Safe Zone – nguyên lý “vùng an toàn” trong tập luyện võ thuật

Safe Zone (vùng an toàn) là một thuật ngữ gần đây thường xuyên được dùng để đề cập trong lĩnh vực giáo dục. Và khi những nghiên cứu mới cùng logic tất yếu của võ thuật kết hợp, người ta dễ dàng nhận thấy nguyên lý Safe Zone cũng đúng trong lĩnh vực tập luyện võ thuật.

Lời khuyên – tự tập đấm vào đầu, nên hay không?

Lời khuyên: nên làm gì khi bạn không tự tin vào đòn đá của mình?

Thuật ngữ “Safe Zone” lần đầu tiên được đề cập đến trong việc giảng dạy ngôn ngữ. Có thể hơi dài dòng, nhưng chúng ta hãy cùng tìm hiểu nó ở lĩnh vực ngôn ngữ để có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của “Safe Zone” trong tập luyện võ thuật?

Bạn đã bao giờ nhận ra rằng một đứa trẻ chỉ mất từ 2 – 4 năm để có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt thường ngày. Còn với những ngôn ngữ sau này mà chúng ta học, hầu hết chúng ta phải bỏ ra thời gian gấp 2, gấp 3 lần con số đó.

Vì não bộ của trẻ nhỏ dễ ghi nhớ hơn? Vì trẻ nhỏ không cần học thêm thứ gì khác như người lớn?

Câu chuyện ngôn ngữ của trẻ nhỏ lại có một điểm chung thú vị với việc tập luyện võ thuật.

Sự thật rằng não của trẻ nhỏ khi học tập có phần tốt hơn người trưởng thành (vì khoảng 6 năm đầu đời chính là lúc con người cần học hỏi và nhận thức về thế giới xung quanh nhiều nhất), thế nhưng đổi lại trẻ nhỏ cũng phải tiếp nhận lương thông tin mới nhiều hơn người trưởng thành rất nhiều, chứ không phải ít hơn người trưởng thành như chúng ta vẫn nghĩ. Không chỉ có ngôn ngữ, trẻ nhỏ còn phải học mọi chi tiết về thế giới xung quanh chúng, điều sẽ mở rộng ra theo từng ngày, từng giờ.

Vậy tại sao trẻ em vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập ngôn ngữ, còn người lớn thì không?

Điều này chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, thế nhưng, theo những nghiên cứu gần đây, yếu tố lớn nhất chính là sự tồn tại Safe Zone – vùng an toàn.

Trẻ em không sợ sai. Chúng không có gì để xấu hổ. Chính vì thế mà chúng có thể tập luyện phản xạ ngôn ngữ một cách không ngừng nghỉ, không e ngại. Bạn đã bao giờ thấy một đứa trẻ có thể nói ngọng ngịu cả ngày chưa? Những đứa trẻ từ trong tiềm thức đều tự hiểu rằng thứ  ngôn ngữ chúng bật ra có thể sai lệch ngôn ngữ cộng đồng rất nhiều, nhưng chắc chắn ba mẹ chúng – những người thân thiết nhất với chúng sẽ hiểu. Chúng không cần sợ mình nói sai, nếu chúng cần lấy một bình sữa, chúng sẽ biết cách thể hiện điều đó với ba mẹ. Còn chuyện nói làm sao để tất cả mọi người đều có thể hiểu? Tính sau!

Có huyền thoại võ thuật nào chưa từng là người mới tập, chưa từng sai lầm?

Rõ ràng rằng những đứa trẻ được tập luyện trong một vùng an toàn – Safe Zone hoàn hảo. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra việc phụ huynh bận rộn, ít giao tiếp với con có thể khiến đứa trẻ bị chậm nói. Điều này càng chứng tỏ Safe Zone quan trọng như thế nào. Xét về mặt nguyên lý chung, để học tập được một thứ gì đó, con người cần có một môi trường an toàn, nơi họ chắc chắn rằng họ không phải “trả giá” quá nhiều cho những sai lầm, giúp họ đủ tự tin để thử nghiệm điều gì đó. Có thể sẽ sai, sẽ “xấu”, nhưng từ từ mọi thứ sẽ được hoàn thiện.

Suy rộng ra, ta có thể thấy nguyên lý Safe Zone áp dụng được cho rất nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau, trong đó có tập luyện võ thuật.

Võ thuật ngày nay tiến gần hơn đến với khoa học, và những giáo trình bài bản nhất đều chỉ ra rằng mọi người đều cần phải được tập luyện kỹ càng từng kỹ năng – điều đó tốt hơn việc cứ “khơi khơi” quẳng họ lên sàn đấu tập. Ngày nay, có nhiều hình thức tập luyện trong võ thuật có thể xem như một dạng Safe Zone, chẳng hạn như được HLV dẫn đòn với các công cụ chuyên dụng như mitt, kick pad…. hình thành các drill để có thể tập đi tập lại một kỹ thuật nhiều lần, hoặc sparring (đấu tập) nhẹ với đầy đủ dụng cụ bảo hộ.

Tập luyện với mitt, pad… là cách hay để tạo phản xạ với đòn thế, hoàn chỉnh tư thế ra đòn, cũng như tạo môi trường rất “thật” nhưng an toàn để tập luyện.

Những kiểu tập này, không chỉ hạn chế chấn thương sinh lý đối với người võ sĩ mà còn tạo nên một Safe Zone tâm lý, giúp họ có thể tập luyện, thử nghiệm và khắc ghi các kỹ thuật một cách tự tin. Trong giai đoạn đầu tiên, họ sẽ tập luyện mà không gặp trở ngại gì từ đối thủ. Còn chuyện sau này họ phải đối mặt với đối thủ thật, dĩ nhiên mọi thứ sẽ khác với tập luyện, nhưng họ đã có thể để các kỹ thuật và chiến thuật đúng đắn “ăn” sâu vào tiềm thức hành động.

Sparring – một cách tập áp dụng nguyên lý Safe Zone – tạo ra môi trường an toàn và tự tin để hoàn chỉnh đòn thế.

Khác với trẻ nhỏ, nhiều người tập luyện võ thuật thường có tính “sĩ diện” rất cao, sợ làm sai, không dám thử một kỹ thuật quá nhiều lần khi đã sai lần đầu. Điều đó thực sự xóa bỏ yếu tố Safe Zone, làm chậm tiến trình tập luyện rất nhiều.

Một người HLV giỏi là người dạy đúng kỹ thuật, truyền được cảm hứng. Thế nhưng, nếu muốn trở thành một HLV thực sự “hiện đại”, những yếu tố đậm chất khoa học như Safe Zone cũng là điều không thể  bỏ qua.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”101266″]

Y.N