Một cái nhìn chuyên sâu vào tình hình tài chính không như mơ của ONE Championship

(VoThuat.vn) – Công ty quảng bá võ tổng hợp ONE Championship đã có mặt trên các trang báo tuần vừa qua với một vài chuyển biến khá lớn.

Đầu tiên là tuyên bố họ đã kết thúc vòng huy động vốn với số tiền thu được là 166 triệu đô la Mỹ (~3,880 tỉ VND), đưa dòng vốn nền của mình lên con số trên 250 triệu đô la Mỹ (~5,844 tỉ VND). Sự kiện này đã đưa sự đầu tư chưa từng thấy dành cho một công ty quảng bá MMA còn non trẻ lên một tầm cao mới. Ngay cả Zuffa còn không dám đầu tư nhiều đến thế cho UFC trước khi đạt được thành công với Ultimate Fighter. Sự kiện này chỉ có thể so sánh với hàng trăm triệu đô la Mỹ mà Waddell & Reed Financial đã đầu tư cho Premier Boxing Champions.

Thứ hai là việc ONE Championship ký hợp đồng với cựu vô địch UFC và nhà vô địch Bellator hạng lightweight Eddie Alvarez, võ sĩ MMA kì cựu nhất mà ONE đã từng có may mắn được ký hợp đồng. Điều này không chỉ cho thấy họ rất cố gắng trong việc giành được những võ sĩ hàng đầu của môn thể thao này, mà nó còn trở thành sự lựa chọn thu hút thêm nhiều võ sĩ.

Những tin tức như vậy càng khẳng định lời xác nhận của ONE Championships rằng họ không giống như những công ty quảng bá MMA khác, mà có lẽ là hãng quảng bá đầu tiên – sau Pride – có vị thế ngang bằng với UFC.

Giống như tạp chí Forbes đã nói, UFC và ONE đại diện cho một thị trường “lưỡng độc quyền” trong môn thể thao này. Khi mà Ultimate Fighting Championship (UFC) là “Nhà thống trị của võ tổng hợp thế giới ở phương Tây,” thì ONE Championship “có ưu thế hơn ở phương Đông.

Khoảng đầu năm nay, tờ Variety định giá trị của ONE Championship ở con số 1 tỉ đô la Mỹ, trong khi giám đốc điều hành của hãng, ông Chatri Sityodtong, còn dự đoán rằng ONE sẽ không chỉ đắt giá hơn cả NFL mà còn dễ dàng “ăn tươi nuốt sống” UFC.

Trong khi những lời khoe khoang đó chỉ mang tính cường điệu, thì có một vài dòng quan điểm được chia sẻ rất đáng chú ý bởi chủ tịch của UFC, ông Dana White, người đứng ra làm chứng rằng ONE là “một con quái vật” khi được hỏi trong vụ chống độc quyền của Zuffa vào năm ngoái.

“Nghe này – Tôi sẽ nói cho các bạn biết điều khiến tôi phát điên, khiến tôi kiệt quệ, đó là khi chúng tôi đang cố để tiến vào thị trường châu Á; nên chúng tôi cũng đang tiếp tục tác động tới thị trường này trong một thời gian dài. Và cứ mỗi lần trả lời phỏng vấn ở đó, họ toàn hỏi những câu như, “Các anh có giống như ONE FC không? Các anh là như vậy phải không?” Kiểu như vậy. Tôi hiểu là nó thuộc sở hữu của một tỷ phú. Nhưng những câu hỏi đó vẫn chưa dứt trong những lần phỏng vấn sau đó của tôi tại châu Á. Lúc đó tôi hiểu rằng ONE FC không phải tổ chức nghiệp dư. Họ là một con quái vật.”

Vấn đề nằm ở những tuyên bố bởi ONE Championship, báo chí, và cả Dana White, là chúng còn không tương xứng với thực tế ở thời điểm hiện tại.

