Không cần đợi đến đến khi chàng võ sĩ MMA Trung Quốc đánh bại cao thủ Thái Cực quyền chỉ trong 10 giây, võ tổng hợp MMA vốn đã là một trong những đề tài tranh luận nóng nhất từ có của làng võ thuật. Cũng phải nói rằng cộng đồng võ thuật thế giới chưa từng chứng kiến một thể thức đối kháng nào phát triển mạnh, đột biến như MMA. Tại Việt Nam, MMA bắt đầu được biết đến rộng rãi từ khoảng năm 2005.
Trận đấu “hoang dại” nhất trong lịch sử MMA
Demi Lovato: “Tập luyện MMA giúp tôi tự tin hơn”
Đi kèm với sự nổi tiếng, phổ biến luôn là những thông tin cần thiết để cộng đồng hiểu rõ hơn về các bộ môn, thể thức mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do (thiếu người tiên phong, hạn chế về trao đổi kiến thức, thông tin…) nên những kiến thức ở MMA được cập nhật tại Việt Nam khá chậm và gây ra nhiều hiểu lầm trong giới võ thuật Việt. Sau đây là những nỗi “oan thấu trời xanh” mà MMA gánh chịu tại Việt Nam.
“MÁU ME VÀ CHẾT CHÓC”
Cần thừa nhận rằng găng MMA có độ cứng, “góc cạnh” và dẫn đến dễ gây rách da chảy máu hơn găng đấm bốc vốn đã quen thuộc tại Việt Nam và gắn bó với nhiều môn như Vovinam, Võ cổ truyền, Muay, Boxing… Việc cho phép các đòn chỏ – gối, đánh bằng cạnh tay… cũng khiến võ sĩ dễ chảy máu hơn rất nhiều. Ngoài ra, do yêu cầu thi đấu liên tục và liền mạch nên các võ sĩ MMA khi chảy máu không được tạm dừng trận đấu để nhận sự can thiệp của bác sĩ mà chỉ có thể… bỏ cuộc luôn hoặc cố gắng sinh tồn đến khi hết hiệp.
Tuy nhiên, vẫn có một số điều cần suy nghĩ lại về quan điểm: “MMA máu me và chết chóc”.
- Mỗi năm Boxing thế giới lấy đi trung bình 40 mạng người. Tổng số người chết trong quá trình thi đấu MMA tính tới thời điểm này vẫn chưa đếm hết 10 đầu ngón tay. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng găng MMA gây chấn thương “cứng” bên ngoài nhưng không tổn thương não đáng sợ như găng Boxing.
- Vấn đề “đổ máu bao nhiêu là phải dừng” thuộc về trọng tài, và trọng tài chịu ảnh hưởng từ nhà tổ chức giải đấu. UFC là một ví dụ, họ chấp nhận để võ sĩ đổ máu để mua tính giải trí, mua độ máu lửa. Các giải MMA nghiệp dư không có yếu tố này và việc để yên cho võ sĩ tiếp tục thi đấu với cái trán nhầy nhụa máu chiếm tỷ lệ rất thấp.
- Nhiều võ sĩ, HLV MMA nổi tiếng khẳng định chấn thương MMA cũng chỉ ngang hàng với những môn đã phổ biến như Muay Thái.
- Ngày nay, MMA được giảng dạy toàn thế giới như một cách rèn luyện sức khỏe, hình thể và có giá trị như Yoga, thể hình bình thường… chứ không chỉ dùng riêng cho võ đài.
“GẦN NHƯ KHÔNG CÓ LUẬT”
Lối đánh tổng hợp với kỹ thuật ở cả 3 trường phái Striking (va chạm), Wrestling (Vật) và Grappling (Khóa siết) khiến nhiều người tưởng rằng MMA không có luật. Trên thực tế, MMA ngày nay là hình thức thi đấu võ thuật đối kháng có hệ thống luật thuộc hàng phức tạp bậc nhất. Bên cạnh việc cấm nhiều đòn hiểm như húc đầu, cấu xé vết thương hở của đối thủ, chọc mắt, tấn công hạ bộ…. mà MMA còn có những quy định chặt chẽ về những khía cạnh mà các thể thức đối kháng khác không có, chẳng hạn như các luật hạn chế đòn khi có võ sĩ đã vào trạng thái grounding (nằm). Các điều luật về bảo hộ, tính điểm, cách cornerman được can thiệp vào trận đấu, các hành vi phi đối kháng như nắm lồng sắt, nhả bảo hộ hàm… cũng được quy định rạch ròi.
