Vì sao vũ khí nhọn là “tử thần” mọi thời đại

Nhìn một vòng quanh những vụ án mạng được đăng tin trên báo đài, ta dễ dàng nhận thấy vết thương từ các vũ khí nhọn như dao, tua vít luôn đứng đầu bảng danh sách nguyên nhân. Thực ra, đây vốn là câu chuyện “xưa như Trái Đất”.

 

Nhìn lại lịch sử phát triển vũ khí lạnh, ta dễ dàng nhận thấy các vũ khí nhọn có một chỗ đứng đặc biệt và thậm chí lấn át tiêu chí “bén” của vũ khí. Giáo mác là những vũ khí thô sơ đầu tiên của con người và tiếp tục được sử dụng hàng ngàn năm sau đó. Thậm chí, lý thuyết quân sự của hầu hết nền văn minh từng tồn tại trong lịch sử loài người đều thống nhất rằng giáo nhọn và khiên chắn là tổ hợp vũ khí rẻ, dễ trang bị rộng rãi nhưng hiệu quả nhất. Cùng với những niên đại lịch sử như thế, những mũi tên (cung, nỏ) cũng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên các chiến trường khắp mọi nền văn minh.

Hầu hết các nền văn minh đều chọn thương – giáo là vũ khí trang bị đại trà vì dễ chế tạo nhưng vẫn đem lại hiệu quả sát thương cao.

Lại nói về thời Trung Cổ ở châu Âu – một trong những giai đoạn phát triển bậc nhất của lịch sử vũ khí, các vũ khí nhọn vẫn là một lựa chọn ưu tiên. Các mẫu trường kiếm có thể không cần quá bén (để chịu được va đập với giáp của đối thủ – lưỡi càng bén càng mỏng và dễ bị hư mòn), nhưng nhọn vẫn là yếu tố cần thiết. Sau thời kỳ của những bộ giáp và vũ khí “nồi đồng cối đá”, các mẫu kiếm nhọn như rapier lên ngôi. Mãi đến trước khi vũ khí lạnh bị hỏa khí súng đạn xóa sổ khỏi chiến trường hiện đại, vẫn còn một cái tên để lại nỗi ám ảnh: những mũi lê nhọn.

Ví dụ cuối cùng vũ khí lạnh để lại nỗi kinh hoàng trên chiến trường, đó vẫn là một vũ khí nhọn: lưỡi lê.

Nhìn lại từ những vụ ẩu đả cho tới án mạng ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, ta dễ dàng phát hiện một điều: các vụ sử dụng kiếm, mã tấu… hay vũ khí tương tự thường ít gây án mạng dù “quy mô” vụ việc rất lớn, nhưng một khi đã động đến vũ khí nhọn như dao Thái Lan hay thậm chí… tua vít, dù chỉ là một vụ xô xát nhỏ hay “lỡ tay” cũng có khả năng rất cao gây chết người. Vì sao?

Trước hết, cần tìm hiểu nguyên nhân gây tử vong khi cơ thể bị tác động bởi vũ khí bén – nhọn (trong bài viết này không tính tới các vũ khí gây chấn thương va đập như chùy hay các vũ khí khác như súng điện…). Nếu không tính tới các trường hợp quá phức tạp, các nguyên nhân tử vong bao gồm:

  • Mất máu quá nhiều
  • Ngừng chức năng nội tạng hoặc thần kinh
  • Tràn dịch nội tạng vào máu (một số cơ quan nội tạng có dịch độc như mật, gan… nếu để tràn vào mạch máu có thể gây tử vong)
Xương sườn và cánh tay có thể che được hơn 3/4 diện tính các đòn chặt, chém vào nội tạng, nhưng gần như không che được gì với những đòn đâm.

Một trong những nguyên nhân chính khiến vũ khí bén (tác động chặt, chém, cứa…) không gây tử vong nhiều như vũ khí nhọn (tác động đâm) là do có quá nhiều yếu tố tác động tới “chất lượng” vết thương. Một cú chặt – chém bình thường thường sẽ trúng vào tứ chi hoặc xương sườn trước khi chạm được vào tới nội tạng, dẫn tới việc hai nguy cơ là ngừng chức năng hoặc tràn dịch nội tạng sẽ ít xảy ra. Nếu người chém không có kỹ thuật hoặc hung khí không có biên dạng thiết kế phù hợp cho động tác chiến đấu, vết chặt – chém thường có hiện tượng “lật lưỡi”, khiến lưỡi bén không tác động vuông góc vào cơ thể người và không gây vết thương nghiêm trọng nhất có thể. Diện tích tiếp xúc của đòn chém khá lớn và thường cắt qua nhiều phần cơ – xương nên giảm lực tác động rất nhiều, khó gây vết thương sâu.

Kiếm đạo Nhật sử dụng bài chém bó chiếu hoặc thân tre chủ yếu là để kiểm tra độ cân bằng của nhát chém. Vết chém tạo ra nếu có đường cong là đã bị “lật lưỡi”, không tạo ra kết quả chém tốt nhất có thể.

Trong khi đó, không có nhiều thứ có thể tác động tới “chất lượng” cú đâm. Một vũ khí với độ cứng và độ nhọn cỡ… chiếc đũa gỗ là đủ để xuyên thẳng vào lồng ngực người bình thường nếu được truyền đủ lực và tốc độ. Với những cú đâm, khung xương lồng ngực gần như không còn chức năng che chắn cho phổi và tim. Góc độ những cú đâm cũng dễ tiếp cận và xuyên thủng ổ bụng (với rất nhiều nội tạng quan trọng) hơn là cú chém, chặt. Thậm chí một con dao găm tốt hoàn toàn đủ khả năng xuyên thủng hộp sọ.

Hãy ý thức rõ hơn về sự nguy hiểm của các vũ khí nhọn, và quên luôn chuyện tay không đối đầu với chúng!

Về mặt thao tác, các vũ khí nhọn như dao, tua vít… cùng với động tác đâm của nó dễ điều khiển hơn rất nhiều so với các vũ khí nặng hơn như kiếm, mã tấu. Một gã trai trưởng thành chưa chắc chém được một cú “chất lượng” bằng cây mã tấu nhưng một cô gái yếu ớt hoàn toàn đủ khả năng (thậm chí là vô tình) lấy mạng người bằng con dao và cơn hoảng loạn. Cũng vì trọng lượng và kích cỡ khác nhau nên những con dao gọn, nhỏ có thể thao tác nhanh hơn, khó nhìn thấy, kiểm soát hơn. Và vì thế, dưới góc nhìn như một vũ khí, đương nhiên là dao nguy hiểm hơn.

Chốt lại, có thể thấy lịch sử quân sự của nhân loại dành sự ưu ái đặc biệt cho các vũ khí chuyên đòn đâm như mũi tên, kiếm nhọn, giáo mác là hoàn toàn mang lý do chính đáng. Sống trong thời hiện đại, mỗi người càng phải dựa vào kiến thức đó mà đánh giá đúng mức độ nguy hiểm khi đối mặt với vũ khí, bảo toàn mạng sống và sức khỏe của bản thân. Bạn hoàn toàn có thể đứng dậy sau khi bị mũ bảo hiểm đập vào đầu, nhưng không có cơ hội thử lại nếu trúng một nhát dao.

Hồ Võ