(VoThuat.vn) – Hiện nay, UFC và WWE đang gần như chia nhau thị phần tổ chức và phát sóng các trận đấu dù là “đấm thật, ăn thật” (như UFC) hay đã được lên kịch bản nhằm phục vụ mục đích giải trí (như WWE). Vậy liệu bạn có bao giờ thắc mắc rằng đâu mới là chương trình phổ biến hơn trên thế giới?
UFC (tạm dịch là “Giải vô địch Đối kháng đỉnh cao”), là công ty quảng bá MMA lớn nhất hiện nay trên thế giới và là nơi tụ hội của các võ sĩ hàng đầu quốc tế. UFC được chia làm 9 hạng cân và áp dụng luật thi đấu thống nhất của MMA.
UFC là tổ chức phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp kể từ năm 2005 sau khi được Frank và Lorenzo Fertitta mua với giá 2 triệu đô la. Vào năm 2015, UFC đã được bán lại với mức giá đáng kinh ngạc, 4 tỷ đô la, các giải đấu cũng “bỏ túi” con số ấn tượng với hơn 600 triệu đô la.
Trong khi đó, WWE (Đấu vật Giải trí Thế giới) là một công ty hoạt động trong lĩnh vực thể thao giải trí và chủ yếu là trong ngành đấu vật biểu diễn, được xem là nhà tổ chức đấu vật biểu diễn phát triển lớn nhất thế giới. Các chương trình của WWE không phải thể thao đối kháng thực thụ, mà chỉ thuần về giải trí, với cốt truyện, kịch bản, và các trận đấu mang tính biểu diễn.
WWE đã tồn tại được hơn ba thập kỷ và trở thành một phân khúc cố định ở Hoa Kỳ cũng như một công ty đa quốc gia với doanh thu lên đến gần 700 triệu đô la.
Những thông số về doanh thu đã khiến người hâm mộ cả môn đấu vật chuyên nghiệp và võ thuật hỗn hợp tranh cãi liên tục rằng môn thể thao nào mới là phổ biến hơn bởi có nhiều điểm tương đồng và sự giao thoa của UFC và WWE trong nhiều năm qua. Hãy cùng phân tích độ phổ biến của cả 2 “ông lớn” này nhé.
Các “ngôi sao” quyền lực
Trong những năm qua, WWE đã “ra lò” hàng trăm nhân vật nổi tiếng và ngôi sao màn ảnh, nhiều người trong số họ đều trở thành những cái tên quen thuộc đối với khán giả toàn cầu. Điển hình như Hulk Hogan và Dwayne “The Rock” Johnson, John Cena, hiện đã trở thành những “sao bự” ở Hollywood cũng góp phần thúc đẩy vị thế của WWE trong giới đấu vật.
Về phía UFC, giải đấu này so về số lượng những võ sĩ nổi tiếng hay về thâm niên trong nghề cũng không thể so sánh với WWE. Chỉ đến gần đây, Quinton Jackson, Randy Couture, Ronda Rousey hay Conor McGregor mới tự biến mình thành hàng ngũ những tên tuổi được săn đón.
Sức hấp dẫn toàn cầu
WWE có mặt ở 180 quốc gia trên thế giới và 28 vùng ngôn ngữ khác nhau. UFC thì gần đây mới đến được những quốc gia như trên cùng với việc giới thiệu Fight Pass – một dịch vụ phát trực tuyến giống như WWE Network.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn khác biệt mới là điều làm nên thành công của WWE. Sự đa dạng trong chương trình của họ từ kết hợp các thể loại trận đấu khác nhau đến việc đưa những phụ nữ hấp dẫn lên sàn đấu. Và chỉ riêng phần hình thức sân khấu hay khung chương trình, WWE đều có sức hấp dẫn đối với nhiều phân khúc khán giả hơn so với UFC, một chương trình được cho là hoàn toàn “một màu” trong nhận định của đại chúng.
Tính giải trí
Không có gì thú vị hơn một cuộc chiến lớn, hơn thế nữa đó còn là một cuộc chiến lớn với vô cùng nhiều “drama” đi kèm, và đó chính xác là những gì WWE cung cấp cho người xem hàng tuần bằng cách đầu tư vào những kịch bản vô cùng éo le đồng thời nhấn mạnh vào khả năng diễn xuất của đấu sĩ nhằm khiến người hâm mộ đổ nhiều tiền hơn vào họ.