Trang báo Bloody Elbow đã yêu cầu một bản báo cáo tài chính được thực hiện bởi Group One Holdings PTE LTD – là công ty hoạt động kinh doanh dưới cái tên ONE Championship – với ACRA, Cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp Singapore (tương tự với SEC – Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ) cho hai năm 2016 và 2017. Những tài liệu này có chi tiết về doanh thu, chi phí, thất thoát, vốn tích lũy, và tỷ lệ sở hữu của ONE trong giai đoạn 2015-2017.

Theo ý kiến của các giám đốc hãng này, như đã nói rõ trong những tài liệu tài chính:

“ Những báo cáo tài chính được hợp nhất của Tập đoàn và bản cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tình hình thay đổi vốn chủ sở hữu của Công ty đã được soạn thảo nhằm đưa ra một cái nhìn chân thực và công bằng về vị trí tài chính của Tập đoàn và Công ty tính đến 31/12/ 2017, và hoạt động kinh doanh, báo cáo tình hình thay đổi vốn chủ sở hữu  của Tập đoàn và Công ty và các dòng tiền của Tập đoàn  cho năm tài chính đã kết thúc vào thời gian đó.”

Tài liệu được soạn thảo tiết lộ về một hãng quảng bá với nguồn tài chính không (ít nhất là chưa) giống với những lời khẳng định về vị thế ngang hàng với UFC và giá trị hàng tỉ đô.

Xin lưu ý: Vì ONE dùng đô la Sing (S$) trong báo cáo, chúng tôi sẽ đưa ra số lượng với ngoại tệ tương đương, đó là đô la Mỹ (US$). Tỷ giá hối đoái hiện tại cho 1 đô la Sing là 0.73 đô la Mỹ (hay 1 đô la Mỹ trị giá 1.37 đô la Sing.)

QUYỀN SỞ HỮU

ONE Championship là tên thương mại cho Group One Holdings PTE LTD, một công ty tư nhân trách nhiệm hữu hạn bởi cổ phiếu được đăng ký ở Singapore. (từ giờ ‘ONE’ sẽ là quy ước cho cả hai.) Những hoạt động chủ yếu của công ty được liệt kê như “những công ty cổ phần khác” cũng như “Sản xuất drama, chương trình tạp kỹ và phim tài liệu (bao gồm sản xuất chương trình truyền hình).” Group One Holdings đồng thời sở hữu một vài công ty con sở hữu toàn phần khác. Những công ty con này bao gồm:

* One China Pte Ltd, được sáp nhập vào 3/8/2016 tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

* One Warrior Series Pre Ltd, được sáp nhập vào 13/12/2017 tại Singapore.

* One Athlete Management Pte Ltd, được sáp nhập vào 17/4/2018

Các bản báo cáo được soạn thảo thường bao gồm giá trị của cả “Công ty” and “Tập đoàn.” “Công ty” ở đây là Group One Holdings (ONE Championship), trong khi “Tập đoàn” được hiểu là cả Công ty và các công ty con của nó. Từ thời điểm công ty con đầu tiên được thành lập vào năm 2016, giá trị của Tập đoàn chưa thực sự được ghi nhận  trong năm 2015. Nói một cách đơn giản thì, tất cả giá trị từ báo cáo của năm 2015 sẽ được ghi nhận là của Công ty, trong khi những giá trị trong báo cáo của năm 2016 và 2017 sẽ được dành cho Tập đoàn.

ONE đã huy động được lượng vốn khổng lồ chủ yếu thông qua việc thu về được hai loại cổ phiếu: cổ phiếu “thông thường” và cổ phiếu “ưu tiên”. Cổ phiếu ưu tiên thường  đem lại một số quyền lợi ưu tiên nhất định cho những cổ đông ưu tiên, tuy nhiên một định nghĩa cho những quyền lợi đó chưa được đính kèm trong tài liệu liên quan. Bản báo cáo lưu ý rằng cổ đông ưu tiên sẽ có quyền bỏ phiếu tương đương với cổ đông thông thường, và về phần tiền lãi cổ phần, họ ở hàng “pari passu”, có nghĩa là ở mức ngang nhau. Tới thời điểm này vẫn chưa có bất kì báo cáo nào về việc tiền lãi cổ phần được thanh toán hết.

