Chỉ giành được 1 chiến thắng trong 5 năm qua, Conor McGregor dần đánh mất vị thế tên tuổi hàng đầu trong làng UFC.
Ngày 6/4/2013, HLV MMA Mark Henry đến nhà thi đấu Ericsson Global ở Stockholm (Thụy Điển) để theo dõi một trong những võ sĩ của mình thượng đài. Hôm ấy, McGregor chào sân UFC với màn chạm trán Marcus Brimage.
“Gã điên” khiến tất cả ngỡ ngàng với chiến thắng chóng vánh. Anh bỏ túi luôn giải thưởng “cú knock-out của đêm”. Từ phòng thay đồ, Henry bị choáng ngợp bởi màn trình diễn của McGregor.
Ông ấn tượng với võ sĩ người Ireland đến mức phải gọi cho tay quản lý chuyên cáp kèo, yêu cầu tránh để võ sĩ của mình đụng độ McGregor ở trận tiếp theo. “Đó có thể là một trong những trận đấu ấn tượng nhất tôi từng theo dõi trong MMA”, Henry nhớ lại.
“Gã đó (McGregor – PV) dường như là người giỏi nhất nếu xét về cách di chuyển, tốc độ, khả năng ra đòn và tiên đoán ‘đường đi nước bước’ của đối thủ”.
Chỉ sau 1 trận tại UFC, McGregor trở thành “Quý ngài hoàn hảo”, người sở hữu tất cả. “Tôi nghĩ McGregor là một trong những võ sĩ giỏi nhất mà tôi từng thấy ở thời điểm đó”, Henry nhấn mạnh.
McGregor giống như “dị nhân” của làng MMA. Anh có sự thăng tiến không giống bất kỳ điều gì từng xảy ra trong lịch sử giải đấu. Trải qua 10 trận đầu tiên tại UFC, McGregor thắng đến 9 và chỉ thua 1, trong đó bao gồm 7 lần đánh bại đối thủ bằng T.KO (Knock-out kỹ thuật) và K.O (Knock-out). “Gã điên” cũng trở thành võ sĩ UFC đầu tiên giữ đai vô địch ở hai hạng cân cùng lúc.
McGregor bước lên vị thế siêu sao, nhân vật của công chúng, “ngỗng đẻ trứng vàng” của UFC. Mỗi trận đấu của võ sĩ người Ireland luôn thu hút rất đông người xem. Thế giới từng được thấy một “Gã điên” xuất sắc như vậy.
McGregor đang đánh mất điều gì?
Vào chủ nhật này (11/7), McGregor thượng đài ở UFC 264 (Las Vegas, Mỹ). Đối thủ của anh là Dustin Poirier, người khiến võ sĩ sinh năm 1988 nhận thất bại bẽ bàng hồi tháng 1. Suốt 5 năm qua, “Gã điên” chỉ thắng được 1 trận và thua tới 2.
Vậy điều gì đang xảy ra với võ sĩ từng được xem có thể trở thành ngôi sao vĩ đại nhất? Sự sa sút của McGregor chỉ mang tính tạm thời hay anh đã qua thời đỉnh cao?
Theo một số HLV và chuyên gia MMA hàng đầu thế giới, vấn đề của McGregor đến từ việc không duy trì cường độ thi đấu. Từ năm 2016 (sau chiến thắng trước Eddie Alvarez), “Gã điên” chỉ thượng đài 3 trận. Để so sánh, Dustin Poirier bước lên sàn đấu tới 12 lần trong cùng thời gian, còn huyền thoại Khabib Nurmagomedov đấu tới 6 trận.
Những kỹ thuật từng giúp McGregor vươn lên hàng siêu sao của MMA dần mất đi. “Cậu ấy phải trở lại di chuyển như một võ sĩ karate”, người đồng nghiệp Stephen Thompson của McGregor nhấn mạnh.
