Có nhiều người hoặc coi thường hoặc không để ý tới bộ môn Y Võ Dưỡng Sinh nên ít ai biết tới tác dụng của nó trong đời sống con người. Thật ra đây là một bộ môn phối hợp Võ thuật và Y thuật rất có ích lợi cho đời sống chúng ta. Để có thể hiểu rõ hơn về tầm mức quan trọng của bộ môn, chúng tôi đã tìm gặp anh Trương Văn Lương, người đã gắn bó với phong trào Y Võ Dưỡng Sinh ngay từ những ngày đầu, và hiện là Ủy viên Thường trực Ban Chấp Hành Hội Y Võ Dưỡng Sinh thành phố, đồng thời là trưởng bộ môn Hiệp Khí Thái Cực. Sau đây là những ý kiến của anh Trương Văn Lương, trình bày về Y Võ Dưỡng Sinh.
Y võ dưỡng sinh có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Vovinam dưỡng sinh: “Sống khỏe, sống vui, sống trường thọ”
Y Võ Dưỡng Sinh Là Gì?
Xưa kia khi nói đến Võ thuật, người ta chú trọng nhiều đến khía cạnh tự vệ và chiến đấu, hoặc cao hơn nữa, người ta quan niệm võ học để tu tâm dưỡng tính mà khi ứng dụng vào đời sống xã hội thì võ thuật giúp người ta có sức mạnh để bảo vệ biên thùy chống ngoại xâm.
Ngày nay, những tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến con người mạnh không do thể lực mà do vũ khí nên giá trị của võ thuật cũng bị giới hạn nhiều. Dần dần các môn võ thuật đã biến đổi thành những bộ môn mang tính cách thể dục thể thao tạo sức khỏe cho con người, do đó nếu có thi đấu thì cũng chỉ nằm trong khuôn khổ của qui chế, kỹ thuật bị giới hạn, không kể nó có thể bị mai một đi phần nào, chẳng khác gì những bộ môn thể thao khác. Hơn nữa, võ thuật đã trở thành phong trào, có nhu cầu lập thành tích thi đua, và cũng vì tính cách tranh thắng đó mà người ta có thể quên đi cái tinh hoa của nó để chỉ nghĩ đến thắng lợi nhất thời.
Thật ra, võ thuật còn có một mặt khác vô cùng hữu ích cho đời sống mà ít người chú ý tới, đó là sự rèn luyện tính khí con người. Bởi vậy, người ta thường đi tìm những chiến thắng tương đối của cá thể, vô tình làm lu mờ cái giá trị siêu việt của võ thuật. Trong võ thuật còn có cả “võ y”. Xưa nay hầu như các vị thầy võ đều biết về y lý. Mà khi nói đến y lý thì không ai phủ nhận rằng trong các cuốn y thư từ cổ chí kim, ở ngay trang đầu đã nhấn mạnh đến việc dưỡng sinh! Dưỡng sinh có nghĩa là nuôi dưỡng sự sống của con người, xuất phát từ lòng hiếu sinh mà ra. Do có hiếu sinh mà sinh ra dưỡng sinh. Đó là tinh thần đầu tiên và cốt tủy của y lý. Một vị lương y không thể không quan tâm đến việc hiếu sinh của loài người.
Từ “Y võ dưỡng sinh” bắt đầu có từ năm 1983 được chọn là “Năm quốc tế người già” đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với mục đích dùng võ để hỗ trợ cho y, để giúp phòng chống bệnh tật, phục hồi sức khỏe, và ngược lại dùng y trên cơ sở của hai nền y học hiện đại và y học cổ truyền để soi sáng cho các kỹ thuật hoặc những hình thức vận động của võ, hầu đạt được yêu cầu dưỡng sinh. Như vậy không phải cứ võ là có thể dùng cho người già yếu hoặc có bệnh tập được, mà phải có y ở trong, nên phong trào tập luyện này được mệnh danh là “Y võ dưỡng sinh”.
Trong tinh thần đó, võ thuật được mở ra một hướng mới hay nói cách khác, một mặt trận mới, mà đối thủ không phải là người mà là bệnh tật, hằng triệu người già mà cũng như trẻ đang mang nhiều bệnh mãn tính mà thuốc men ngày nay chưa hoàn toàn hữu hiệu đối với một số bệnh tật. Số người bệnh này tại thành phố chúng ta hàng năm đã phải tốn kém cả triệu Mỹ kim để nhập vào những thứ thuốc an thần, chấn thống, mà chẳng bao giờ có thể chấm dứt được bệnh tật, cái hậu hoạn không những là một gánh nặng cho gia đình, mà cho cả xã hội chúng ta trong thời kỳ kinh tế còn đang khó khăn hiện nay. Do đó phong trào tập Y Võ Dưỡng Sinh là một phong trào hết sức cần yếu. Đây là phương thức phối hợp y thuật và võ học nhằm giúp cho người luyện tập có sức khỏe tránh bệnh tật, hoặc nếu có bệnh thì sớm hồi phục sức khỏe, chữa lành bệnh, khiến ta kéo dài được tuổi thọ và sống vui khỏe mạnh. Đây là con đường hướng thiện của võ thuật và chính là đỉnh cao của võ thuật vậy.
Trong kỳ tới, chúng tôi sẽ trình bày cặn kẽ hơn về phong trào Y Võ Dưỡng Sinh và những kết quả thực tế khiến cho người ngoại quốc rất chú ý nghiên cứu và các giới thẩm quyền đã quyết định đưa vào ngành y học của dân tộc.
Theo Võ sư Trương Văn Lương
Nguồn: Tìm hiểu võ thuật (1991)