Tài liệu được soạn thảo tiết lộ về một hãng quảng bá với nguồn tài chính không giống với những lời khẳng định nghênh ngang của họ.

 Tính tới 31/12/2017, ONE đã phát hành 12,469,705 cổ phiếu thông thường nhằm huy động 45,491,735 đô la Sing vốn cổ phần và 5,090,101 cổ phiếu ưu tiên cho 90,189,416 đô la Sing vốn cổ phần. Tổng vốn cổ phần vào ngày hôm đó là 136,111,132 đô la Sing. Từ đó đã có những cổ phần phụ đã được phát hành thêm.

ONE cũng đã phát hành một vài cổ phiếu bị hạn chế như một phần của kết hoạch trao cổ phiếu đã đóng đủ, hoàn toàn miễn phí cho thành viên đủ tư cách nếu một số điều kiện nhất định bị đưa ra (không có chi tiết) được đáp ứng.

Tính tới 31/12/2017, cổ phiếu được các giám đốc và một số những cổ đông lớn nhất nắm giữ như sau:

  • Chatri Trisiripisal (được liệt kê là Chủ tịch hội đồng quản trị) nắm giữ 3,666,265 tổng số cổ phiếu.
  • Saurabh Kumar Mittal (được liệt kê là Phó Chủ tịch) nắm giữ 5,832,156 tổng số cổ phiếu.
  • Victor Cui (được liệt kê là Giám đốc) nắm giữ 370,000 tổng số cổ phiếu.
  • Matthew Hume (được liệt kê là Phó Chủ tịch bộ phận Điều hành và Cạnh tranh) nắm giữ 50,000 tổng số cổ phiếu.
  • Rebel Holding Pte Ltd nắm giữ 3,666,264 tổng số cổ phiếu.
  • Mission Holdings ở Cayman Islands nắm giữ 6,033,845 tổng số cổ phiếu.
  • Sequoia Capital Global Growth II Principals Fund ở Cayman Islands nắm giữ 1,474,577 tổng số cổ phiếu.

Khi việc Manny Pacquiao đã mua cổ phần của ONE được thông báo vào năm 2014, tên của anh lại không nằm trong danh sách các cổ đông. Ngay cả tên của Phó Chủ tịch ONE và cực vô địch UFC Rich Franklin cũng vậy.

Báo cáo doanh thu của ONE Championship

Thất thoát

Một trong những con số nổi bất nhất trong báo cáo tài chính là lượng thất thoát của ONE. Ba năm được ghi chép trong bản cân đối kế toán, mỗi năm đều chỉ ra thất thoát thường niên lên tới 8 chữ số. Bước vào năm 2015, ONE báo cáo đã chồng chất những thất thoát kể từ lúc mới thành lập vào năm 2011 đã lên tới gần 28 triệu đô Sing. Với thiệt hại hơn 10 triệu đô mỗi năm và không ngừng tăng lên, tổng thiệt hại ước tính đã đạt 93 triệu đô la Sing ở thời điểm 31/12/2017.

Tổng thất thoát hàng năm của ONE Championship

Những thiệt hại của ONE, tới cuối năm 2017 tương đương với 67 đô la Mỹ, không phải ngoại lệ đối với một hãng quảng bá MMA. Ví dụ như, Zuffa khẳng định rằng họ mắc nợ lên tới 44 triệu đô trước khi họ đảo ngược tình thế với The Ultimate Fighter.

Zuffa, tuy vậy, có thể là một ngoại lệ. Những trường hợp như IFL hay Pro Elite lại phổ biến hơn. The International Fight League báo cáo tổng thất thoát với SEC trong năm 2007-2008 là 31 triệu đô la Mỹ. Trong lúc Pro Elite, công ty mẹ của Elite XC, đưa ra con số về số tiền thiếu hụt lúc đó đã lên tới 87 triệu đô la Mỹ cho tới cuối năm 2008. Cả IFL và Elite XC đều phải đóng cửa ngay sau đó. (riêng Pro Elite vẫn tiếp tục duy trì, tổ chức thêm 3 sự kiện nữa giữa năm 2011-2012.)