Năm 2015, McGregor hạ gục huyền thoại Jose Aldo bằng đòn phản công tuyệt vời để giành đai vô địch hạng lông. Hôm ấy, cách di chuyển của “Gã điên” hệt phong cách trong Karate, yếu tố giúp võ sĩ này tạo ra khác biệt.
Còn lúc này, các chuyên gia cho rằng phong cách của McGregor trở lại kiểu truyền thống và không có bất cứ sự “tinh quái” nào. HLV Brandon Gibson của Jackson Wink MMA phân tích: “Ở trận đấu với Poirier lần thứ hai, chúng ta thấy Conor di chuyển rất cứng nhắc, tỏ ra vuông vức, phần hông lại không cho thấy sự dẻo dai”.
McGregor còn mất khả năng trả đòn. Ở tuổi 32, sau khi đã có tất cả từ danh hiệu đến tiền bạc, “Gã điên tỏ ra thiếu kiên nhẫn, anh nhập cuộc trực diện, muốn giải quyết trận đấu chóng vánh, thay vì chờ đợi đối phương sơ hở trước khi tung ra đòn chí mạng.
HLV Eddie Cha của Fight Ready nhận định: “McGregor không còn đủ kiên nhẫn. Năm 2016, khi xem McGregor, chúng ta thấy anh ấy có những pha ra đòn giả mạo (đá trước – PV), thường xuyên nhử đối thủ. Khi ấy McGregor giống như thu mình, buộc đối thủ phải ra đòn trước, sau đó anh ấy sẽ phản đòn bằng tay trái”.
Cách McGregor thi đấu (trước Dustin Poirier hồi tháng 1 – PV) được HLV Eddie Cha miêu tả giống như “trong trạng thái hoảng sợ” và “tôi phải cố gắng kết thúc đứa trẻ này”. Điều đó khiến “Gã điên” trả giá.
Đòn chân, sự kiên nhân và phản công là những yếu tố cơ bản giúp McGregor vươn lên dẫn đầu UFC. Còn hiện tại, điều đó biến mất. Khả năng đọc trận đấu và tiên đoán đối thủ làm gì của võ sĩ người Ireland không còn, khiến cho thứ vũ khí nguy hiểm nhất – những pha phản đòn – vô tác dụng.
McGregor cũ kỹ
Thống kê từ ESPN chỉ ra Dustin Poirier tung ra 18 cú đá vào chân McGregor trong hơn 1 hiệp rưỡi hồi tháng 1 – phần lớn trong số đó nhắm vào bắp chân phải (chân trụ) của McGregor. HLV Eric Nicksick của Xtreme Couture phân tích kỹ thuật này nhằm phá dây thần kinh trụ gối, dẫn đến tê liệt toàn bộ bàn chân.
Đòn đá thấp vào bắp chân là kỹ thuật rất phổ biến trong thi đấu MMA suốt 4 năm qua, thời gian trùng với việc McGregor không thi đấu. Sau trận đấu với Poirier, “Gã điên” người Ireland thừa nhận những đòn đá thấp không phải thứ anh thường tập trung phòng thủ trước đây.
“Tôi cảm thấy bối rối khi trong cuộc phỏng vấn sau trận, McGregor thừa nhận anh ấy chưa bao giờ bị đá vào bắp chân và khiến bản thân đau như vậy”, HLV Eddie Cha nói.
Poirier thành công trong việc áp dụng chiến thuật mới – đòn đá thấp vào bắp chân – và khiến McGregor bất ngờ. Yếu tố này trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng giúp võ sĩ người Mỹ đánh bại đối thủ được đánh giá cao hơn.
Trong khi Poirier có sự nâng cấp kỹ thuật, McGregor lại tỏ ra cũ kỹ. Anh không sử dụng những đòn đá nhiều. Điều này hoàn toàn khác so với hình ảnh “Gã điên” khi chạm trán Brimage, Chad Mendes, Dennis Siver và Max Holloway.
