Knock out và chấn động não là những nỗi ám ảnh quen thuộc nhất của giới võ thuật đối kháng thể thao. Tuy các khái niệm này đã được đề cập từ rất lâu nhưng vì sự liên quan đến não – bộ phận phức tạp nhất trên cơ thể con người nên nhiều vấn đề mang tính chất y học vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Gabe Mirkin – tác giả câu “thần chú” chấn thương của dân võ
Từ võ sĩ trở thành con nợ do chấn thương
Xét trên phương diện của võ thuật đối kháng thể thao, chấn động não vừa là một dạng tổn thương, vừa làm một “công cụ” hợp lệ để giành chiến thắng. Nhìn chung, thể thao là cuộc thi đấu để tìm ra người vượt trội về kỹ năng và thể chất đặc trưng. Võ thuật đối kháng cũng thế, cũng có những bộ luật với điểm số thống nhất. Tuy nhiên, vì tính chất va chạm đặc biệt nên võ thuật đối kháng thể thao tồn tại khái niệm “knock out” để chỉ tình huống đối thủ bị chấn động não (va đập với những cú đấm đá, slam…), và đa số tình huống knock out là hợp lệ. Nói cách khác, knock out tương đối nguy hiểm (vì đó gắn liền với chấn động não) nhưng nó vẫn là một điều tất yếu xảy ra trong võ thuật đối kháng, và được coi như một biểu hiện cho việc một trong hai võ sĩ có khả năng vượt trội.
Đó là lý do việc tập luyện và nghiên cứu chấn động não trở thành mảng lý thuyết quan trọng trong võ thuật đối kháng thể thao. Sau nhiều năm, “dân võ” đã hiểu ra được nhiều điều thú vị, chẳng hạn như việc tập cơ cổ chắc khỏe có thể giảm tỷ lệ knock out, hoặc bị đấm vào vùng cằm sẽ dễ gây chấn động não hơn đấm vào trán. Tất cả những phần kiến thoức nhỏ đó đều được vận dụng triệt để nhằm tạo lợi thế tối ưu cho các võ sĩ.
Theo quan điểm phổ biến hiện nay, chấn động não xảy ra khi đầu bị lắc quá nhanh (trong võ thuật, đó là các tình huống võ sĩ bị đấm, đá vào vùng đầu… hoặc bị ném vật đập đầu xuống sàn). Não là một trong những mô mềm nhất cơ thể nên khi di chuyển đột ngột trong hộp sọ, vỏ não sẽ bị va đập vào thành sọ. Sự va đập này sẽ khiến một số vùng não bị giảm huyết áp, chèn ép các nơ-ron thần kinh và dẫn đến choáng váng, thậm chí bất tỉnh.
Tuy nhiên, những khá phá mới đây của Phó giáo sư David Camarillo (ĐH Stanford, Mỹ) cùng nhóm nghiên cứu Svein Kleiven (Thụy Điển) đã cho thấy quan điểm trên có nhiều điểm sai. Nghiên cứu mới cho rằng hiện tượng chấn động não thực chất không phải một dạng “va đập” mà xảy ra do các vùng não khác nhau bị kéo dãn – chèn ép. Ngoài ra, vùng não liên quan đến chấn động gây knock out thực chất không phải vỏ não mà lại liên quan đến trung tâm não – vị trí của liềm não và thể chai. Các nghiên cứu khác về liềm não và thể chai của những VĐV bóng bầu dục (một môn thể thao có tỷ lệ chấn động não tương đối cao) cũng cho thấy hai bộ phận này của não thay đổi rất bất thường.
Những nghiên cứu này hiện vẫn đang được tiếp tục với niềm kỳ vọng tìm ra sự thật về chấn động não. Trước mắt, các khám phá mới của Camarillo đã mở ra nhiều hướng suy luận thú vị, chẳng hạn như việc mũ bảo hộ có thực sự làm giảm chấn thương não hay không (tranh cãi của ủy ban Olympic IOC hiện chưa có lời giải đáp khoa học), hay việc cú đấm đến từ góc độ nào sẽ gây knock out dễ hơn. Ngoài ra, những khám phá kế tiếp trong dự án nghiên cứu này còn hứa hẹn sẽ là tiền đề khoa học để thiết kế các loại mũ bảo hộ đầu tốt hơn cho nhiều môn võ thuật đối kháng thể thao như Boxing, Taekwondo…
Có thể bạn quan tâm: Top 20 cú “một đấm ngất luôn” trong lịch sử quyền Anh.
Hồ Võ