Tổng thiệt hại ước tính đã đạt 93 triệu đô la Sing

Cho tới cuối năm 2016, có vẻ như ONE đã có thể cũng sẽ đi vào đường cùng, với báo cáo đưa ra cảnh báo rằng những thất thoát và khoản nợ của Tập đoàn “chỉ ra sự tồn tại của thiếu hụt về vật chất có thể dẫn đến nghi vấn nghiêm trọng về khả năng duy trì của Tập đoàn . Khả năng duy trì như một hoạt động phụ thuộc vào việc không ngừng gây quỹ từ những cổ đông.”

Quan ngại về việc gây quỹ có vẻ đã được dẹp bỏ vào năm 2017, với bằng chứng rằng báo cáo tài chính của năm đó không còn nghi ngờ khả năng duy trì của Tập đoàn. Thay vào đó, họ đưa ra số dư cuối kỳ với con số gần 45 triệu đô la Sing vào cuối năm.

Năm nay, ONE tiếp tục gây vốn, phân hành cổ phiếu vào 3 dịp:

20/04/2018, xét đến 65,790,000 đô la Sing

02/08/2018, xét đến 32,728,080 đô la Sing

13/08/2018, xét đến 27,273,400 đô la Sing

Tổng cổ phần vốn được huy động bởi ONE tính tới 13/08/2018 đã lên tới 260,902,612 đô la Sing.

Doanh thu

Quý đầu năm nay, Variety chỉ ra giá trị của ONE có thể đã vượt quá con số 1 tỉ đô và rằng “doanh thu hằng năm hoàn toàn có thể đạt 100 triệu đô. Dù chúng ta chưa để thể biết doanh thu của ONE vào năm 2018, nhưng dựa vào những báo cáo vào năm ngoái thì chưa chắc con số 100 triệu đô đã là khả thi.

Trong 3 năm qua, doanh thu đã tăng gần 30% hằng năm, với tổng doanh thu tăng từ 10 triệu đô (2015) đến 16,6 triệu đô (2017). Nghe thì có vẻ ấn tượng, tuy nhiên ONE còn một quãng đường dài để đạt được con số 100 triệu đô.

Doanh thu của One Championship 2015-2017

Những giao dịch đối lưu này đã tăng lên theo từng năm, trong cả tổng doanh thu lẫn cổ phần của doanh thu. Trong năm 2015, nguồn doanh thu này lên đến 4.3 triệu đô la Sing và chiếm 43% tổng doanh thu. Nó còn tiếp tục tăng lên tới 6.8 triệu đô la Sing và chiếm 53% tổng doanh thu trong năm 2016. Cuối cùng, vào năm 2017, họ thu về được 10.8 triệu đô Sing – tương đương gần ⅔ tổng doanh thu được ghi lại của hãng ONE. Nguồn doanh thu lớn nhất của ONE trong 3 năm vừa qua đến từ giao dịch đối lưu thông qua hình thức hàng đổi hàng – được miêu tả trong báo cáo là có liên quan đến “sự trao đổi về quyền lợi quảng cáo và truyền thông, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ khác”.

Nếu không có sự tăng trưởng trong những giao dịch đối lưu thì nguồn doanh thu đã có thể bị giảm xuống từ 2016 tới 2017, với sự đi xuống của doanh thu từ vé bán ra và từ nhà tài trợ.

Ngoài vé bán, các nhà tài trợ, phát thanh và hàng đối lưu, ONE còn kiếm ra tiền từ các nguồn như bán hàng hoá độc quyền, cho thuê booth, và truyền hình có trả phí (pay-per-view).

Nguồn doanh thu khác

Nguồn doanh thu này là không đáng kể, mặc dù một số nguồn có dấu hiệu tăng lên dần dần. Ví dụ như, bán hàng hoá độc quyền đã thu về từ 15,702 đô la Sing (2015) đến 99,379 đô la Sing (2017), trong khi truyền hình có trả phí thu về từ 31,414 đô la Sing (2015) đến 72,555 đô la Sing (2017).