Trong trận gặp Mendes, McGregor tung ra 15 đòn đá (theo thống kê từ ESPN). Ở lần chạm trán thứ hai với Nate Diaz, anh tung ra 40 cú đá. Đụng độ Dustin Poirier hồi tháng 1, chỉ có 2 cú đá vào chân và 4 đòn vào phân thân (body) đối thủ được “Gã điên” tung ra.
Chuyên gia Angela Hill của ESPN tin rằng McGregor đã xuống sức, khiến anh không thể sử dụng những cú đá. “Khi ra đòn bằng chân, bạn phải sử dụng toàn bộ cơ thể. Điều này cũng đồng nghĩa mất nhiều sức hơn”, Angela Hill phân tích.
“Khi đạt đến mức độ nhất định, bạn cảm thấy chỉ muốn sử dụng đòn tay, và bỏ quên kỹ thuật đá. Lúc này, một võ sĩ chỉ tung đòn chân khi thật sự cần thiết”, chuyên gia MMA cho biết thêm.
McGregor không phải đô vật. Vì vậy, anh bỏ qua những đòn đá. “Gã điên” mạnh về sử dụng đòn tay, như kiểu boxing. Điều này đồng nghĩa các đối thủ chỉ cần nghiên cứu chuyển động ở phần vai và tay của “Gã điên”.
Dấu hỏi cho khát khao
McGregor là vĩ UFC được trả lương cao nhất mọi thời đại. Hồi tháng 4, “Gã điên vừa bán lượng lớn cổ phần thương hiệu rượu whisky Proper Twelve Irish với giá 600 triệu USD. Trước đó, võ sĩ người Ireland được cho là bỏ túi 127 triệu USD nhờ thượng đài với Floyd Mayweather.
Với khối tài sản khổng lồ, điều này cho phép McGregor tận hưởng cuộc đời vương giả. Anh có mọi thứ từ nhiều năm trước. Khát khao của “Gã điên” dường như không còn cháy bỏng.
“Tôi nghĩ sau trận đấu với Mayweather thì McGregor chẳng còn gì để làm nữa. Anh ấy đã thống trị UFC, sửa sai trong trận tái đấu với Nate Diaz và giành chiến thắng. McGregor cũng đã có hai đai vô địch”, HLV Sayif Saud của Fortis MMA nói.
Khi ra mắt UFC vào năm 2013, McGregor còn là thợ sửa ống nước đang hưởng phúc lợi xã hội tại Ireland. Tháng 1/2021, “Gã điên” tới UFC 257 ở Abu Dhabi (UAE) bằng chiếc du thuyền sang trọng. Năm 2020, võ sĩ này được xếp vào nhóm VĐV giàu nhất trên tạp chí Forbes.
Sự khát khao giúp võ sĩ thi đấu bùng nổ hơn. Anh ta sẽ muốn làm mọi thứ để trở thành người giỏi nhất, từ đó kiếm được khoản thu nhập hấp dẫn. Các hợp đồng quảng cáo cũng không mời mà đến.
Người hâm mộ có quyền nghi ngờ động lực của McGregor. Thế nhưng, “Gã điên” vẫn thượng đài sau khi đứng trên núi tiền, đó là điều đáng ghi nhận. Chính võ sĩ người Ireland cũng thừa nhận “không bao giờ muốn nghỉ thi đấu”.
Tiền bạc với McGregor đã không còn quan trọng. Theo ESPN, động lực lớn nhất để “Gã điên” thượng đài chính là “muốn tạo ra di sản”. Ngôi sao MMA hy vọng tạo ra được kỷ lục vô tiền khoáng hậu, để tất cả nhắc tới mình.
Nhưng chỉ với điều đó có đủ giúp McGregor “rửa hận” trước Dustin Poirier, ở lần thứ ba chạm trán đối thủ?
Theo Zing News