Người hâm mộ bộ môn đấu vật chuyên nghiệp là một trong những đội ngũ cuồng nhiệt nhất trong tất cả các môn thể thao, và đó là bởi vì họ tự chi trả cho những câu chuyện được kể bằng các nhân vật mà họ yêu thích hay đầu tư vào.
Trong UFC, cảm giác của người hâm mộ chủ yếu đến từ chính trận đấu, những cú đấm mạnh mẽ, những cú đá chết người, điều đó tựa như đun sôi máu của họ, đa số sẽ không liên quan đến những yếu tố khác bên ngoài như nội dung hay đời tư, tai tiếng của võ sĩ. Bởi thế họ cũng sẽ dễ bị cuốn hút vào các môn thể thao chiến đấu khác, ít có sự trung thành được thành lập dựa trên bản thân võ sĩ.
Không những thế, các ngôi sao lớn của UFC không được đưa lên hàng đầu để quảng bá giống như cách WWE sử dụng tên tuổi đấu sĩ trong việc xây dựng thương hiệu của họ. Ngoài một hoặc hai trận đấu lớn mỗi năm, những hoạt động trong năm cũng không quá sôi nổi khiến người hâm mộ không đủ thời gian để nhớ mặt gọi tên những gương mặt mới, từ đó không cảm thấy đủ hứng thú để xem những trận đấu tầm trung.
Tính đại chúng
Mặc dù cả WWE và UFC đều là những “tay già đời” trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo, hai bên rất khác nhau trong việc phân phối dịch vụ của mình đến người tiêu dùng. Là một công ty giải trí, mục tiêu của WWE là thu hút tất cả mọi người, bất kể là ai, xem những trận đấu của họ, bởi vậy họ có một cái gì đó rất đại chúng.
UFC thì mang đến cho người hâm mộ những võ sĩ MMA tài năng nhất hành tinh cùng một đội ngũ khổng lồ những tay đấm được huấn luyện kĩ càng. Nhưng vì vấn đề thể chất của võ sĩ và sự tàn bạo của môn thể thao này, người hâm mộ chỉ được chứng kiến những trận đấu lớn 1 đến 2 lần trong năm và tất cả thời gian vắng mặt đó sẽ luôn khiến UFC đứng sau WWE về mức độ phổ biến lâu dài.
Trên thực tế, số tiền WWE kiếm được từ hình thức phát sóng trả tiền cho mỗi lượt xem và tiền bán vé đều thua UFC “mấy con phố”, chỉ có sự kiện WrestleMania hàng năm của họ là khá khẩm hơn một chút. Nhưng bù lại, UFC hiếm khi có thể đánh bại WWE khi bàn tới rating truyền hình và chính sự khác biệt về bản sắc của mỗi giải đấu là lý do cho điều đó, mỗi “ông lớn” này đều có một “lãnh thổ” khác nhau.
Sự “kỳ thị”
WWE luôn bị xem là “giả tạo” bởi những trận đấu được lên kịch bản kĩ càng và kết quả được quyết định từ trước, nhưng đó là một phần của chương trình vì đa phần mọi người đều xem nó như một tiết mục giải trí cuối ngày.
Còn với UFC, gười xem luôn có một sự “kỳ thị” nhất định đối với giải đấu này bởi bản chất tàn khốc và bạo lực của một trận MMA. Đây thật sự là một bước ngoặt lớn đối với nhiều người nếu muốn vượt qua và thưởng thức những trận đấu UFC tổ chức, chính điều đó sẽ luôn dựng lên một “vách ngăn” giữa “ông lớn” này và người hâm mộ.
“Bản án” cho UFC
Bất chấp những sự gia tăng đáng kinh ngạc mà UFC đã đạt được kể từ năm 2005, sự nổi tiếng của họ không thể nào so sánh được với mức độ phổ biến của WWE bởi điều đó giống như đem so sánh kim loại với vải vóc, vì vốn dĩ chúng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Đấu vật chuyên nghiệp đã và sẽ luôn là xu hướng dễ được xã hội chấp nhận hơn MMA, do đó sẽ luôn có một khoảng cách về mức độ phổ biến chỉ vì yếu tố này. Nhưng sức hấp dẫn của chiến đấu thực sự là không thể phủ nhận.
Như Trúc