Ngay cả với sự tăng trưởng đó thì doanh thu của họ vẫn chỉ chưa là gì so với 700 triệu đô la Mỹ của UFC. Họ còn phải chạy xa so với một số hãng quảng bá khác nữa. Trong năm 2008, Pro Elite kiếm được 13.1 triệu đô la Mỹ (tương đương 21 triệu đô la Sing theo tỷ giá 2017 của Singapore). Strikeforce được ước tính sẽ sinh ra hơn 20 triệu đô la Mỹ trong năm 2010 (tương đương 31 triệu đô la Sing theo tỷ giá 2017 của Singapore) trước khi bị mua lại bởi Zuffa với số tiền dự kiến lên đến 35 triệu đô la Mỹ. Còn doanh thu của Bellator có thể đã vượt quá 25 triệu đô la Mỹ năm ngoái (tương đương 34 triệu đô la Sing).

Các chi phí

Một lý do cho sự tăng lên về thất thoát là bởi sự phát sinh các chi phí trên trời cho việc quảng bá. Ví dụ như các chi phí sản xuất sự kiện đã tăng gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2017. Nguyên nhân đến từ không chỉ sự tăng lên về số lượng các sự kiện mà còn các chi phí bình quân cho mỗi sự kiện. Trong năm 2015, ONE đã tổ chức 12 sự kiện với chi phí tổ chức bình quân rơi vào khoảng 248,000 đô la Sing. Rồi nó tăng lên 14 sự kiện tiêu tốn đến 411,000 đô la Sing trong năm 2016. Tới 2017 là 15 sự kiện ngốn gần 544,000 đô la Sing.

Mặc dù các chi phí tổ chức sự kiện nhảy vọt là điều là điều dễ hiểu, đa  phần là để nâng mức thưởng dành cho các võ sĩ, nó đóng vai trò khá nhỏ trong danh sách những chi phí đang tăng lên.  Lương thưởng và quyền lợi của nhân viên (bao gồm các giám đốc), chi phí các dịch vụ chuyên môn, dịch vụ cố vấn, tổ chức sự kiện và marketing đều có xu hướng tăng gấp đôi theo thời gian, trong 3 năm qua.

Chiến lược của ONE – vì vậy khá khác biệt so với những hãng khác – sẽ cạnh tranh được với UFC. Khi mà Pro Elite không tiếc tiền để thâu tóm những hãng quảng bá khác hay Strikeforce khá thận trọng với khoản nợ của mình, đốt tiền vào những võ sĩ, thì ONE thay vào đó chi phần lớn tiền vào đội ngũ nhân viên và marketing.

 Các chi phí của ONE Championship 2015-2017

Đây rõ ràng là phù hợp với chiến lược của hãng là tập trung hơn vào nhận diện thương hiệu hơn là doanh thu. Như Chatri Sityodtong giải thích với tờ Variety:

“Giữa mô hình kinh doanh của Facebook và của chúng tôi không có gì khác nhau cả. Trong những năm đầu, mục tiêu duy nhất của Facebook là người dùng. Sau cùng thì, khi nhóm người dùng đã trở nên lớn mạnh thì họ bắt đầu nhờ tới các công ty quảng cáo. Chúng tôi quan tâm tới những người hâm mộ. (Sau cùng) chúng tôi sẽ làm việc với các hãng truyền thông và các hãng quảng cáo.”

“Chúng tôi đã hưởng khá nhiều từ vốn của mình và giờ các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra tầm nhìn của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra tính tương tác, mở rộng quy mô, rồi bắt đầu kiếm tiền trên diện rộng.”

Có lẽ chiến lược chi tiêu bây giờ và nghĩ tới việc kiếm doanh thu sau sẽ đem lại hiệu quả. Dựa vào lịch sử của nhiều hãng quảng bá MMA đã đi trước họ, việc không tạo ra được doanh thu là hoàn toàn dễ hiểu. Chỉ có thời gian mới cho ta biết nếu ONE có thể phá vỡ được mô típ này.

Tờ Bloody Elbow đã liên lạc với ONE Championship nhưng họ từ chối bình luận.

Ngọc Phương