Top 5 giải đấu MMA trên thế giới

(VoThuat.vn) Trong những năm gần đây, MMA hay còn được gọi là võ tổng hợp đã phát triển với một tốc độ chóng mặt ở khắp nơi trên thế giới. Và tốc độ phát triển này không có dấu hiệu nào là sẽ dừng lại trong nhiều năm tiếp theo.

1.  UFC

Là tổ chức MMA lớn đầu tiên trên thế giới, UFC là nơi tất cả bắt đầu. Mặc dù giải đấu đầu tiên xuất hiện vào năm 1993 với mục đích trở thành một nơi để các môn võ khác nhau có cơ hội gặp nhau trên một sàn đấu chung, nhưng việc MMA đã phát triển thành môn thể thao chiến đấu được yêu thích bởi hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới như ngày nay phần lớn là nhờ những nỗ lực của Chủ tịch UFC, Dana White và chủ sở hữu Frank và Lorenzo Fertitta, người đã mua lại UFC vào năm 2001. Trong gần 20 năm qua, họ đã làm việc không mệt mỏi với các ủy ban thể thao, các cơ quan quốc tế và thậm chí là chính phủ Hoa Kỳ để môn thể thao này được chấp nhận trên toàn cầu như những môn thể thao truyền thống khác.

Sẽ rất khó tìm được một người hâm mộ MMA nào mà chưa xem UFC. Hiện nay, tổ chức này được xếp vào hàng ngũ những tổ chức có nhiều võ sĩ nhất thế giới, bao gồm các vận động viên hàng đầu và các biểu tượng toàn cầu như Conor McGregor, Ronda Rousey, Jon Jones hay Khabib Nurmagomedov. Phát sóng trên toàn thế giới thông qua hình thức trả tiền cho mỗi lượt xem và có được các đối tác như Fox, nhờ đó UFC đã trở thành tổ chức MMA hàng đầu thế giới hiện nay với gần 20 triệu người hâm mộ trên Facebook, doanh thu khoảng 600 triệu đô la Mỹ và tổng giá trị của thương hiệu này lên đến 4,2 tỷ USD.

2. ONE championship

Trong khi UFC gần như “bá chủ” bộ môn MMA ở phương Tây, thì MMA phương Đông đã và đang nằm dưới sự thống trị của ONE Championship chỉ trong vòng tám năm ngắn ngủi. Thành lập và khẳng định vị thế của mình như một đơn vị tổ chức MMA cùng với nhiều bộ môn thể thao chiến đấu khác ở châu Á với các võ sĩ MMA thiện chiến nhất mà châu lục này mang lại, ONE đã tích lũy được khá nhiều siêu sao quốc tế như Ben Askren, Shinya Aoki và Bibiano Fernandes, và sự bổ sung mới nhất vào hàng ngũ những người ưu tú này là nhà vô địch nữ đến từ Singapore, Angela Lee.

ONE cũng có một chiến lược tiếp thị khá thú vị. Thay vì cố gắng chiếm lĩnh thị phần MMA trên toàn cầu, họ tập trung hầu hết nhân lực “vào người khổng lồ đang ngủ” châu Á, với hơn một nửa dân số thế giới phân bố trải rộng trên khắp lục địa này. Người sáng lập của ONE, Chatri Sityodtong tự tin đến mức tuyên bố rằng ONE sẽ vượt qua mức định giá 1 tỷ USD nếu cứ tiếp tục đà phát triển này. Suy cho cùng, ONE đã là tổ chức truyền thông thể thao lớn nhất châu Á với gần 5 triệu người hâm mộ trên phương tiện truyền thông xã hội và phạm vi phát sóng trên toàn cầu tiếp cận được hơn 1 tỷ hộ gia đình trên 118 quốc gia.

3. Bellator MMA

Đối thủ lớn nhất của UFC ở khu vực Bắc Mỹ, Bellator MMA được thành lập bởi Bjorn Rebney vào năm 2008, bao gồm các tay đấm MMA giỏi nhất ở phương Tây, những người chưa ký hợp đồng với UFC như Eduardo Dantas, Daniel Straus và Michael Chandler.

Hiện tại, Bellator MMA đang được lãnh đạo bởi cựu giám đốc điều hành của Strikeforce, Scott Coker, và phạm vi hoạt động gần như hoàn toàn ở Mỹ. Nhưng một số sự kiện diễn ra ở Canada và châu Âu trong những năm gần đây có lẽ là bằng chứng cho tiềm năng vươn tầm quốc tế của giải đấu này. Bellator có số người theo dõi lên đến gần 2 triệu trên các kênh truyền thông xã hội của mình. Thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” truyền thông, Viacom và được phát sóng trên kênh Spike TV , Bellator gần đây đang tạo ra một sự đột phá trong vô vàn các sự kiện với hình thức trả tiền cho mỗi lượt xem, mặc dù sẽ mất khá lâu để Bellator có thể có thể bắt kịp và thoát ra khỏi cái bóng của UFC.

4. WSOF

Là một tổ chức tương đối non trẻ chỉ mới bắt đầu từ năm 2012, WSOF đã gây dựng cho mình danh tiếng khá tốt với các trận đấu chất lượng giữa những tên tuổi khá kì cựu như Jon Fitch, Rousimar Palhares và Justin Gaethje. Các sự kiện của WSOF trước đây được phát trên NBC, một bước đi mạo hiểm cho một tổ chức trẻ như vậy, nhưng sau đó đã chuyển sang hình thức trả tiền cho mỗi lượt xem. Mặc dù còn lâu mới có thể đứng ngang hàng với Bellator, chứ đừng nói đến UFC, nhưng tổ chức do Ray Sefo lãnh đạo đã thực hiện một số động thái chiến lược quan trọng nhằm mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Bắt đầu từ năm 2013, WSOF đã mua và hợp tác với một số tổ chức khác nhỏ hơn trên khắp thế giới để tích hợp vào với nhau thành một mạng lưới thương hiệu toàn cầu đang phát triển. Điều này bắt đầu ở Trung Mỹ, sau đó nhanh chóng chuyển đến Canada, Nhật Bản và Trung Quốc, và đang thương thảo các kế hoạch tiếp theo để làm điều tương tự ở Philippines, New Zealand và Úc. Mặc dù vẫn còn phải xem WSOF sẽ làm thế nào để thành công khi hiện giải đấu chỉ có 25.000 người hâm mộ trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng chắc chắn phương hướng phát triển và hoạt động của nó tốt hơn hầu hết các công ty kể trên về mặt quan hệ quốc tế.

5. Jungle Fight

Là tổ chức MMA số một đến từ Nam Mỹ, Jungle Fight được thành lập bởi một trong những người tiên phong trong bộ môn MMA và nhà vô địch Brazilian Jiujitsu thế giới, Wallid Ismail. Jungle Fight được phát trên kênh TV Band của Brazil và ESPN của Mỹ, hiện đang hoạt động gần như độc quyền ở Brazil với một đội hình toàn các tay đấm cừ nhất trong khu vực.

Jungle Fight có vẻ hoàn toàn bằng lòng về việc chỉ là một tổ chức địa phương của Brazil với gần 320.000 người hâm mộ khi mà tổ chức này hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tự mình tổ chức một sự kiện quốc tế trong tương lai. Bên cạnh đó, Jungle Fight đã liên kết với một tổ chức MMA mới mang tên là Rizin tại Nhật Bản và cho phép các võ sĩ của họ có thể thi đấu bên ngoài tổ chức.

Thanh Bình – Như Trúc