đặt bản thân mình vào thế rèn luyện quá cuồng nhiệt, dùng lực để cưỡng bức nhịp thở, gấp gáp vận khí luân chuyển trong khi quên bẵng đòi hỏi quan trọng là phải đạt tới trạng thái hoàn toàn tự nhiên.

So với điều phối ý khí, việc bài trừ tạp niệm còn có vẻ khó hơn. Do đó nhiều phép luyện bài trừ tạp niệm đã được đề ra như :sổ tức pháp, ngoại quan pháp, kế số pháp, mục thị tị chuẩn pháp… Nhưng người luyện công thường không lưu tâm tới các phép luyện này và tự đánh giá chủ quan về thành tựu bản thân để mau chóng bước qua giai đoạn nhập tĩnh. Trên thực tế, các tạp niệm chưa thực sự tiêu trừ đã dần dần hồi sinh ngay trong quá trình nhập tĩnh hoá thành các loại ảo ảnh. Thông thường ảo ảnh từ các điều mà người luyện sẽ nhìn thấy, tưởng nghĩ tới hoặc ấp ủ mơ ước.

Phương thức điều trị “Tẩu hỏa nhập ma”

Cách hay nhất là ngăn chặn trị dứt các chứng bệnh do các tai biến tẩu hoả, nhập ma đưa tới là tìm ngay một bậc thầy về khí công hoặc các vị y sư chuyên về châm cứu.

Tuy nhiên, ngay khi phát giác tình trạng không may của mình cần tức khắc đình chỉ việc rèn luyện môn công của mình đang theo đuổi. Kế đó, tự mình có thể cố gắng điều trị bằng các phương pháp cụ thể nhất. Chẳng hạn như, người bị tẩu hoả có thể theo tập các môn công đưa lại tác dụng :tức hoả, thối hoả hoặc tán hoả, tức là các công phu chủ yếu đưa lực ra ngoài. Theo các chuyên gia khí công, người bị tẩu hoả nên chọn 1 trong 3 môn công sau để luyện:

1. Lục tự quyết , nhưng chỉ luyện 3 tiếng XU , KE , XI nên còn gọi là tam tự quyết

2. Xích long thám hải công

3. Thoái hoả công

Trong lúc luyện, cần lưu ý các đặc điểm : Buông thả toàn thân, Bài trừ tạp niệm, Tâm thần an định, Dẫn khí xuống dưới.

Riêng những người bị nhập ma thì tự tạo một tâm lý nghịch hẳn với tâm lý đang có, tức là luôn ngờ vực, không tin vào một điều nào mà mình đã tin. Nhưng những người bị nhập ma thường không dễ nhận ra tai biến của mình nên vẫn phải sở cậy nhiều người ở xung quanh và đặc biệt là nhờ cậy nơi các y sư có thực tài về bấm huyệt, châm cứu.

Ngoài tẩu hoả, nhập ma, người luyện công còn có thể gặp một số tai biến khác và tai biến tẩu hoả, nhập ma còn có thể đến do một số nguyên nhân khác với nguyên nhân chính đã nêu. Phạm vi một bài viết ngắn không cho phép trình bày cặn kẽ các điều này, nên xin được kết luận bằng một lời nhắc nhở có tính cảnh giác : “Muốn tránh tai biến trong luyện công nên kiên trì nhẫn nại và luyện tập trong khung cảnh ít bị ngoại cảnh chi phối“.

Anh Thư (T.H)