Nếu viết luật MMA cụ thể ra, bộ luật này đầy đủ, chi tiết và dài không thua kém bất cứ bộ luật võ thuật đối kháng thể thao nào từng tồn tại.
“HẠ GỤC ĐỐI THỦ BẰNG MỌI CÁCH”
Câu hỏi đặt ra: Có môn võ thuật đối kháng nào không nhằm mục đích thể hiện sự vượt trội kỹ thuật bằng cách chiến thắng đối thủ một cách tuyệt đối? Boxing có knock out, Judo có ippon… và MMA có sự tổng hợp của tất cả điều đó là đương nhiên.
Yếu tố khiến người ta có ác cảm với MMA có lẽ là do việc để các võ sĩ được quyền tiếp tục tấn công khi đối thủ hoặc chính bản thân đã ngã. Nó vi phạm truyền thống mã thượng của người Á Đông, bởi lẽ văn hóa và võ thuật Á Đông cho rằng người đã ngã không còn khả năng tự phòng vệ, được xem như một người đã đến gần với cái chết và chắc chắn thất bại nếu như đối thủ tiếp tục tấn công.
Nhưng MMA sự bao hàm hệ thống kỹ thuật grappling – hệ thống đòn thế chuyên để xử lý những tình huống “ngã ngựa”. Những người đã ngã xuống có kỹ thuật riêng để xử lý mọi thứ, thậm chí vẫn chiến thắng (như cách Fabricio Werdum đã làm để siết cổ huyền thoại Fedor Emelianenko).
Như vậy, xét về mặt kỹ thuật, cuộc chiến của MMA vẫn chưa kết thúc khi có người đã ngã. Các võ sĩ được tiếp tục tấn côn là để tạo điều kiện cho sự phát triển các kỹ thuật grappling – vốn chuyên để xử lý tình huống “đánh nằm”.
Vậy, có gì sai khi một thể thức đối kháng đang cố bảo tồn, phát triển và chứng minh những đặc trưng kỹ thuật của nó?
“CHẮT LỌC TINH HOA NHIỀU MÔN VÕ”
MMA không phải một bộ môn, mà là một thể thức đối kháng vốn được sinh ra để tất cả mọi ôn phái có thể so tài một cách công bằng. Thực ra có tồn tại tình trạng MMA từ một “thể thức” dần tiến triển thành một khái niệm gần giống “bộ môn” hơn, một hệ thống kỹ thuật bắt đầu có sự chọn lọc khắc nghiệt và mang tính thống nhất giữa các HLV, phòng tập và xa hơn nữa là toàn thế giới với nhau. Tiến trình đó là công sức của hàng ngàn người chứ không riêng bất cứ cá nhân, tập thể hay võ phái nào. Các kỹ thuật này được thử thách theo nguyên lý “võ sĩ A cảm thấy kỹ thuật X dùng được, kỹ thuật Y không dùng được, anh ta quyết định chỉ tập kỹ thuật X”.
Như vậy, quan điểm “MMA chắt lọc tinh hoa các môn võ” là nửa đúng nửa sai. Vẫn có những tinh hoa mà MMA – hay nói đúng hơn là những người tập luyện thể thức MMA không thể “chắt lọc” được nhiều kỹ thuật mang tính chất “phi thể thao”, chẳng hạn như các kỹ thuật không dùng để đánh võ đài mà tự vệ, đánh “nguội” đánh bất ngờ. Cũng không có bất cứ cá nhân hay đơn vị nào chủ trì sự “chắt lọc” đó. Đó là sự đồng thuận của cả cộng đồng khi cùng nhau thử nghiệm các kỹ thuật, chẳng hạn như cú lowkick kinh hoàng của Muay Thái chinh phục Kickboxing và trở thành “khuôn vàng thước ngọc” trong lối đá của Muay Thái vậy.
https://www.youtube.com/watch?v=UDdpUQfVPGk
Hồ Võ